Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Tây hướng tới mục tiêu đào tạo sau đại học

Trong những năm qua, đặc biệt là 20 năm trở lại đây, Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Tây đã đạt được nhiều bước tiến nhảy vọt trên mọi lĩnh vực. Theo thày giáo Phạm Xuân Thành - Phó hiệu trưởng nhà trường, sự nỗ lực, tập trung đầu tư cho công tác giáo dục - đào tạo không chỉ đem lại những thành quả tích cực mà còn cho thấy nhu cầu cấp thiết của việc đào tạo cán bộ thể thao cho ngành.

Trong những năm qua, đặc biệt là 20 năm trở lại đây (kể từ năm 1985 khi trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Trung ương I được tách ra từ trường Cao đẳng Sư phạm TDTT - Nhạc Hoạ Trung ương theo quyết định số 261 - HĐBT ngày 7/11/1985), Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Tây đã đạt được nhiều bước tiến nhảy vọt trên mọi lĩnh vực. Theo thày giáo Phạm Xuân Thành - Phó hiệu trưởng nhà trường, sự nỗ lực, tập trung đầu tư cho công tác giáo dục - đào tạo không chỉ đem lại những thành quả tích cực mà còn cho thấy nhu cầu cấp thiết của việc đào tạo cán bộ thể thao cho ngành.

* Xin thày cho biết những nét cơ bản về công tác giáo dục - đào tạo, đội ngũ giáo viên của Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Tây trong giai đoạn hiện nay?

Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Tây đã mở rộng quy mô và loại hình đào tạo như hệ: đại học, cao đẳng, trung học, tại chức... với hình thức đa dạng: tập trung, chính quy, không chính quy... Trong năm 2005, nhà trường đã tuyển được 196 chỉ tiêu đại học, cao đẳng (204), cử tuyển (30), cao đẳng chính quy cho Thanh Hoá, Lào Cai, Lai Châu (100), Trung học Sư phạm TDTT cho Lai Châu, Điện Biên, Bắc Cạn (221), Đại học khoá II không chính quy (213), liên kết đào tạo với Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Hải Phòng...

Ngoài ra, Phòng Đào tạo còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục Quốc phòng xây dựng chương trình đào tạo ghép môn Giáo dục thể chất - Giáo dục quốc phòng (đào tạo được 10 khoá với 8.654 học sinh, sinh viên của 11 trường đại học, cao đẳng, trung học khu vực Hà Nội, Hà Tây năm 2005).

Đội ngũ giảng viên của trường đặc biệt được quan tâm nâng cao chất lượng. Kể từ khi mới thành lập đội ngũ giáo viên Nhà trường chỉ đáp ứng yêu cầu đào tạo cho học sinh hệ 7+3. Đến nay, 100% giảng viên có trình độ đại học (trong đó tỷ lệ giảng viên có độ tuổi dưới 30 chiếm 48 - 50%), 48 - 55% trình độ sau Đại học (trong đó có 6 NCS). Ngoài ra, số lượng giảng viên thỉnh giảng có trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ và Cử nhân chiếm tỷ lệ cao thuộc các trường: Học viện Quân Y, Viện Khoa học TDTT, Trường Đại học TDTT I, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội...

Đặc biệt, từ chỗ mày mò cách làm, năm 1998 Nhà truờng đã xây dựng hoàn chỉnh 4 bộ chương trình chuẩn quốc gia về đào tạo giáo viên thể dục. Đến nay, đã biên soạn các tài liệu, giáo trình giảng dạy cho tất cả các môn học trong chương trình đào tạo, ở một số chuyên ngành nhiều tài liệu được sử dụng giảng dạy trong cả nước.

* Những khó khăn gặp phải trong việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo là gì, thưa thày?

Mặc dù, đã được bổ sung và nâng cấp song có thể thấy khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác giáo dục - đào tạo của Nhà trường là đội ngũ cán bộ giáo viên, sỹ quan còn mỏng, việc thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ với khối lượng công việc lớn đã phần nào ảnh hưởng đến sức khoẻ và hiệu quả công tác.

Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất như sân bãi, dụng cụ tập luyện còn thiếu và trong thời kỳ đang quy hoạch "phá cũ làm mới" nên chưa đáp ứng đủ yêu cầu học tập cho sinh viên.

* Thưa thày, trước những khó khăn trên, lãnh đạo Nhà trường đã có biện pháp gì để kiện toàn hệ thống giáo dục - đào tạo?

Trăn trở trước sự phát triển cũng như uy tín về chất lượng giảng dạy, tập thể cán bộ trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Tây đã không ngừng phẫn đấu nỗ lực trong mọi công tác. Những biện pháp đã được áp dụng trong những năm qua như: Hàng năm cử giảng viên dưới 45 tuổi đi đào tạo cao học và nghiên cứu sinh; phối hợp với Trường Đại học TDTT I bồi duỡng một số học phần sau đại học phục vụ công tác giảng dạy; bổ sung nguồn lực, đặc biệt là tuyển chọn những sinh viên khá, giỏi có đủ điều kiện về trường làm công tác giảng dạy; tăng cường trang thiết bị dạy học (sách giáo khoa, giáo trình, dụng cụ trực quan...); mở rộng mời thỉnh giảng, hợp đồng với các cán bộ có trình độ cao... đã thu được những kết quả tích cực. Các biện pháp này sẽ tiếp tục được áp dụng trong giai đoạn tiếp theo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy của nhà trường.

* Vậy xin thày cho biết phương hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo của nhà trường?

Trong những năm tiếp theo, nhà trường sẽ "cắt" dần hệ đào tạo cao đẳng để tập trung vào đào tạo đại học. Không ngừng cải tiến nội dung và quy trình giảng dạy, đảm bảo chất lượng dạy và học, đáp ứng từng bước nhu cầu của xã hội về đào tạo cán bộ TDTT. Việc mở thêm từ 1 đến 2 chuyên ngành mới, duy trì hình thức học ghép môn (giáo dục thể chất - giáo dục quốc phòng) và đào tạo cán bộ, hướng dẫn viên thể thao cho các tỉnh miền núi tiếp tục được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Nhà trường. Hơn nữa, mục tiêu tiến tới đào tạo sau Đại học cũng đặc biệt được Ban giám hiệu Trường Đại học TDTT Sư phạm Hà Tây quan tâm và hướng tới.

* Chân thành cảm ơn thày về cuộc trao đổi này!

NTH


 

Ảnh trong bài
  • Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Tây hướng tới mục tiêu đào tạo sau đại học