Trong thời đại bùng nổ thông tin, báo chí, truyền thông là một trong những phương tiện quan trọng tác động trực tiếp đến sự phát triển của TDTT. Mục đích của báo chí, truyền thông thể thao là đăng tải các thông tin, sự kiện một cách chính xác và khách quan nhất để gây ảnh hưởng, định hướng dư luận, đồng thời nâng cao nhận biết, sự quan tâm của người dân đối với TDTT, đưa TDTT trở thành thói quen trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân, góp phần đẩy nhanh sự phát triển của TDTT quần chúng. Qua đó, phát hiện những tài năng thể thao kế cận, thúc đẩy sự phát triển của thể thao thành tích cao tiến nhanh trong khu vực, châu lục và thế giới.
Tiếng nói của báo chí - truyền thông có ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành bại của 1 giải đấu, bởi lẽ lực lượng các nhà báo sẽ cung cấp cho độc giả, những người quan tâm đến thể thao những thông tin kịp thời phản ánh chính xác diễn biến của giải đấu. Thông thường các thông tin thể thao phải đảm bảo được tính nổi bật của các sự kiện, tính hiệu quả trong việc truyền thông tin (tin tức phải cập nhật trong thời gian ngắn nhất với độ tin cậy cao). Điều này đòi hỏi những người làm công tác báo chí, truyền thông thể thao phải chạy đua từng giây, phút trong quá trình thực hiện truyền phát thông tin.
Hơn thế nữa, thông tin thể thao được truyền tải phải mang tính quần chúng cao bởi TDTT là 1 hoạt động mang tính quần chúng, nếu không có sự tham gia của quần chúng thì TDTT không thể phát triển được. Truyền thông, báo chí thể thao cũng không nằm ngoài quy luật đó, nếu đánh mất tính quần chúng thì truyền thông, báo chí thể thao sẽ không còn ý nghĩa. Đánh giá được tầm quan trọng của báo chí, truyền thông trong sự phát triển của TDTT, BTC lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức TDTT cho cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và HLV đã mời GS.TS. Xiao Huan Yu - Viện trưởng Viện nhân văn - Học viện TDTT Thượng Hải trao đổi về những kinh nghiệm cũng như sự phát triển, tầm quan trọng của báo chí, truyền thông trong sự phát triển của TDTT nói chung và Trung Quốc nói riêng.
Trao đổi với các học viên, GS.TS. Xiao Huan Yu cho biết: "Hiện tại ở Trung Quốc có 11 học viện tiến hành đào tạo chuyên ngành thông tin thể thao và 5 trường Đại học có đào tạo về chuyên ngành này. Theo đó, số lượng sinh viên chuyên ngành thông tin thể thao lên tới hơn 3.154 người. Đây là một số lượng lớn nhân tài được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu báo chí, truyền thông đang ngày càng phát triển mạnh ở Trung Quốc". Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành 1 trong những cường quốc thể thao trên thế giới, kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng phóng viên báo chí, truyền thông. Không những thế việc bán bản quyền truyền hình cũng như quảng cáo ở các giải đấu lớn cũng mang lại một nguồn lợi không nhỏ cho các nước đăng cai tổ chức. Đây cũng là một trong những giải pháp phát triển kinh tế TDTT.
Ở Việt Nam, việc đào tạo chuyên ngành thông tin thể thao vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, sự tiến bộ và phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại như hiện nay đã mở ra cho báo chí truyền thông thể thao một không gian hết sức rộng lớn. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi đội ngũ những người làm báo, truyền thông thể thao cần phải có tính chuyên nghiệp và cần được đào tạo bài bản hơn. Đây cũng là một trong những vấn đề mà ngành TDTT cần quan tâm hướng tới. Có như vậy, TDTT Việt Nam mới tiến xa hơn nữa trong quá trình hội nhập và phát triển.
Dương Anh