Trường Đại học TDTT Bắc Ninh - Nơi ươm mầm những tài năng VĐV trẻ

Năm 1994, theo chủ trương của Uỷ ban TDTT trước đây (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), chương trình đào tạo VĐV mục tiêu quốc gia được thành lập và trường Đại học TDTT Bắc Ninh (mới đổi phiên hiệu từ khi sáp nhập) là một trong những Trung tâm đào tạo VĐV của chương trình này. Kể từ đó, tập thể cán bộ, giáo viên, VĐV, sinh viên của Nhà trường đã không ngừng nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong công tác giáo dục và đào tạo VĐV, sau gần 15 năm hoạt động, Trung tâm Đào tạo VĐV trẻ của trường đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng biểu dương.


Năm 1994, theo chủ trương của Uỷ ban TDTT trước đây (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), chương trình đào tạo VĐV mục tiêu quốc gia được thành lập và trường Đại học TDTT Bắc Ninh (mới đổi phiên hiệu từ khi sáp nhập) là một trong những Trung tâm đào tạo VĐV của chương trình này. Kể từ đó, tập thể cán bộ, giáo viên, VĐV, sinh viên của Nhà trường đã không ngừng nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong công tác giáo dục và đào tạo VĐV, sau gần 15 năm hoạt động, Trung tâm Đào tạo VĐV trẻ của trường đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng biểu dương.

Với quyết tâm vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất và kinh phí, đến nay Trung tâm Đào tạo VĐV trẻ của trường hiện đang quản lý và tổ chức huấn luyện cho 10 đội tuyển trẻ quốc gia với tổng số 170 VĐV, gồm các môn: Bóng bàn, Bóng ném, Bóng đá, Bắn súng, Cử tạ, Silát, Cầu mây Hoop, Cầu mây nữ trẻ, Cầu lông, Điền kinh trẻ. Kết thúc năm huấn luyện 2007 - 2008, Trung tâm đã bổ sung 15 VĐV lên đội tuyển quốc gia ở các môn: Bóng bàn, Cầu mây, Pencak Silat, Cử tạ, Bắn súng.

Các VĐV Pencak Silat của Trung tâm đào tạo VĐV Nhà trường 
đã thể hiện xuất sắc tại giải trẻ năm 2008 (Ảnh: NTH)
Phát huy truyền thống rất đáng tự hào đó, các VĐV của Trung tâm tham gia thi đấu tại các giải trong và ngoài nước đã giành được tổng số 104 huy chương các loại (36 HCV, 28 HCB, 40 HCĐ). Trong đó, số huy chương đạt được tại các giải thi đấu quốc tế là 14 huy chương (4 HCV, 3 HCB, 7 HCĐ); đặc biệt tại giải Cầu mây trẻ thế giới, đội Cầu mây nữ trẻ đã đạt được 1 HCB; tại giải Bóng bàn trẻ ĐNA, đội tuyển Bóng bàn đã đạt 4 HCV, 2 HCB, 6 HCĐ; tại giải trẻ Cầu lông Châu Á đội tuyển cũng đã giành 1 HCĐ... Những thành tích đó không chỉ cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, HLV, VĐV Nhà trường mà còn khẳng định sự phát triển đúng hướng và tầm quan trọng của công tác đào tạo trẻ.

Bên cạnh việc chăm lo cho quá trình tập luyện nâng cao thành tích, lãnh đạo Trung tâm và Nhà trường còn đặc biệt lưu ý tới vấn đề học tập Văn hoá của các VĐV. Do chịu nhiều ảnh hưởng của quá trình tập luyện và thi đấu nên việc học Văn hoá của VĐV trẻ cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Thời điểm tập trung của một số môn không trùng với thời điểm khai giảng năm học mới, trong quá trình học lại phải tham gia nhiều giải đấu đã gây trở ngại lớn cho tiến độ học tập cũng như chất lượng học tập của các em... Tuy nhiên, với sự nỗ lực của bản thân mỗi VĐV, tích cực, tự giác học tập để trả bài sau mỗi chuyến tập huấn, thi đấu; sự chăm lo đảm bảo cho các VĐV được học tập văn hoá theo đúng lớp, độ tuổi đã giúp 100 % em được lên lớp trong năm qua; tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông của Trung tâm Đào tạo VĐV đạt 81%. Đó là một kết quả đáng mừng mà không phải bất kỳ một trung tâm đào tào VĐV trẻ nào cũng có thể đạt được.

Có thể nói, trong suốt thời gian qua, Trung tâm đào tạo VĐV trẻ trường Đại học TDTT Bắc Ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo nhằm cung cấp, bổ sung các VĐV ưu tú cho đội tuyển quốc gia. Từ chính cái nôi đào tạo này, nhiều VĐV đã trưởng thành và thi đấu giành thành tích cao về cho thể thao Việt Nam tại đấu trường khu vực và Châu lục, nổi bật như: Bùi Thị Nhung, Nguyễn Thị Thu Cúc, Vũ Văn Huyện, Nguyễn Duy Bằng (Điền kinh); Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thiết, Trịnh Thị Ngà (Cử tạ), Ngọc Anh (Pencak Silat)...

Phát huy những thành tích đã đạt được, năm 2009, Trung tâm đào tạo VĐV trẻ trường Đại học TDTT Bắc Ninh quyết tâm vượt qua con số 15 VĐV lên tuyển quốc gia. Để đạt được mục tiêu đó, trung tâm cũng đã có những phương án thực hiện đồng bộ mà yếu tố quan trọng nhất là việc đầu tư hơn nữa về con người và cơ sở vật chất tập luyện, góp phần phát triển nền TDTT nước nhà vững bước trên con đường hội nhập.

 

Xuân Nhi

 

Ảnh trong bài
  • Trường Đại học TDTT Bắc Ninh - Nơi ươm mầm những tài năng VĐV trẻ