Một số ý kiến về những giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo cán bộ TDTT khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Trường Đại học TDTT III Đà Nẵng

Trong quá trình hội nhập vào hệ thống các trường Đại học Việt Nam nói chung và các trường Đại học TDTT nói riêng, đồng thời trước bối cảnh của xã hội với những đòi hỏi mới trong giai đoạn hiện nay cũng như những yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ TDTT, Trường Đại học TDTT III - Đà Nẵng cần thiết phải đảm bảo và ngày càng nâng cao chất lượng các loại hình đào tạo cán bộ TDTT.

Trong quá trình hội nhập vào hệ thống các trường Đại học Việt Nam nói chung và các trường Đại học TDTT nói riêng, đồng thời trước bối cảnh của xã hội với những đòi hỏi mới trong giai đoạn hiện nay cũng như những yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ TDTT, Trường Đại học TDTT III - Đà Nẵng cần thiết phải đảm bảo và ngày càng nâng cao chất lượng các loại hình đào tạo cán bộ TDTT.

Thực hiện Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nói chung, phát triển nguồn cán bộ TDTT nói riêng ít nhất phải có tầm nhìn 20 đến 30 năm. Điều đó có nghĩa là việc để cho công tác đào tạo cán bộ TDTT thực hiện chức năng đón đầu, dự báo đối với sự phát triển xã hội để tránh sự manh mún, chắp vá trong đào tạo. Do vậy, Nhà trường cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, đề ra các giải pháp đổi mới, đưa Nhà trường ngày càng phát triển. Thông qua các đề án đổi mới, sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Trong đó, chú trọng gắn kết đổi mới nội dung giáo dục Đại học của các trường Đại học TDTT với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, với nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao về nguồn nhân lực có trình độ Đại học và trên Đại học.

Chủ động tìm kiếm và đẩy mạnh liên kết với các trường Đại học TDTT, thực hiện trao đổi giảng viên, cán bộ quản lý, sinh viên; trao đổi học thuật, tham gia Hội thảo khoa học và cùng nghiên cứu những vấn đề hai bên quan tâm là một giải pháp hữu hiệu và thiết thực trong việc nâng cao trình độ đào tạo. Phấn đấu đưa các vấn đề nghiên cứu của Nhà trường vượt ra khỏi phạm vi của mình, đóng góp vào sự ứng dụng và phát triển trên toàn quốc. Muốn vậy, cần có hành lang pháp lý thông thoáng để Nhà trường cạnh tranh và tự khẳng định mình trong cơ chế thị trường, trong sự hội nhập giáo dục Đại học Việt Nam.

Trước nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn bị cho sự hội nhập với các trường Đại học trong nước và khu vực, Nhà trường cần thiết xây dựng lộ trình chuyển hướng tổ chức đào tạo từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ (HCTC). Tuy nhiên, không nên thí điểm trước cho riêng ngành hay khoá học mà thực hiện trên phạm vi toàn trường; ứng dụng ngay học chế tín chỉ chính thống không qua bước trung gian học phần với đơn vị học trình; không phiêu lưu nhưng không rụt rè do dự trong giải pháp. Đồng thời, cần cử cán bộ tìm hiểu học hỏi kỹ nhiều trường trong nước đã ứng dụng thành công HCTC, hay mời chuyên gia trao đổi kinh nghiệm. Tập trung nguồn tài chính của toàn trường và đội ngũ cán bộ soạn thảo mới các quy chế quy định, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo cho tất cả các ngành học, trung tâm dữ liệu, phần mềm quản lý, giáo trình, mua máy chấm, đèn chiếu, nối mạng toàn trường...

Đảm bảo chất lượng của đội ngũ giảng viên là vấn đề then chốt trong công tác tổ chức đào tạo Đại học. Nhiệm vụ này rất khó khăn, đòi hỏi phải thường xuyên phấn đấu, phải nghiêm túc và thận trọng, nhất là trong giai đoạn mới nâng cấp thành trường Đại học.

Chất lượng giáo dục Đại học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: đội ngũ giảng viên, chương trình và sách giáo khoa, thư viện, trung tâm nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, cơ sở vật chất kỹ thuật, chế độ quản lý... Trong đó, giảng viên đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi người thày ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đào tạo đối với đối tượng giáo dục.

Về việc đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá kết quả học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, đổi mới phương pháp dạy và học Đại học phải nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển từ phương pháp "thày đọc, trò chép" một cách thụ động sang phương pháp dạy học tương tác, phát huy tính tích cực của người học, lấy người học làm trung tâm. Rõ ràng đó là một xu thế tất yếu. Phương pháp thuyết giảng vẫn là một phương pháp quan trọng ở trường Đại học. Tuy nhiên, phải sử dụng cộng nghệ nhằm giảm bớt thời gian thuyết giảng một chiều, tăng thời gian đối thoại để hoạt hoá người học.

Một khâu quan trọng gắn kết việc dạy với việc học là đánh giá kết quả học tập, cải tiến khâu đánh giá, áp dụng các phương pháp đánh giá khác nhau để tăng cường hiệu quả của việc dạy và học. Việc đánh giá thành quả học tập phải bám sát mục tiêu dạy học, chẳng những đánh giá tri thức, trình độ tư duy, mà còn đánh giá năng lực, đảm bảo tính khách quan, công bằng và tạo động cơ lành mạnh cho người học.

