Trong bài viết "Doping trong thể thao: vấn đề cần quan tâm" của TS. Lê Đức Chương có đề cập đến một thực trạng về vấn đề doping tại Việt Nam: VĐV, HLV và cả thày thuốc còn hiểu biết rất ít về vấn đề doping và chống doping như: doping là gì, thuốc nào và phương pháp nào được gọi là doping, luật lệ chống doping ra sao... Thực tế trong thể thao đã cho thấy vấn đề này hết sức quan trọng trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao đặc biệt là thể thao thành tích cao. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ TDTT đặc biệt là VĐV, HLV, bác sỹ thể thao tìm hiểu vấn đề này, Trang tin điện tử ngành TDTT xin đăng tải bài viết của TS Lê Đức Chương về một số vấn đề liên quan đến doping.
Các biện pháp doping bị cấm
Hiện tại, có hai biện pháp doping bị cấm đó là: Doping máu và biến đổi nước tiểu về dược lý học, hoá học hoặc vật lý học.
Doping máu còn gọi là "đóng gói máu" hoặc "tăng cường máu". Tức là cho VĐV dùng máu hoặc các sản phẩm liên quan của máu kể cả erythrropoietin (hocmon sản xuất tế bào hồng cầu) mà không phải điều trị hợp pháp. Đây là việc tiêm máu (máu toàn bộ hoặc hồng cầu đóng gói) theo đường tĩnh mạch để vào cơ thể VĐV. Máu này cũng có thể là máu trước đây đã rút ra từ chính VĐV đó hoặc máu của một người khác.
Tuy nhiên, tất cả những cách làm đó đều trái ngược với đạo lý của y học và của thể thao. Vì việc truyền máu có thể kéo theo những nguy hiểm trong kỹ thuật truyền máu và trong các chế phẩm máu. Đó là việc gây ra các phản ứng dị ứng (phát ban, sốt...), phản ứng tan huyết với tổn thương thận nếu dùng sai nhóm máu, phản ứng chậm của truyền máu dẫn đến sốt vàng da, lây bệnh truyền nhiễm, tuần hoàn quá tải và sốt chuyển hoá. Vì vậy, việc thực hiện doping máu trong thể thao đã bị Hội đồng Y học thể thao thuộc IOC cấm.
Hội đồng Y học thể thao cũng đã cấm dùng những chất và những phương pháp làm biến đổi sự toàn vẹn và giá trị của các mẫu nước tiểu dùng cho kiểm tra doping. Những thí dụ về phương pháp bị cấm là việc thông tiểu, thay thế nước tiểu (nước tiểu giả) hoặc ức chế sự bài tiết của thận như bằng probenecid và các hợp chất cùng họ.
Một số chất hạn chế sử dụng
Bên cạnh những chất cấm sử dụng, trong hoạt động TDTT còn có một số chất hạn chế sử dụng. Bởi khi dùng với một liều lượng vượt mức cho phép nó sẽ gây tác hại và có thể tạo nên những chất cấm sử dụng trong hoạt động TDTT.
Rượu là chất không bị cấm nhưng nếu có yêu cầu của một Liên đoàn thể thao quốc tế thì phải xác định mức độ cồn ở hơi thở và nồng độ rượu trong máu. Mặc dù rượu là một trong những chất hay bị lạm dụng, song nói chung không cải thiện thành tích thể thao. Ngược lại, nó còn ức chế thần kinh trung ương và ảnh hưởng đến sự vận động phối hợp khéo léo của các động tác tay - mắt.
Cần sa không bị coi là chất làm tăng thành tích nên nó không có trong danh mục các chất bị cấm của IOC. Tuy nhiên, nếu các Liên đoàn thể thao có yêu cầu có thể cấm sử dụng và tiến hành kiểm nghiệm. Các sản phẩm phân huỷ của cần xa có thể kiểm nghiệm thấy trong nước tiểu từ 4-10 ngày sau khi hút một lần và dưới 36 ngày sau đối với người nghiện cần sa đã bỏ hút. THC là thành phần phân huỷ của cần sa được cơ thể hấp thụ và biến thành các chất chuyển hoá, các chất này có thể phát hiện được trong nước tiểu hàng mấy tuần lễ sau khi dùng cần sa.
