Những năm qua, ngành VH,TT&DL đã có nhiều cố gắng, quan tâm đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ trí thức và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL cũng có những hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển VH,TT&DL, đặc biệt trước bối cảnh sáp nhập Bộ với xu hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Vì vậy công tác xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa trong bối cảnh hiện nay. "Đề án xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL đến năm 2020" được đặt ra trước những yêu cầu thực tế đó.
Đề án nhằm tập trung đặt ra những mục tiêu phát triển và xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL trong thời kỳ đổi mới CNH, HĐH đất nước, tìm những giải pháp cụ thể đẩy mạnh xây dựng đội ngũ trí thức; Hoàn thiện chính sách, chế độ đối với trí thức của ngành; Đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng, trí thức và công tác quản lý trí thức.... Đồng thời, việc xây dựng "Đề án xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL đến năm 2020" được Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ chỉ đạo thực hiện là hành động thiết thực của ngành VH,TT&DL thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 7. (Trong đó, Nghị quyết đã xác định rất rõ vấn đề về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là mối quan tâm của toàn xã hội).
Mục tiêu cụ thể của đề án này đặt ra là phấn đấu đến năm 2020, số Tiến sĩ tăng gấp 2 hiện nay và Thạc sĩ tăng gấp 3 hiện nay; Mỗi năm thêm 50 Tiến sĩ, 250 Thạc sĩ, Bác sĩ y học thể thao và 12.000 Cử nhân, tăng tỷ trọng sinh viên tốt nghiệp cao đẳng du lịch lên 15% (hiện nay khoảng 6%); Phổ cập trình độ ngoại ngữ, tin học tương đương bằng C cho đội ngũ trí thức của ngành, đảm bảo phục vụ được yêu cầu công việc; Cơ cấu lại phân bố vùng miền: Phía Bắc chiếm 40%, phía Nam chiếm 40% và miền Trung 20% và tăng số trí thức ở vùng sâu, vùng xa (hiện tại, tỷ lệ này lần lượt là: 49,37%; 36,92% và 13,71%). Đây đều là những chỉ tiêu tương đối cao đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành đặc biệt của các cơ sở đào tạo đầu ngành của các lĩnh vực thuộc Bộ. Nếu đạt được chỉ tiêu đó thì thực sự là một bước đột phá của ngành VH,TT&DL trong công tác xây dựng đội ngũ trí thức phục vụ đắc lực cho sự phát triển sự nghiệp của ngành.
Cấu trúc Đề án gồm 3 phần: Đánh giá thực trạng công tác xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL; Quan điểm, mục tiêu và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL đến năm 2020; Các dự án ưu tiên xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL đến năm 2020. Lộ trình kế hoạch tổ chức thực hiện đề án sẽ chia làm 3 giai đoạn: Từ nay đến 2010, từ 2011 đến 2015 và từ 2016 đến 2020.
Trong đó, 6 dự án ưu tiên xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL đến năm 2020 mà đề cương đề án nêu ra. Đó là: Hoàn thiện cơ chế chính sách về đội ngũ trí thức ngành; Xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ trí thức của ngành; Phát triển mạng lưới đào tạo, nghiên cứu; Đào tạo giáo viên, giảng viên và các nhà khoa học; Dự án Phát triển chương trình, giáo trình và học liệu; Nâng cao trình độ chuyên nghiệp của đội ngũ trí thức trong ngành.
Để thực hiện, đề án cũng đã chỉ ra những giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Rà soát, sắp xếp lại và quy hoạch đội ngũ trí thức; Tiếp tục hoàn thiện chính sách, chế độ đối với trí thức ngành VH,TT&DL; Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức; Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý trí thức; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ trí thức ngành VH,TT&DL.
Để Đề án được xây dựng một cách hiệu quả, sát với thực tiễn, Bộ VH,TT&DL đang tiến hành lấy các ý kiến đóng góp của đại diện các Sở VH,TT&DL, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị trực thuộc Bộ.
Hợp Kiên