Nhìn lại kỳ thi tuyển sinh năm học 2006 của Trường ĐH TDTT II

Tuy còn một số điều mà nhà trường cần phải khắc phục, nhất là công tác tổng hợp số liệu (được hoàn thành khá chậm sau mỗi buổi thi) nhưng nhìn chung, công tác tuyển sinh đại học năm 2006 của trường Đại học TDTT II đã kết thúc tốt đẹp, chỉ có duy nhất một trường hợp thí sinh bị khiển trách vì thái độ trong khi thi. Các công tác an ninh, y tế, và tổ chức thi năng khiếu được tiến hành chu đáo, an toàn, đảm bảo chính xác và công bằng.

Đợt tuyển sinh năm học 2006 - 2010 của trường Đại học TDTT II đã kết thúc vào ngày 11/7. Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Theo thống kê của Hội đồng Tuyển sinh nhà trường, đã có 4.155 hồ sơ đăng ký dự thi vào 13 chuyên ngành. Tuy nhiên, trên thực tế, số thí sinh chính thức dự thi luôn thấp hơn rất nhiều và đã được nhà trường dự đoán trước. Môn thi văn hoá đầu tiên có 2.770 / 4.155 thí sinh có mặt (chiếm 66,6%). Buổi thi thứ 2, số thí sinh giảm 38 em so với buổi sáng. Điều này cho thấy số lượng thí sinh ảo vẫn là một vấn đề cần được quan tâm, bởi điều này sẽ làm tăng chi phí tuyển sinh lên rất nhiều, bên cạnh đó còn phát sinh nhiều yếu tố khác như công tác an ninh, y tế, bố trí cán bộ coi thi

Một vấn đề phát sinh trước khi bước vào đợt thi chính là việc phải điều chỉnh lại số báo danh và phòng thi. Nguyên nhân chính là do hồ sơ đăng ký dự thi của 3 thí sinh gửi đến trường muộn (Khi HĐTS đã lên danh sách thí sinh thi theo phòng). Để đảm bảo quyền lợi cho các em, HĐTS đã quyết định bổ sung các trường hợp này vào danh sách thi. Tuy nhiên, do chương trình máy tính tự động chạy và sắp xếp số báo danh của thí sinh nên các trường hợp này cũng bị chạy chen ngang. Điều này dẫn đến có sự thay đổi SBD của một số thí sinh. Tuy nhiên, vấn đề này đã được HĐTS nhà trường nhanh chóng khắc phục theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quá trình thi các môn văn hoá đã diễn ra theo đúng quy chế, trật tự, an toàn. Không phát hiện trường hợp nào mang tài liệu vào phòng thi. Sau mỗi buổi thi, các phòng thi, cổng trường cũng không thấy có hiện tượng "phao" bị vứt lại. Chứng tỏ nhà trường đã làm tốt công tác phổ biến quy chế thi đến từng thí sinh. Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý nghiêm khắc áp dụng ở đợt thi đầu tiên đã có tác dụng răn đe và hạn chế các hành vi tiêu cực.

Năng khiếu là một phần thi đặc thù của các trường thể thao. Một vấn đề làm đau đầu HĐTS là việc các thí sinh dự thi chưa hình dung chính xác ngành mà mình đăng ký dự thi. Rất nhiều thí sinh đến sát ngày thi mới tìm hiểu nội dung sẽ thi của từng chuyên ngành, do đó, các em đã không có được sự chuẩn bị tốt nhất.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu thuộc về các thí sinh bởi họ không chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các chuyên ngành và nội dung thi tuyển khi đăng ký. Nhiều thí sinh đã đăng ký thi theo cảm tính, nhất là ở ngành Thể dục, Điền kinh. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến khâu tuyên truyền của nhà trường chưa được tốt. Mọi thông tin về tuyển sinh được đăng tải trên Website của nhà trường cũng như được thông báo cụ thể tại trường. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng có điều kiện tìm hiểu các thông tin này trên mạng Internet hay tới tận trường. Điều này dẫn đến các em không có được thông tin đầy đủ và chính xác về chuyên ngành mình chọn thi cũng như nội dung thi tuyển của chuyên ngành đó.

Theo quy định của Uỷ ban TDTT và Bộ Giáo dục và Đào tạo, các VĐV cấp kiện tướng sẽ được tuyển thẳng, không cần qua kỳ thi tuyển, còn các VĐV cấp I sẽ được miễn thi năng khiếu (điểm thi năng khiếu sẽ được tính là điểm tối đa: 10 điểm). Điều này nhằm tạo điều kiện cho các VĐV có thành tích được theo học một chuyên ngành phù hợp với trình độ của mình. Đây cũng là sự động viên, khuyến khích để các VĐV dồn hết công sức trên sân tập để mang lại vinh quang cho đất nước.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra ở đây là có nhiều thí sinh VĐV này tham gia thi tuyển ở những chuyên ngành mà trường không có chỉ tiêu đào tạo như Bi sắt, Đua thuyền hay Xe đạp.... Do vậy, nhà trường đã phải bố trí để các em thi vào chuyên ngành gần giống với ngành đăng ký dự thi. Bên cạnh đó, cũng có một số thí sinh thuộc diện ưu tiên trên lại không chú ý đến việc làm các thủ tục theo đúng quy định. Do đó, các em phải tham gia thi các nội dung theo quy định như bình thường hoặc phải đợi đến kỳ tuyển sinh năm tới. Đây là một sự đáng tiếc đối với bản thân các VĐV này.

Tuy nhiên, còn có nhiều điều mà nhà trường cần phải khắc phục, nhất là công tác tổng hợp số liệu ((được hoàn thành khá chậm sau mỗi buổi thi). Một phần do khối luợng công việc lớn, một phần do một số cán bộ ở bộ phận này lần đầu tham gia công tác tuyến sinh nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ.

Nhìn chung, công tác tuyển sinh đại học năm 2006 của trường Đại học TDTT II đã kết thúc tốt đẹp, chỉ có duy nhất một trường hợp thí sinh bị khiển trách vì thái độ trong khi thi. Các công tác an ninh, y tế, và tổ chức thi năng khiếu được tiến hành chu đáo, an toàn, đảm bảo chính xác và công bằng.

T.Dương
 

Ảnh trong bài
  • Nhìn lại kỳ thi tuyển sinh năm học 2006 của Trường ĐH TDTT II