Trong những năm gần đây, mặc dù Thể thao Việt Nam đã đạt được những thành tựu rực rỡ, giành được thứ hạng cao tại các giải khu vực, châu lục và thế giới nhưng thành tích mà các VĐV Việt Nam giành được chưa ổn định, công tác chỉ đạo và quản lý chưa thống nhất, việc áp dụng những thành tựu khoa học, những kết quả nghiên cứu về y sinh học vào công tác huấn luyện còn hạn chế. Xuất phát từ thực tế đó, Vụ tổ chức cán bộ Uỷ ban TDTT đã phối hợp cùng Sở TDTT Đồng Nai mở lớp bồi dưỡng kiến thức y - sinh học TDTT năm 2006. Khoá học sẽ diễn ra trong 12 ngày (từ ngày 25/5 đến 5/6) tại Sở TDTT Đồng Nai.
Đây là lần thứ 2 lớp bồi dưỡng kiến thức về y - sinh học TDTT được tổ chức (lần đầu tiên tại Cần Thơ). So với lần tổ chức đầu tiên, số lượng học viên lần này đã giảm xuống (lớp có 70 học viên). Đối tượng tham dự là các cán bộ, HLV, y - bác sỹ thể thao các tỉnh, thành phố phía Nam.
Theo nội dung của chương trình, các học viên sẽ được nghiên cứu 21 chuyên đề, được chia làm 4 nhóm (nhóm 1: Tìm hiểu về xã hội hoá TDTT, dopping trong thể thao, phương pháp NCKH trong quản lý và huấn luyện thể thao hiện đại; nhóm 2: những vấn đề về tâm sinh lý lứa tuổi trong tuyển trọn, đào tạo VĐV; mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường trong việc chăm lo phát triển tài năng thể thao, quy trình tuyển chọn, quản lý và công nghệ đào tạo VĐV trình độ cao, huấn luyện thể thao hiện đại; nhóm 3: lượng vận động, tiêu chuẩn đánh giá trình độ tập luyện của VĐV, phương pháp lập kế hoạch huấn luyện, huấn luyện sức mạnh, các test y - sinh học, tâm lý học, ứng dụng công nghệ thông tin trong Huấn luyện Thể thao (HLTT); nhóm 4: quy trình kiểm tra đánh giá hiệu quả tập luyện thể thao, những vấn đề về dinh dưỡng, hồi phục và phương pháp phòng ngừa, sơ cứu chấn thương cho VĐV).
Ban tổ chức lớp học đã rất chú ý tới chất lượng của các chuyên đề bằng việc mời các giảng viên đầu ngành trực tiếp giảng dạy (TS Lâm Quang Thành, TS Phan Hồng Minh, TS Lê Đức Chương, TS Trương Anh Tuấn...). Tuy nhiên, khi được phóng viên phỏng vấn, một số học viên đã thẳng thắn nói rằng: "Nội dung chương trình của lớp học còn dàn trải, chưa thực sự đi sâu về chuyên đề y - sinh học trong TDTT".
Kết thúc khoá học, các học viên đạt tiêu chuẩn sẽ được Uỷ ban TDTT cấp giấy chứng nhận một trong những chứng chỉ quy định đối với người dự thi nâng ngạch bậc do Uỷ ban TDTT tổ chức.
Mặc dù còn nhiều hạn chế song để đảm bảo duy trì thành tích cho các VĐV cũng như làm tốt công tác quản lý tại các giải đấu lớn sắp diễn ra (Đại hội TDTT toàn quốc, Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ XIII, Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 15...), những lớp bồi dưỡng kiến thức theo chuyên đề như thế này là rất cần thiết và bổ ích. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều lĩnh vực trở thành chuyên đề cho các khoá học và đối tượng tham dự ngày càng được mở rộng.
NTH