Các chất gây tê tại chỗ có chứa các chất trong danh mục thuốc bị cấm sẽ không được sử dụng trong hoạt động TDTT. Các chất gây tê tại chỗ chỉ được phép tiêm trong các trường hợp: Cho dùng prrocain, xylocain, carbocain,... mà không được dùng cocain; chỉ dùng tại chỗ hoặc tiêm trong khớp hoặc chỉ dùng khi có chỉ định điều trị (có đủ các dữ kiện về chẩn đoán, liều lượng, đường đưa vào cơ thể và phải có văn bản viết ra từ trước)
Các corticosterriod được tổng hợp hoặc gặp trong tự nhiên (như: cortison, prednison...) chủ yếu được dùng làm thuốc giảm đau cũng được cảnh báo VĐV cần hạn chế sử dụng. Bởi chúng ảnh hưởng đến nồng độ tuần hoàn của các corticosteroid tự nhiên có trong cơ thể và tạo ra sự sảng khoái. Các Cortisosteriod bị cấm hoặc tiêm bắp thịt hay tiêm tĩnh mạch các corticossterroid. Có thể dùng chất này tại chỗ (tai, mắt, da...), tiêm tại chỗ hoặc tiêm trong khớp, xông hít (khi bị hen, viêm mũi dị ứng). Khi cho VĐV sử dụng chất này phải có báo cáo bằng văn bản trước gửi BTC cuộc thi.
Một số chất lưu hành trong thể thao dù không làm tăng thành tích thể thao nhưng cũng đã được cảnh báo nếu dùng quá liều lượng cho phép hoặc không đúng có thể gây hại nặng đến người sử dụng. Thậm chí khi sử dụng những chất này sẽ không nâng thành tích thể thao nhưng lại rất có hại cho cơ thể.
Các chất gây ảo giác có tác dụng phụ thuộc vào loại thuốc cụ thể, vào liều lượng thuốc sử dụng và vào đặc điểm của cơ thể từng người sử dụng. Song các chất này rất nguy hiểm và sử dụng chúng còn là hành vi phạm pháp.
Việc sử dụng chất nicotin đã gây ra nhiều tác hại nặng nề cho sức khoẻ (các bệnh về tim mạch, phổi...). Hiện nay, trên thị trường xuất hiện loại thuốc lá không khói. Loại thuốc này tuy không hít vào phổi nhưng lại hấp thụ nicotin qua đường miệng và khi nuốt phải thì hấp thụ qua dạ dày và ruột. Bụi thuốc hấp thụ qua cả hốc mũi và xoang miệng.
Ngay cả vitamin và chất khoáng không có trong danh mục các chất bị cấm nhưng phải cẩn thận khi sử dụng vì một số hợp chất vitamin có chứa các chất bị cấm sử dụng. Thậm chí, một số loại vitamin chỉ cần dùng quá liều có thể bị ngộ độc và gây ra nhiều tác dụng phụ.
Ma hoàng là một giống cây thường gặp trong thiên nhiên có chứa ephedrrin là một chất kích thích thì bị cấm sử dụng. Một số sản phẩm có chứa ma hoàng và bị cấm là: trà bishop, bột chì, ephedra, joint fir, popotillo, super cbarge, trà brighac, energy rise, excel, trà Mehico, trà teamster... Nói chung, dược thảo là an toàn nhưng phải cảnh giác với bất kỳ sản phẩm dược thảo nào và khi dùng chúng phải biết chắc chắn về các thành phần có chứa trong dược thảo.
Các chất protein và các axit amin được hấp thụ quá dư thừa trong cơ thể VĐV có thể gây mất thăng bằng thể dịch, mất canxi, teo gan và thận. Ngoài ra, dùng axit amin riêng rẽ có thể gây mất thăng bằng axit amin, qua đó dẫn đến sự giảm sút các quá trình đồng hoá ở cơ bắp.
Một số loại phấn ong khi sử dụng có thể gây dị ứng với nhiều người, do đó có thể bị hen, mẩn mề đay, viêm mũi và sốc phản vệ sau khi dùng phấn ong và có nguy cơ bị lây nhiễm khi phấn ong tiếp xúc với vi khuẩn và nấm.
Cao đậm đặc các tuyến được điều chế từ các tuyến hay cơ quan của động vật, rồi đóng thành viên nén cho người dùng. Có nhiều loại cao đậm dặc các tuyến. Chúng còn được điều chế dưới dạng phối hợp với các loại vitamin, các chất khoáng hoặc các chất dược khác. Do đó, khi sử dụng cho VĐV cần phải biết rõ thành phần cấu tạo để tránh rơi vào các chất chấm trong Luật chống doping.
Doping là vấn đề thời sự trong hoạt động TDTT trên thế giới, song nó còn mới mẻ đối với TDTT Việt Nam. Do dó, không chỉ các VĐV, HLV nhất là VĐV, HLV địa phương mà tất cả các cán bộ hoạt động trong ngành TDTT cần thiết trang bị những kiến thức về doping, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, mà cao hơn nữa là tránh việc sử dụng doping nhằm nêu cao tinh thần cao đẹp của thể thao.
TS Lê Đức Chương