Sau 13 năm hình thành và phát triển (1994 - 2007), công tác quản lý đào tạo VĐV của Trung tâm HLTTQG III đã có nhiều thành tích đáng kể góp phần vào sự thành công và phát triển của thể thao Việt Nam. Giai đoạn đầu (1994 - 2000) là giai đoạn đầy khó khăn, thử thách đối với cán bộ Trung tâm và chính họ đã đặt những "viên gạch" đầu tiên xây dựng kế hoạch huấn luyện, nội quy quản lý sinh hoạt và học văn hoá, từng bước làm quen với công tác huấn luyện cho VĐV. Sau 5 năm hoạt động, đến năm 1999, Trung tâm đã thành lập Phòng quản lý huấn luyện (nay là Phòng quản lý huấn luyện và nuôi dưỡng), đào tạo, cung cấp nhiều VĐV cho đội tuyển quốc gia ở các môn: Điền Kinh và Bơi, trong đó có VĐV đã mang lại nhiều thành tích cho thể thao Việt Nam như Trần Xuân Hiền (Bơi).
Ngay sau khi phòng quản lý huấn luyện ra đời, công tác quản lý kế hoạch huấn luyện bước đầu đi vào nề nếp. Tuy nhiên, do chưa có sự đồng bộ trong công tác quản lý (Phòng quản lý huấn luyện chỉ quản lý về chuyên môn, văn hoá) nên dẫn đến việc việc quản lý VĐV còn lỏng lẻo. Trước tình hình đó, ngày 06/04/2004, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT đã ký quyết định số 108/2004/QĐ-UBTDTT quy định chức năng nhiệm vụ của Trung tâm HLTTQG III, trong đó quy định rõ chức năng quản lý toàn diện VĐV và HLV tập huấn tại đây của phòng quản lý huấn luyện và nuôi dưỡng.
Nhờ công tác quản lý ngày càng chặt chẽ hơn cùng sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức trong Trung tâm, thành tích huấn luyện tại Trung tâm đang tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Các VĐV trẻ của Trung tâm đã giành nhiều thành tích cao trên đấu trường khu vực, Châu lục và thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những sự nỗ lực, cố gắng đáng ghi nhận công tác xây dựng kế hoạch huấn luyện vẫn còn một số mặt hạn chế, đơn cử như việc soạn thảo kế hoạch còn mang tính hình thức chưa đi sâu vào thực tế; các kế hoạch huấn luyện đều tập trung chủ yếu đến chuyên môn, ít đề cập đến vấn đề giáo dục đạo đức, phẩm chất, phục hồi khắc phục chấn thương của VĐV; các kế hoạch được xây dựng và huấn luyện chưa có sự kiểm tra về chức năng y sinh học, tâm lý, chưa đi sâu vào chế độ dinh dưỡng trong từng giai đoạn tập luyện.
Nhằm nâng cao chất lượng, số lượng các đội tuyển tập huấn tại đây cũng như không ngừng nâng cao thành tích của TTVN, Trung tâm HLTTQG III đã đề ra một số giải pháp khắc phục những mặt hạn chế trên, trong đó chú trọng vào việc nâng cao trình độ nhận thức của HLV, cán bộ Y tế và nuôi dưỡng cũng như xây dựng quy trình tuyển chọn VĐV, đảm bảo sự đồng bộ trong công tác quản lý kiểm tra thực hiện kế hoạch huấn luyện./.
Quỳnh Trang