Trong bài viết "Doping trong thể thao: vấn đề cần quan tâm" của TS. Lê Đức Chương có đề cập đến một thực trạng về vấn đề doping tại Việt Nam: VĐV, HLV và cả thày thuốc còn hiểu biết rất ít về vấn đề doping và chống doping như: doping là gì, thuốc nào và phương pháp nào được gọi là doping, luật lệ chống doping ra sao... Thực tế đã cho thấy vấn đề này hết sức quan trọng trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao đặc biệt là thể thao thành tích cao. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ TDTT đặc biệt là VĐV, HLV, bác sỹ thể thao tìm hiểu vấn đề này, Trang tin điện tử ngành TDTT xin đăng tải bài viết của TS Lê Đức Chương về một số vấn đề liên quan đến doping.
Trong Hội thảo Châu Âu đầu tiên về doping tổ chức tại Uriage năm 1963 đã xác định doping là việc sử dụng những chất và những biện pháp nhằm tăng một cách nhân tạo thành tích thể thao, làm tổn hại đến tinh thần thể thao chân chính và đến sự lành mạnh về thể chất, tâm lý đạo đức của VĐV và các biện pháp doping bị cấm sử dụng cho VĐV trong tập luyện và thi đấu thể thao.
Các nhóm chất doping
Liên đoàn Y học thể thao thế giới đã công bố danh sách các nhóm chất doping và được chia thành 5 nhóm.
Nhóm chất kích thích bao gồm nhiều thứ thuốc làm tăng sự tỉnh táo, giảm mệt mỏi và làm tăng tính đối kháng. Các chất này bị cấm vì chúng có thể gây kích ứng cả về tâm lý và thể lực, do đó có thể có lợi thế trong thi đấu. Ngoài ra, chúng còn gây ra những tác dụng có hại cho cơ thể. Người sử dụng chất kích thích này có thể nhận biết qua những dấu hiệu như: giãn đồng tử, đổ mồ hôi nhiều, thái độ bồn chồn, lo lắng, có thể có hành vi của bệnh tâm thần dạng paranoa biểu hiện bằng triệu chứng hoang tưởng, nhiều ảo giác phát triển dần đến sự nghèo trí tuệ, suy sụp tâm thần...
Sử dụng nhóm chất kích thích sẽ gây ra những tác dụng tâm lý phụ có thể xảy ra như: tăng tần số tim và tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim dẫn đến tim ngừng đập, có nguy cơ chảy máu não, mất nước và giảm sút tuần hoàn.
Các chất kích thích có trong nhiều loại thuốc thường dùng. Một nhóm các chất kích thích là các amin giống giao cảm (symp - thomimetics amines), bao gồm ephedrin và các dẫn xuất (pseudoephedrin, penyl - propanolamin, norpseudoephedrin), thường gặp trong các thuốc chữa sốt, cảm lạnh, dùng để làm thuốc giảm xung huyết. Các thuốc này rất thường gặp và thông dụng nên thầy thuốc và VĐV cần hết sức cẩn thận để tránh việc vô tình dùng phải chất cấm.
Trong nhóm chất kích thích thì amphetamin và các dẫn xuất của nó là những chất được sử dụng nhiều nhất, sâu đó là cafein và cocain. Trong đó, amphetamin là những chất kích thích bao gồm 3 thứ thuốc liên quan rất mật thiết (amphetamin, dextroamphetamin và me thamphetamin). Cafein là chất kích thích được VĐV sử dụng khá nhiều và có thể thấy trong chè, cà phê, ca cao và những chế phẩm có trong các thuốc chống cảm lạnh. Tuy nhiên, hiệu quả của cafein phụ thuộc rất nhiều vào liều lượng. (Số lượng trung bình cafein trong một tách cà phê phin xấp xỉ 100 - 150mg mà với liều lượng thấp - dưới 500mg thì cafein không thể hiện độc tính). Còn Cocain là chất kích thích hệ thần kinh trung ương. VĐV, nhất là VĐV nhà nghề rất hay dùng chất kích thích này vì hiệu quả của nó và vì cả khả năng che dấu đau đớn. Cả hai điều đó đều có thể gây hại cho người sử dụng.
VĐV thường sử dụng chất chịu dịu đau ma tuý vì nó gây cho người dùng một cảm giác sảng khoải hoặc kích thích tâm lý (tạm thời), mặt khác nó càm làm tăng ngưỡng đau. Song, mặt trái của các tác dụng này sẽ làm cho VĐV có cảm giác sai lạc về sự vô địch, một ảo tưởng về giá trị vượt ra ngoài khả năng thực sự của bản thân. Tác hại nguy hiểm của việc tăng ngưỡng đau là làm cho VĐV không nhận ra chấn thương, do đó, dẫn tới chấn thương nặng hơn. Ngoài ra, các thuốc dịu đau ma tuý còn một số tác dụng phụ khác gây hại cho người sử dụng.
Đại biểu cho các chất chịu đau ma tuý là morphin và các chất tương tự về hoá học và dược lý học. Trong đó, heroin là chất mà VĐV thường sử dụng. Sử dụng heroin rất dễ nghiện, nguy hiểm và còn là hành vi bất hợp pháp.
