Sự kiện ông Lương Trụ Bình - Viện Trưởng Viện Khoa học TDTT, Đại học Sư phạm TDTT Quảng Tây, Trung Quốc đến thăm và làm việc tại Trường Đại học TDTT I về vấn đề liên kết đào tạo thạc sỹ và cử nhân của ngành Giáo dục thể chất giữa 2 trường đã đem lại nhiều kết quả tích cực, mở ra một hướng đào tạo mới mà từ trước tới nay chưa từng xuất hiện trong lĩnh vực TDTT. Đặc biệt, khi xem bản kế hoạch đào tạo với nội dung xây dựng chương trình môn học do Trường Đại học TDTT đề xuất (chương trình các môn học trong 2 năm tại Việt Nam), ông Lương Trụ Bình đã rất tán thành và nhất trí với bản kế hoạch này.
Tìm hiểu về vấn đề trên, nhóm phóng viên được biết: Trong thời gian 2 năm đầu học tại Việt Nam do Trường Đại học TDTT I giảng dạy (có 2 năm học tại Việt Nam và 2 năm học tại Trung Quốc - Gọi là mô hình 2 + 2), dự tính các lưu học sinh sẽ được học từ 25 tới 27 môn, theo giáo trình Đại học chính quy chuyên ngành Giáo dục thể chất do trường Đại học sư phạm Quảng Tây chỉ định (Giáo dục học, Giải phẫu thể thao, Thể thao trường học, Đo lường và đánh giá thể thao, Điền kinh, Thể dục dụng cụ...). Đồng thời, cũng trong 2 năm học tại Trường Đại học TDTT I, các học viên phải hoàn thành khoá học Hán ngữ sơ cấp.
Có lẽ đây là khó khăn lớn nhất cho các học viên khi tham dự khoá học, bởi qua nhiều trường hợp các lưu học sinh của ta đã từng đi du học thì thấy trình độ ngoại ngữ của các lưu học sinh còn rất hạn chế. Trong 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thì khả năng nghe, nói của các lưu học sinh có thể tốt hơn nhưng đọc, viết thì rất hạn chế, phải mất một khoảng thời gian rất dài mới có thể thông thạo cả 4 kỹ năng này. Hơn nữa, tiếng Trung lại khác hoàn toàn về cách đọc, viết, bảng chữ cái cũng khác tiếng Việt nên chắc chắn sẽ gây nên nhiều khó khăn cho các học viên.
Để đảm bảo cho quá trình giao tiếp trong sinh hoạt và tiếp thu kiến thức cuả các học viên được thuận tiện, trong chương trình học tại Việt Nam tổng số giờ dành cho môn học Hán ngữ là khá lớn (268 giờ). Các học viên chỉ có thể nhận bằng tốt nghiệp Đại học khi trình độ Hán ngữ (HSK) đạt cấp 4. Ngược lại, đối với các học viên chưa đạt yêu cầu thì Trường Đại học sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc chỉ cấp chứng chỉ và bảng điểm thành tích học phần (các học viên có thể học tiếp cho đến khi hoàn tất chương trình và được nhận bằng tốt nghiệp). Vì vậy, đây sẽ là thử thách, đòi hỏi mỗi học viên phải có sự nỗ lực rất nhiều trong quá trình học tập cũng như sinh hoạt bên Trung Quốc.
Ưu điểm của hình thức liên kết đào tạo này giúp chúng ta tận dụng được những thế mạnh của họ, đặc biệt là những chuyên đề, lĩnh vực mà thể thao Trung Quốc đã đạt được những thành tựu nổi bật (kỹ năng giáo viên chuyên nghiệp, hướng dẫn tìm việc làm cho sinh viên, Bóng rổ, Bóng đá, Bóng chuyền, Wushu...). Hơn thế nữa, số giờ thực hành trong chương trình đào tạo này chiếm thời lượng lớn (kể cả những môn học lý luận cũng có giờ thực hành. Đây là sự vượt trội so với hình thức đào tạo của Việt Nam vì trên thực tế các giờ thực hành của ta rất ít và hầu như dưới hình thức bài tập), sẽ góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho mỗi học viên khi ra trường.
Hiện nay, theo thống kê của Phòng đào tạo trường Đại học TDTT I, đã có hơn 20 hồ sơ đăng ký tham dự học lớp đào tạo cử nhân ngành Giáo dục thể chất theo hình thức liên kết này và số hồ sơ đăng ký sẽ còn đông hơn rất nhiều. Tin rằng, với những ưu điểm vượt trội, những lợi ích mà khoá học mang lại sẽ thu hút ngày càng đông các học viên, tạo nên một bước đột phá mới trong công tác liên kết đào tạo giữa trường Đại học TDTT I và trường Đại học sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc. Đồng thời, mở ra những cơ hội mới trong công tác liên kết đào tạo với các nước khác, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Nhà trường, sánh kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.
NTH