Thành tựu thể dục thể thao học đường và phương hướng phát triển đến năm 2010: Quan điểm và mục tiêu phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2010

Thể dục Thể thao là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người; góp phần nâng cao thể lực, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, làm phong phú đời sống văn hoá và phát huy tinh thần dân tộc của con người Việt Nam, phục vụ đắc lực cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010.

 1. Quan điểm:
a) Thể dục Thể thao là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người; góp phần nâng cao thể lực, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, làm phong phú đời sống văn hoá và phát huy tinh thần dân tộc của con người Việt Nam, phục vụ đắc lực cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010.

b) Xây dựng nền Thể dục Thể thao phát triển, tiến bộ có tính dân tộc, khoa học và nhân dân. Giữ gìn, phát huy bản sắc và truyền thống dân tộc, đồng thời nhanh chóng tiếp thu những thành tựu khoa học hiện đại.

Phát triển rộng rãi Thể dục Thể thao quần chúng, các môn thể thao dân tộc và các hoạt động Thể dục Thể thao mang tính phổ cập đối với mọi đối tượng, lứa tuổi, tạo thành phong trào Thể dục Thể thao quần chúng “Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tập trung phát triển những môn thể thao trọng điểm phù hợp đặc điểm và thể chất người Việt Nam nhằm nhanh chóng nâng cao thành tích thể thao. Từng bước xây dựng lực lượng thể thao chuyên nghiệp.

c) Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động Thể dục Thể thao dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước.

d) Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế trong sự nghiệp phát triển Thể dục Thể thao, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân các nước trong khu vực, châu lục và trên thế giới.

2. Mục tiêu:

a) Thực hiện giáo dục thể chất trong tất cả các trường học. Tuyệt đại bộ phận học sinh, sinh viên, thanh niên, thiếu niên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức và một bộ phận ngày càng lớn nhân dân thường xuyên tập luyện Thể dục Thể thao.

b) Đào tạo đội ngũ vận động viên thể thao tài năng quốc gia với các tuyến, các lớp kế cận hoàn chỉnh, có trình độ chuyên môn và thành tích cao, có phẩm chất, đạo đức tốt; phấn đấu đưa nền thể thao Việt Nam xếp vào những nước hàng đầu khu vực, có thứ hạng cao ở một số môn phù hợp đặc điểm và thể chất người Việt Nam trong các giải châu lục và thế giới.

c) Kiện toàn hệ thống đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, huấn luyện viên, giáo viên thể dục thể thao.

Nâng cấp, xây dựng mới và hiện đại hoá cơ sở vật chất, kỹ thuật Thể dục Thể thao. Hình thành các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, y học Thể dục Thể thao đáp ứng nhu cầu phát triển Thể dục Thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao của đất nước.
(Trích quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 57/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2002).

3.Thành tựu:

Tỷ lệ chung số trường trong toàn quốc thực hiện giáo dục thể chất nội khoá có nề nếp: năm 1997 đạt được 47% (so với năm 1994 chỉ đạt 36,4%), năm 2000 đạt 60%; số trường có hoạt động ngoại khoá thường xuyên năm 2000 đạt 15% (so với năm 1994 chỉ đạt dưới 10%). Nhìn chung một số trường tại các tỉnh, thành phố, trung tâm đạt tỷ lệ cao hơn như: Hà nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Thái Nguyên v.v...

Biểu hiện tương đối rõ nét trong các hoạt động thể dục thể thao của nhà trường trong những năm gần đây là việc tổ chức tương đối thành công một số hoạt động mang tính bề nổi như: Hội khoẻ Phù Đổng các cấp và toàn quốc, Hội thi Văn hoá Thể thao các trường dân tộc nội trú, Đại hội Thể dục Thể thao sinh viên - học sinh các khu vực và các giải vô địch toàn quốc trong học sinh. Các hoạt động trên có sức thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia và đã có những đóng góp không nhỏ vào việc duy trì phong trào rèn luyện thân thể trong khối nhà trường.

4. Phương hướng phát triển:

Đến năm 2010 có 95% các trường học ở thành phố, thị xã, khu công nghiệp bảo đảm đầy đủ các tiết học thể dục thể thao; 70 - 80% học sinh và 90 - 95% sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định.

(Trích “Quy hoạch phát triển ngành thể dục thể thao đến năm 2010” và “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 57/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2002”).


 

Ảnh trong bài
  • Thành tựu thể dục thể thao học đường và phương hướng phát triển đến năm 2010: Quan điểm và mục tiêu phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2010