Một vấn đề quan trọng là việc đào tạo "năng lực tìm việc làm và tự tạo việc làm" cho sinh viên. Đây loại năng lực hết sức cần thiết đối với sản phẩm đào tạo trong nền kinh tế thị trường. Năng lực này sẽ góp phần làm giảm nạn thất nghiệp Đại học và là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo và vị trí xã hội của Nhà trường. Bằng tinh thần chủ động sáng tạo của đội ngũ giảng viên, cần tổ chức bàn bạc để thể hiện được yêu cầu nói trên thành các hoạt động dạy và học cụ thể nhằm tạo ra năng lực sáng nghiệp đó. Nhà trường nên chủ động sáng tạo ra nhiều hình thức khác nhau theo hướng điều tra, khảo sát thực tiễn, chất lượng của quá trình đào tạo và liên kết đào tạo các loại hình cán bộ theo yêu cầu của xã hội nhằm tăng cơ hội tìm việc làm cho sinh viên, đồng thời tìm hiểu thị trường để điều chỉnh mục tiêu chương trình đào tạo của Nhà trường.

Nâng cao trình độ ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh) cho giảng viên, cán bộ quản lý để có thể chủ động hơn khi tham gia chương trình trao đổi giảng viên, học tập nghiên cứu ở nước ngoài, tham khảo tài liệu trên mạng, cùng giảng dạy với giảng viên nước ngoài trong chương trình hợp tác giảng dạy, nghiên cứu xuyên quốc gia... Phấn đấu trong vài năm tới, tất cả giảng viên, cán bộ công chức được cử đi làm việc ở nước ngoài giao tiếp trực tiếp bằng ngoại ngữ. Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho giảng viên, cán bộ quản lý đồng nghĩa với việc góp phần nâng tầm chuyên môn, nâng cao vị thế và đáp ứng linh hoạt hơn với việc giáo dục hội nhập quốc tế.

Internet đã và đang tạo điều kiện thực hiện chia sẻ thông tin kiến thức một cách nhanh chóng, dễ dàng. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo, cập nhật một cách có chọn lọc các tài liệu, giáo trình, bài giảng trên mạng Internet. Đồng thời, cũng từng bước xây dựng chương trình, tại liệu giảng dạy, đề cương bài gảng đưa lên trang web của Nhà trường để tạo điều kiện cho sinh viên tham khảo học tập. Ngoài nội dung bằng tiếng Việt, tiến tới mở rộng trang web bằng tiếng Anh để nâng cao hiệu quả thông tin ra thế giới bên ngoài, tạo điều kiện cho các sinh viên, những nhà nghiên cứu quốc tế nghiên cứu, tham khảo, mở rộng và hợp tác với các chương trình giáo dục, đào tạo tại Việt Nam.

Về hệ thống đảm bảo chất lượng và hoạt động kiểm định công nhận chất lượng: Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm (trách nhiệm xã hội) là hai mặt đi đôi với nhau không thể tách rời, là nền tảng của hệ thống quản lý trường Đại học. Để đẩy nhanh hoạt động này, Nhà trường xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng và bộ máy kiểm định công nhận chất lượng, xây dựng các tiêu chí kiểm định chất lượng. Mọi khâu của quá trình kiểm định công nhận chất lượng, từ khâu tự đánh giá, khảo sát tại chỗ của nhóm đồng nghệp, phê duyệt kết luận và công bố kết quả kiểm định đều phải được thể chế hoá một cách tỉ mỉ. Trong thời gian tới, cần căn cứ vào bộ tiêu chí kiểm định chất lượng để tiến hành tự đánh giá bên trong và quảng bá thương hiệu của Nhà trường.

Những ý kiến trên đây chỉ tập trung đến những vấn đề nắm bắt cơ hội đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo các loại hình cán bộ TDTT, gắn với hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam hoá ảnh hưởng trực tiếp đến nhà trường. Các ý kiến này chỉ là gợi ý có tính khái quát. Khi thực hiện bất kỳ ý kiến nào cũng đòi hỏi phải có dự án và lội trình cụ thể phù hợp với yêu cầu cụ thể của Nhà trường. Tất nhiên, còn những giải pháp về tài chính, về xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý... nhưng chưa đề cập ở bài viết này.

Nhiệm vụ giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội đối với Trường Đại học TDTT III - Đà Nẵng tiếp tục tăng lên. Điều quan trọng là cần phải nghiên cứu và nắm bắt cơ hội để đổi mới đào tạo của Nhà trường, từng bước vươn lên đạt chuẩn mực trường Đại học TDTT quốc gia nhằm cung cấp cho xã hội những người cán bộ TDTT không chỉ có kiến thức, kỹ năng, khả năng phân tích mà còn hiểu biết những vấn đề về con người, xã hội với tầm nhìn mới, Nhà trường cần xác lập tinh thần và đề ra các giải pháp cụ thể để đảm bảo hội nhập thành công.

Th.s Nguyễn Tùng
 

Ảnh trong bài
  • Một số ý kiến về những giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo cán bộ TDTT khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Trường Đại học TDTT III Đà Nẵng