Ngày thi năng khiếu đầu tiên diễn ra suôn sẻ

Năm học này, trường ĐH TDTT II tuyển sinh 13 ngành gồm: Điền kinh, Thể dục, Bơi lội, Bóng đá, Cầu lông, Bóng rổ, Bóng bàn, Bóng chuyền, Cờ vua, Võ, Vật, Bắn súng và Quần vợt với tổng số chỉ tiêu là 300 sinh viên. Hai ngành thu hút được số lượng thí sinh đăng ký đông nhất là Bóng đá (1.226 thí sinh) và Điền kinh (808 thí sinh).

Với đặc thù là một trường thể thao nên "năng khiếu" là một phần thi rất quan trọng. Do đó, để chuẩn bị cho ngày thi năng khiếu, HĐTS Trường ĐH TDTT II đã bố trí cán bộ tới từng điểm thi, chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất cũng như điều động nhiều sinh viên giỏi trợ giúp cho các hoạt động nội dung thi năng khiếu.

Thời tiết ngày hôm qua (10/7) rất thích hợp cho các môn thi năng khiếu. Trời nắng nhẹ, không mưa đã giúp các thí sinh có điều kiện để thực hiện các yêu cầu kiểm tra kỹ thuật và thể lực tốt nhất, đặc biệt là các môn ở ngoài trời như: Bóng đá, Điền kinh, Bóng rổ, Quần vợt...

Năm học này, trường ĐH TDTT II tuyển sinh 13 ngành gồm: Điền kinh, Thể dục, Bơi lội, Bóng đá, Cầu lông, Bóng rổ, Bóng bàn, Bóng chuyền, Cờ vua, Võ, Vật, Bắn súng và Quần vợt với tổng số chỉ tiêu là 300 sinh viên. Hai ngành thu hút được số lượng thí sinh đăng ký đông nhất là: Bóng đá (1.226 thí sinh) và Điền kinh (808 thí sinh). Tuy nhiên, trên thực tế, lượng thí sinh tham dự thi tuyển các môn này lại thấp hơn số đăng ký. Đây cũng là điều bình thường vì có nhiều thí sinh đăng ký nhưng không dự thi hoặc cùng lúc đăng ký nhiều ngành và đến trước buổi thi mới chính thức chọn một ngành để dự thi.

Cá biệt, không ít thí sinh do chưa hình dung được ngành mình đăng ký sẽ học những gì nên khi nghe phổ biến đã vội vàng xin chuyển ngành, nhất là môn Thể dục. Số thí sinh xin thay đổi ngành thi trước giờ thi chiếm số lượng không nhiều nhưng cũng đủ làm cho các cán bộ làm công tác tuyển sinh phải đôn đáo sắp xếp lịch thi và phiếu điểm thi cho phù hợp.

Trong ngày hôm qua, thí sinh tham gia thi tuyển vào các ngành đã thi 2 phần là: thể lực và chuyên môn kỹ thuật. Do số thí sinh đăng ký dự thi vào mỗi ngành khác nhau nên thời gian kết thúc các nội dung thi cũng khác nhau. Có những môn, số thí sinh tham dự ít (Cờ vua: 22 thí sinh; Judo: 17 thí sinh) nên đã kết thúc sớm ngay trong buổi sáng.

Do tâm lý căng thẳng, lại không chuẩn bị kỹ trước nên một số thí sinh đã gặp phải những chấn thương vận động nhẹ như: chuột rút, trật khớp, bong gân, nhiều nhất là ở những môn Bóng đá, Cầu lông, Điền kinh... và có em đã phải ngậm ngùi bỏ thi phần chuyên môn - năng khiếu.

Môn thi Cầu lông, thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Trinh ở Gò Công Đông, Tiền Giang đã gặp phải chấn thương trật khớp cổ chân nhẹ trong khi đang thi nội dung đánh cầu góc xa và ngay lập tức đã được bộ phận y tế của nhà trường sơ cứu kịp thời để em có thể thực hiện bài thi của mình vào cuối buổi. Được biết, với hy vọng trở thành sinh viên thể thao, Trinh đã tập môn Cầu lông được 6 tháng. Các môn văn hóa "em làm khá tốt", còn nội dung thi chuyên môn em đã đặt rất nhiều hy vọng. "Ở ngoài sân, em hoàn toàn bình tĩnh và không lo lắng, tuy nhiên, bước vào thi cũng thấy căng thẳng. Em thấy các thầy cô giám thị chấm thành tích rất công bằng nên không lo có hiện tượng tiêu cực. Theo em, ăn thua là trình độ kỹ thuật và sự tự tin của chính mình thôi".

Theo quy định của HĐTS, thành tích kiểm tra ở nội dung thi năng khiếu đều được các giám thị tuyên bố công khai cho thí sinh biết. Điều này, giúp các em yên tâm và biết được thành tích của chính mình, tránh được các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra ở nội dung thi này.

Khi được hỏi tại sao lại chọn ngành thể thao, Trinh cười và nói: "Em thi thể thao vì đó là sở thích của mình". Sau một chút ngập ngừng, Trinh đã thổ lộ: "Thích là một chuyện, chứ thực ra em hy vọng, sau này có thể kiếm được một công việc dễ dàng, vì ở tỉnh em còn thiếu nhiều cán bộ thể thao lắm. Em đang lo không biết mình có kịp phục hồi để thi tiếp nội dung này không. Nếu em không tiếp tục thực hiện được nội dung thi này thì buồn lắm".

Cũng như ở nội dung thi văn hóa, phần thi chuyên môn năng khiếu cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh có con em đi thi. Do tính chất chuyên ngành và đặc thù đòi hỏi sự vận động với cường độ cao, trên diện tích rộng, nên các địa điểm thi diễn ra cả ở trong nhà và ngoài trời. Vì vậy, người nhà các thí sinh có thể quan sát con em họ thực hiện nội dung thi qua tường rào. Nhiều người tỏ ra sốt ruột khi thấy các em đứng đợi rất lâu chờ đến lượt thi của mình. Nhà trường đã cho bố trí nhiều bình nước để các em uống. Bên cạnh đó, rất nhiều sinh viên tình nguyện cũng được xếp đặt ở nhiều vị trí làm nhiệm vụ hướng dẫn giúp các em thực hiện tốt phần thi của mình.

Theo thống kê của HĐTS, ngày 10/7 đã có 10/13 ngành thi kết thúc. Sáng 11/7, các môn có lượng thí sinh đăng ký thi đông như: Điền kinh, Bóng đá, Bóng chuyền sẽ tiếp tục được tiến hành và theo dự kiến, tất cả sẽ hoàn thành vào chiều 11/7.

T.Dương


 

Ảnh trong bài
  • Ngày thi năng khiếu đầu tiên diễn ra suôn sẻ