Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong và ngoài ngành, Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng và Trung tâm HLTT Quốc Gia III được đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy, huấn luyện và bước đầu đạt được những kết quả đáng biểu dương. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, quy mô, chất lượng đào tạo, huấn luyện đòi hỏi ngày một nâng cao, thì việc sử dụng chung cơ sở vật chất giữa 2 đơn vị này đã gây nên nhiều bất cập. Vì vậy vấn đề đặt ra là cần phải xây dựng một công trình thể thao đáp ứng được các yêu cầu phát triển của ngành.
Trước yêu cầu cấp thiết đó, Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái - Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT đã ra quyết định: Đầu tư mở rộng Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng và Trung tâm HLTT Quốc Gia III (cơ sở 2) có trụ sở tại Phường Hoà Khánh, Quận Liên Chiểu, Tp Đà Nẵng (với diện tích 40 ha). Đến nay, Dự án đã hoàn tất và đang đi vào thực hiện. Song việc quy hoạch cũng như sử dụng các hạng mục công trình của Dự án vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đây chính là nội dung xuyên suốt buổi họp sáng ngày 22/6 tại Uỷ ban TDTT do Phó chủ nhiệm Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì.
Tên của dự án là "Mở rộng Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng và Trung tâm HLTT Quốc Gia III". Song các hạng mục công trình như: sân Bóng đá, sân Điền kinh, nhà tập Võ, Cầu lông, Trung tâm y tế, nghiên cứu khoa học, nhà khách, nhà ở của chuyên gia... đa phần để phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo VĐV. Do vậy, sẽ rất bất cập trong công tác triển khai xây dựng sau này, các hạng mục công trình khó có thể đảm bảo cả 2 chức năng: vừa đào tạo cán bộ, vừa đào tạo VĐV. Để tìm ra giải pháp cho vấn đề này, đã có 2 luồng ý kiến được nêu ra trong buổi họp.
Một là Dự án chỉ thực hiện nhiệm vụ công tác huấn luyện, đào tạo VĐV. Theo đó, các hạng mục công trình phải đảm bảo tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật và tính thẩm mỹ. Đưa ra ý kiến trong buổi họp, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính nhấn mạnh: "Cần phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của dự án mới có thể xậy dựng công trình với các hạng mục cụ thể và các hạng mục này cũng nên phân khu theo chức năng về dây chuyền sử dụng như: khu hành chính; khu ăn ở của VĐV, chuyên gia; khu tập luyện ngoài trời, trong nhà; khu y học TDTT; khu dịch vụ...".
Hai là vẫn gộp chung 2 đơn vị này trong Dự án mở rộng, nhưng mục đích sử dụng chính là ưu tiên cho công tác huấn luyện, đào tạo VĐV. Có nghĩa, vẫn có các hạng mục công trình giành cho công tác đào tạo (khu giảng đường, thư viện, ký túc xá, khu ở của tập thể cán bộ, giáo viên...). Theo ông Lê Tấn Đạt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng kiêm Giám đốc Trung tâm HLTT Quốc gia III (Chủ đầu tư) thì việc kết hợp này sẽ mang tính tiết kiệm và có thể khai thác một cách hiệu quả nhất chức năng của các công trình. Dự án này được thực hiện sẽ là điều kiện cần và đủ để Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng tiến lên trở thành Trường Đại học TDTT đầu tiên ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Vì thế sự hỗ trợ lẫn nhau giữa công tác huấn luyện VĐV và đào tạo cán bộ là cần thiết và bằng chứng là kết quả mà 2 đơn vị này đã thực hiện được trong những năm vừa qua. Ngoài ra, Dự án còn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp về các giải pháp cho công tác quy hoạch (đền bù, giải phóng mặt bằng, sử dụng quỹ đất hợp lý...); nguồn ngân sách; nguồn lực con người...
Cuối cùng, theo ý kiến chỉ đạo của Phó chủ nhiệm Huỳnh Vĩnh Ái, Dự án phải đảm bảo "Tiết kiệm, thẩm mỹ, bố trí hợp lý và giá trị sử dụng lâu dài". Giá trị sử dụng ở đây không chỉ đơn thuần là độ bền của công trình mà cần tính đến việc phát triển các môn thể thao mang tính hiện đại và đặc thù.
Vì vậy Chủ đầu tư và đơn vị phối hợp là Công ty tư vấn và Đầu tư phát triển đô thị miền Trung - Tây Nguyên cần xem xét thận trọng những vấn đề này cũng như tham khảo ý kiến của các thành viên trong buổi họp để xây dựng thành công Dự án mở rộng Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng và Trung tâm HLTT Quốc gia.
NTH