Quán triệt Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ ra ngày 2/11/2005 về "Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển sang chế độ đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tạo điều kiện thuận lợi để người học tích luỹ kiến thức, chuyển đổi ngành nghề, liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và ở nước ngoài", Trường Đại học TDTT đã từng bước thực hiện hướng chuyển đổi từ niên chế sang tín chỉ. Tuy mới ở giai đoạn đầu, còn bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng chương trình song về phía lãnh đạo Nhà trường đã không ngừng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm tại các trường trong và ngoài nước về hệ thống đào tạo theo hình thức tín chỉ.
Trên thực tế, hình thức đào tạo này đã được áp dụng từ rất lâu ở các trường của Châu Âu và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, hình thức học theo tín chỉ mới thực sự được du nhập vào Việt Nam và thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên trong và ngoài nước. Một câu hỏi được đặt ra là hình thức học cũ mà các trường trong hệ thống giáo dục tại nước ta vẫn áp dụng (niên chế) có gì khác với hình thức đào tạo theo tín chỉ và hình thức đào tạo theo tín chỉ có ý nghĩa như thế nào đối với người học nói chung và với hệ thống đào tạo của Trường Đại học TDTT nói riêng?
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được biết: Đặc trưng của hình thức đào tạo theo tín chỉ là kiến thức được cấu trúc thành các học phần. Quá trình học tập là sự tích lũy kiến thức của người học theo từng học phần (đơn vị: tín chỉ); khác với học niên chế là lớp học được tổ chức theo một chương trình chung áp dụng nhất loạt cho tất cả người học. Khi tổ chức giảng dạy theo tín chỉ, lớp học được tổ chức theo từng học phần; đầu mỗi học kỳ, sinh viên được đăng ký các môn học thích hợp với năng lực, hoàn cảnh của họ và phù hợp với quy định chung nhằm đạt được kiến thức theo một ngành chuyên môn chính nào đó.
Việc áp dụng hệ thống đào tạo theo tín chỉ có rất nhiều ưu điểm, cho phép ghi nhận kịp thời tiến trình tích lũy kiến thức và kỹ năng của sinh viên để đạt được văn bằng, sinh viên được chủ động xây dựng kế hoạch học tập thích hợp nhất, có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập đối với riêng bản thân họ. Đặc biệt, hình thức học theo tín chỉ còn cho phép ghi nhận cả những kiến thức và kỹ năng tích lũy được ngoài trường lớp để đạt được văn bằng, khuyến khích việc học chủ động của sinh viên, tạo điều kiện cho tất cả các sinh viên từ nhiều trường khác nhau có thể tham gia học một cách thuận lợi.
Chương trình đào tạo này mang tính mềm dẻo và có khả năng thích ứng cao. Với việc được chủ động ghi tên học các học phần khác nhau, sinh viên dễ dàng thay đổi chuyên ngành trong tiến trình học tập khi thấy cần thiết mà không phải học lại từ đầu. Với hình thức học theo tín chỉ, các trường có thể mở thêm nhiều ngành học mới góp phần làm đa dạng ngành, nghề đào tạo. Kết quả học tập của SV được tính theo từng học phần mà không phải theo năm học, do đó việc "thất bại" một học phần nào đó không cản trở quá trình học tiếp tục. Đây là một trong những tính linh hoạt của hệ thống tín chỉ. Bởi theo hình thức học cũ, nếu sinh viên "nợ" quá nhiều môn, điểm trung bình chung của cả kỳ không đảm bảo ở mức "an toàn" sẽ dẫn đến tình trạng lưu ban và làm gián đoạn quá trình học của người học. Đó là chưa kể, nếu triển khai hình thức học theo tín chỉ trong một trường Đại học lớn đa lĩnh vực có thể tổ chức những môn học chung cho sinh viên nhiều trường, nhiều khoa, tránh các môn học trùng lặp ở nhiều nơi. Ngoài ra, sinh viên có thể học những môn học lựa chọn ở các khoa khác nhau. Cách tổ chức nói trên cho phép sử dụng được đội ngũ giảng viên giỏi nhất và phương tiện tốt nhất cho từng môn học.
Với tính đặc thù của một trường năng khiếu, áp dụng hình thức học theo tín chỉ sẽ giúp các sinh viên trường Đại học TDTT có thêm nhiều thời gian học tập và nghiên cứu những môn học chuyên ngành cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho những sinh viên là VĐV (học tích luỹ) theo học một cách thuận lợi (vừa có thể đảm bảo chất lượng học tập tại trường vừa có thể tham gia thi đấu). Để chuẩn bị cho việc chuyển hướng đào tạo sang hình thức tín chỉ, trường Đại học TDTT I đã có những lần giới thiệu về hình thức đào tạo này cho các sinh viên hiện đang học tập tại trường, tham quan, học hỏi kinh nghiệm đào tạo tại các trường trong và ngoài nước, thu được nhiều tư liệu quý giá chuẩn bị cho quá trình phát triển lâu dài.
Với bước chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cùng sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều trường - những trường đã và đang đào tạo theo hình thức tín chỉ trong và ngoài nước, trường Đại học TDTT I sẽ thực hiện thành công bước chuyển hướng đúng đắn và mang tính chiến lược trong hệ thống đào tạo của Nhà trường.
Thanh Anh