Chúc mừng những người thầy thầm lặng

Thể thao Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc. Số lượng những VĐV giành vị trí vô địch thế giới, vô địch Châu Á và vô địch Đông Nam Á ngày càng tăng. Có được những thành công trên, bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ngành TDTT cũng như sự nỗ lực không ngừng của các VĐV còn phải kể đến những đóng góp thầm lặng ngày đêm của các HLV - những người thầy

Thể thao Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc. Số lượng những VĐV giành vị trí vô địch Thế giới, vô địch Châu Á và vô địch Đông Nam Á ngày càng tăng. Có được nhưng thành công trên, bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng ngành TDTT cũng như sự nỗ lực không ngừng của các VĐV còn phải kể đến những đóng góp thầm lặng ngày đêm của các HLV - những người thầy luôn đồng hành cùng Thể thao Việt Nam.

Không giống những thầy giáo, cô giáo trên bục giảng, những thầy, cô giáo đặc biệt này cùng ăn, ở và thậm chí, tập luyện cùng các học trò của mình. Hầu hết các HLV đều trưởng thành từ các VĐV nên hơn ai hết, họ hiểu được VĐV cần gì và làm như thế nào để nâng cao thành tích của mỗi người. Không chỉ là những nhà sư phạm trên lĩnh vực thể thao, họ còn đóng vai trò là chuyên gia tâm lý của các VĐV. Ngoài việc giúp các học trò của mình giải toả những khúc mắc, băn khoăn trong cuộc sống, những người thầy còn phải biết thổi vào trong mỗi VĐV một tâm lý thoải mái khi vào trận, một ý chí thi đấu kiên cường và quyết tâm khát khao chiến thắng luôn cháy bỏng. Và trên hết, mỗi người thầy còn là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên cùng một tấm lòng yêu nước nồng nàn. Không chỉ đồng cam cộng khổ với các học trò của mình, các HLV - thầy, cô giáo còn phải biết hy sinh hạnh phúc bản thân vì những thành công của các học trò. Để có thể đưa Thể thao Việt Nam tiến lên hàng đầu khu vực, và xa hơn nữa là vươn tới đấu trường châu lục và thế giới, không ít các VĐV Việt Nam đã được cử đi tập huấn tại các Trung tâm Thể thao ở nước ngoài từ khi các em còn rất nhỏ. Thời gian tập huấn tuỳ theo từng môn nhưng có khi lên đến 7, 8 năm như các VĐV Nhảy cầu, TDTT... Xa gia đình, xa những người thân và xa đất nước, lúc này, ngoài nhiệm vụ là những người thầy, các HLV lại phải đảm nhận vai trò là những người cha, người mẹ để uốn nắn, dạy bảo những chuyện nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt hàng ngày của các em, lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, những khi ốm đau và cả những lúc nhớ nhà. Bên cạnh đó, họ lại phải đóng vai trò của những thày cô giáo dạy văn hoá cho các em. Cũng như trong một lớp học, các em được dậy tập viết, tập làm các phép tính, tập đọc... nhằm trang bị các kiến thức để trở thành một công dân tốt.

Chăm lo cho các VĐV như người trong gia đình, nhưng xa nhà triền miên bởi những chuyến tập huấn và thi đấu nên việc chăm lo cho gia đình mình thì các HLV lại trao trọng trách này lên những người thân khác trong gia đình. Cũng có những lúc, họ day dứt vì chưa làm tròn trách nhiệm của người vợ, người chồng trong gia đình cũng như vai trò người mẹ, người cha trong việc nuôi nấng và dạy dỗ con cái. Dồn hết tâm huyết cho các học trò của mình với mong ước cháy bỏng các em sẽ làm rạng danh hình ảnh đất nước Việt Nam trên đấu trường thế giới. Đằng sau những tấm HCV mà các VĐV giành được là công sức thầm lặng của các HLV. Lá cờ tổ quốc tung bay trong tiếng nhạc quốc ca trầm hùng chính là những thành quả mà các VĐV đền đáp cho những người thầy của mình.

Không thể kể hết những đóng góp của những người thầy đặc biệt này đối với sự nghiệp TDTT. Dù không trực tiếp đứng trên bục giảng những các thầy cô đã truyền cho các thế hệ học sinh của mình một chân lý: sống để lao động, học tập và cống hiến cho đất nước, cho xã hội. Xin gửi tới các HLV - những người thầy thầm lặng những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Những thế hệ VĐV và NHM thể thao nước nhà mãi ghi nhận công lao của các thầy cô - những HLV đã, đang và sẽ góp phần làm rạng danh nước nhà.

T.Dương

 

Ảnh trong bài
  • Chúc mừng những người thầy thầm lặng