Nếu VĐV cần sử dụng thuốc giảm đau khi chấn thương thì có thể điều trị có hiệu quả bằng cách dùng một số thuốc khác không phải ma tuý. Các thuốc này thường là các thuốc chống viêm không phải steroid, có tác dụng chống viêm và giảm thống (dịu đau). Một số thuốc thay thế có thể dùng để điều trị các chấn thương thể thao như: các dẫn xuất axit anthrranilic như megenamic axit (ponstel), floctagemin (idalon), glagemin (fifanan)...; các dẫn xuất axit phenylakanoic như diclofenac, ibuproffen, ketoprofen...; các hợp chất như idomethacin và sulindac; Aspirrin và một số dẫn xuất mới như diflunisal (dolobid). Tuy nhiên người sử dụng cần cẩn thận với các hợp chất của aspirin vì nó có chứa cả codein, cafein hoặc các chất cấm khác.
Việc sử dụng và lạm dụng steroid đồng hoá là một trong những chủ đề được tranh luận nhiều nhất hiện nay bởi tình trạng sử dụng phổ biến của VĐV. VĐV thường tìm đến chất này như "món ăn sáng của các nhà vô địch"
Các steroid đồng hoá là dẫn xuất của testosteron (hocmon nam) đã được phát hiện trong những năm 50. Người ta đã cố gắng làm giảm tác dụng hocmon của testesteron và chỉ duy trì tác dụng đồng hoá để tạo ra thuốc nhằm "cải lão hoàn đồng" những không có kết quả.
Tiếp theo những nghiên cứu, đã có nhà khoa học cho ra thị trường một loại steroid đồng hoá bớt nam tính hơn testosteron, đó là thuốc dianabol. Song việc dùng steroid đồng hoá như dianabol cũng đã bị đưa vào danh sách các chất cấm ở Đại hội Olympic mùa hè năm 1984. Còn trường hợp testosteron - hocmon sinh ra tự nhiên khó phân biệt với số lượng testosteron ngoại lai nên đã không nằm trong danh sách bị cấm trước Đại hội Olympic năm 1984 mà đến năm 1986. Mặc dù kiểm nghiệm thuốc đã được tiến hành từ lâu, song chỉ gần đây việc do tìm steroid đồng hoá và testosterron đã trở thành chắc chắn do có thêm phương pháp ghi khí màu và phân tích quang trắc phổ khối.
Trong lâm sàng, nhóm các chất phong bế beta được dùng để hỗ trợ việc làm giảm các cơn đau nửa đầu thường xuyên, để điều trị cao huyết áp, giúp kiềm chế những ưu tư lo lắng và điều trị chứng run rẩy cử động và một số công dụng khác.
Trong thể thao, VĐV thường dùng các thuốc phong bế bêta đối với những môn không đòi hỏi bỏ nhiều sức lực. Thuốc này dùng để làm cho tay vững và dễ ngủ trước lúc thi đấu và làm chập nhịp tim. Các chất phong bế bêta không có tác dụng tăng cường thành tích đối với các môn thể thao đòi hỏi sức bền mà ngược lại, chúng làm giảm sút nghiêm trọng khả năng lập thành tích. Hiện nay, Hội đồng Y học thể thao thuộc IOC chỉ yêu cầu kiểm nghiệm các chất phong bế beta đối với các môn thể thao: Bơi thuyền, Bơi hỗn hợp, Lặn, Bắn súng, Bắn cung, Cưỡi ngựa, Chạy vượt rào, Thể dục dụng cụ, 5 môn phối hợp, Trượt tuyết bắn súng, Ski, Xe trượt tuyết, Trượt băng nghệ thuật.
Nếu VĐV cần điều trị các chứng loạn nhịp tim, đau thắt ngực, cao huyết áp và đau nửa đầu... thày thuốc cần tìm các chế phẩm thay thế, tránh sử dụng các loại thuốc có trong danh mục cấm.
Trong thể thao, người ta sử dụng steroid đồng hoá vì cho rằng nó tăng cường sự tổng hợp protein, mà chất này thì cùng với sự luyện tập có thể tăng cường khối lượng cơ bắp, do đó tăng sức mạnh và sự bền bỉ, có thể sẽ tăng tính ganh đua và rút ngắn được thời gian hồi phục sau tập luyện và thi đấu.
Điều mới nhất trong danh mục các chất bị cấm trong thể thao là các thuốc lợi tiểu. Chúng được bổ sung vào danh mục các chất bị coi là doping vào đầu tháng 4/1986.
Trong thể thao, VĐV sử dụng các chất lợi tiểu vì nó làm giảm cân nhanh trong các môn thể thao có tính đến hạng cân và làm hạ nồng độ các thuốc bị cấm trong nước tiểu bằng cách cho thải theo nước tiểu nhanh hơn để tránh sự phát hiện dùng sai thuốc.
Các hocmon peptit và chất tương tự cũng nằm trong danh mục cấm. Các hocmon peptit hoạt động như những thông tín viên từ một cơ quan này sang một cơ quan khác để kích thích sự lớn, giảm đau tự nhiên... Còn các chất tương tự là các thuốc điều chế bằng phương pháp hoá học giống nhau về hoá chất, hoặc có tác dụng tương tự với những thuốc hiện đã có. Hội đồng Y học thể thao thuộc IOC đã quyết định cấm sử dụng các chất: Gondotrphin rau thai, Corticotrophin, Hocmon tăng trưởng và các chất tương ứng với các chất trên.
Nếu VĐV cần phải sử dụng coritcotrophin để chữa bệnh thì chỉ được dùng dưới hình thức xông, dùng cục bộ như tiêm trực tiếp tại vùng đau hoặc trong khớp. Đồng thời, thày thuốc phải báo cáo cho tổ chức y học thể thao tại cuộc thi đấu biết rõ VĐV nào đã dùng thuốc này.
Phần II: Các biện pháp doping bị cấm
TS Lê Đức Chương