Trường Đại học TDTT I áp dụng học chế Tín chỉ trong hệ thống giáo dục Đại học

Với mục tiêu đổi mới cơ bản và toàn diện, tạo được chuyển biến tích cực về chất lượng, loại hình, hiệu quả cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, ngày 15/3/2006 tại Trường Đại học TDTT I, GS.TS Lưu Quang Hiệp, Phó hiệu trưởng nhà trường đã có buổi lên lớp, giảng về vấn đề Áp dụng học chế Tín chỉ trong hệ thống giáo dục Đại học và những phương hướng cụ thể trong việc áp dụng hình thức đào tạo này tại Trường Đại học TDTT I.

Với mục tiêu đổi mới cơ bản và toàn diện, tạo được chuyển biến tích cực về chất lượng, loại hình, hiệu quả cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, ngày 15/3/2006 tại Trường Đại học TDTT I, GS.TS Lưu Quang Hiệp, Phó hiệu trưởng nhà trường đã có buổi lên lớp, giảng về vấn đề Áp dụng học chế Tín chỉ trong hệ thống giáo dục Đại học và những phương hướng cụ thể trong việc áp dụng hình thức đào tạo này tại Trường Đại học TDTT I.

Việc áp dụng hình thức đào tạo này nhằm hoàn chỉnh hợp lý cơ cấu ngành nghề, trình độ, hình thức đào tạo, phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục Đại học Việt Nam và thị trường lao động. Nó còn giúp phát triển các chương trình giáo dục Đại học theo hướng nghề nghiệp, ứng dụng, đảm bảo sự liên thông giữa các chương trình trong toàn hệ thống.

Trên thực tế, hình thức đào tạo này đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới và thu được những kết quả tích cực. Ở Việt Nam, với quyết định 47/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ra ngày 4/4/2001), các trường đã từng bước chuyển từ niên chế sang Tín chỉ và phấn đấu đến năm 2010, hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng áp dụng học chế Tín chỉ.

Hệ thống Tín chỉ cho phép sinh viên đạt được văn bằng Đại học thông qua việc tích luỹ các kiến thức khác nhau được đo bằng một đơn vị xác định gọi là Tín chỉ (credit). Tín chỉ là đơn vị dùng để đo khối lượng kiến thức của sinh viên. Dựa trên số lượng Tín chỉ học tập đã tích luỹ được theo một học kỳ hoặc một giai đoạn, người ta đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Khác với niên chế là quy định các môn học bắt buộc với thời lượng học ấn định (một sinh viên muốn tốt nghiệp cử nhân phải đạt đủ các tiêu chuẩn đó) còn đối với Tín chỉ thì linh động hơn rất nhiều. Khi sinh viên đạt được một số lượng Tín chỉ đã quy định, sẽ được cấp văn bằng.

Theo GS. TS Lưu Quang Hiệp, áp dụng học chế tín chỉ trong hệ thống giáo dục Đại học sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, phù hợp với nền thể thao Đại học đại chúng. Đây là một hình thức mềm dẻo và có khă năng thích ứng cao (học theo điều kiện và năng lực cá nhân, dễ thay đổi hướng chuyên môn, dễ mở ngành học mới, tăng khả năng liên thông chuyển đổi giữa các trường Đại học, đạt hiệu quả cao về quản lý và giá thành đào tạo, sử dụng tối ưu giáo chức có trình độ và cơ sở vật chất). Tuy nhiên, việc áp dụng học chế Tín chỉ cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như cắt vụn kiến thức và khó gắn kết sinh viên (song những hạn chế này có thể khắc phục được bằng cách tổ chức lớp thích hợp, đa dạng hoá sinh hoạt tập thể, không thiết kế học phần quá bé và thêm những môn học, kỳ thi có tính tổng hợp)

Do chương trình đào tạo Trường Đại học TDTT có những đặc điểm riêng, gồm 2 chương trình đào tạo (chuyên sâu, phổ tu) 2 kế hoạch đào tạo, 49 môn học cho hệ Giáo dục thể chất (GDTC) và 65 môn cho hệ Huấn luyện thể thao (HLTT), 17 môn thực hành và 34 môn lý thuyết; có 7 môn học đã có chương trình 30+30 tiết (Bơi lội, Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông); 105 tiết Điền kinh, 90 tiết Thể dục; 9 môn có chương trình 30 tiết coi là chương trình phổ tu nên sẽ phải xây dựng, thống nhất trong việc biên soạn chương trình môn học theo Tín chỉ.

Theo đó, các môn lý thuyết trên cơ sở chương trình và học phần đã có trong kế hoạch đào tạo GDTC hoặc HLTT sẽ biên soạn theo các học phần mới với thời lượng 30 - 45 tiết (2-3 học trình), các môn học lý thuyết lớn hơn 45 tiết biên soạn thành 2 hoặc nhiều học phần. Các môn thực hành (ngoại trừ Cử tạ, Đá cầu, Trò chơi vận động) biên soạn các học phần theo các định hướng phân chia đã có, bao gồm 18 học phần trong đó có: 1-2 học phần phổ tu (đại cương) 30 hoặc 30+30 tiết, ngoại trừ Điền kinh, Thể dục cao hơn 90-120 tiết với mã số 1,2. 8 học phần chuyên sâu thuộc thuộc chương trình 600 tiết với thời lượng là 75 x 2 x 4 tiết, với mã số từ 3 đến 10 (hoặc 3A-10A). 8 học phần chuyên sâu tương ứng với chương trình 450 tiết với thời lượng là 45 x 2 + 60 x 2 x 3 với mã số từ 11 đến 18 (hoặc 3B - 10B).

Như vậy, khi mà số lượng sinh viên ngày càng tăng nhanh theo cấp số nhân thì việc áp dụng hình thức đào tạo này là một quá trình phát triển tất yếu. Nó không chỉ cho thấy sự linh động, chủ động trong quá trình học tập của các sinh viên mà còn giúp tiết kiệm một cách tối đa khi mà nguồn ngân sách có hạn. Mong rằng, với sự "khởi động" tốt đẹp này, thầy và trò Trường Đại học TDTT I sẽ thực hiện tốt việc áp dụng học chế Tín chỉ trong thời gian tới.

NTH
 

Ảnh trong bài
  • Trường Đại học TDTT I áp dụng học chế Tín chỉ trong hệ thống giáo dục Đại học