Một số vấn đề về chương trình đào tạo sau đại học của ngành TDTT giai đoạn 2001 - 2005

Trong Hội nghị tổng kết sau đại học, các đại biểu thảo luận xung quanh những vấn đề: đối tượng được đào tạo, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, chế độ chính sách đối với người được đào tạo và quy chế của Bộ giáo dục và đào tạo trong công tác đào tạo sau đại học.

Công tác đào tạo sau đại học của ngành TDTT là đào tạo những cán bộ TDTT trình độ cao (thạc sỹ và tiến sỹ) đáp ứng sự nghiệp phát triển nền TDTT trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Trong Hội nghị tổng kết sau đại học, các đại biểu thảo luận xung quanh những vấn đề: đối tượng được đào tạo, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, chế độ chính sách đối với người được đào tạo và quy chế của Bộ giáo dục và đào tạo trong công tác đào tạo sau đại học.

Hầu hết các ý kiến thảo luận đều cho rằng đối tượng được đào tạo yếu về ngoại ngữ nên khả năng tham khảo tài liệu bằng tiếng nước ngoài còn rất hạn chế. Theo chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục đào tạo quy định, số tiết dành cho môn học ngoại ngữ rất nhiều với 200 tiết học (chỉ sau số tiết dành cho luận văn với 240 tiết). Vậy trình độ ngoại ngữ yếu là do đâu? Phải chăng trình độ ngoại ngữ người được đào tạo yếu từ khi tuyển chọn đầu vào, đội ngũ giảng viên trình độ chưa cao hay quá trình giảng dạy ngoại ngữ không đảm bảo chất lượng. Tất cả các yếu tố đó đều ảnh hưởng đến trình độ ngoại ngữ của học viên. Để nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, công tác đào tạo sau đại học không chỉ thắt chặt đầu vào, lựa chọn giáo viên giảng dạy có trình độ cao mà cần có những phương pháp giảng dạy ngoại ngữ phù hợp, tiến hành đồng thời với việc giám sát thực hiện giảng dạy nội dung này.

Cũng nằm trong chương trình đào tạo, theo quy định của Bộ giáo dục đào tạo, môn Tin học được giảng dạy ở học kỳ 3 đối với đào tạo hệ tập trung 2 năm, học kỳ 5 đối với hệ 3 năm và ở học kỳ 7 đối với đào tạo đại học, trong khi đó đối tượng được đào tạo của các hệ trên đã tiến hành làm đề cương từ trước đó 1 học kỳ. Ngay từ khâu làm đề cương, người học đã rất cần thiết có kiến thức về tin học, phục vụ cho việc thu thập thông tin và lựa chọn đề tài. Tránh tình trạng như hiện nay, thông tin về đề tài các cấp không có gây nên trùng lặp đề tài. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng luận văn. Nên chăng Bộ giáo dục và đào tạo đưa nội dung tin học vào giảng dạy sớm hơn, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của đối tượng đào tạo.

Trong bài tham luận, GS. TS Lê Văn Lẫm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT I đã đưa ra công thức đào tạo sau đại học: chất lượng đào tạo = thầy giỏi + trò giỏi. Thiết nghĩ, nếu thực hiện tốt từng khâu, từng vấn đề Hội nghị đã tổng kết và áp dụng công thức đó, chắc chắn chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao, ngành TDTT không chỉ dừng ở cấp độ đào tạo tiến sỹ trong nước mà còn thu hút đào tạo cán bộ trình độ cao cho các nước bạn.

HX
 

Ảnh trong bài
  • Một số vấn đề về chương trình đào tạo sau đại học của ngành TDTT giai đoạn 2001 - 2005