Chỉ còn chưa đầy 5 ngày nữa kỳ thi Đại học đợt II năm 2007 sẽ diễn ra trên khắp các địa bàn cả nước. Đây là dịp để các sỹ tử "trả bài" sau nhiều tháng ngày ôn luyện với hy vọng đạt kết quả cao nhất. Trường Đại học TDTT I - nằm cách Quốc lộ 1A chừng hơn 1 km cũng nhộn nhịp hẳn lên bởi số lượng thí sinh đến ôn luyện. Cảnh tượng các thí sinh đá bóng giữa trưa hè, chơi Cầu lông ngay trên mảng sân xi măng rát bỏng hay khệ lệ balô, túi xách đi thuê phòng trọ ngoài ký túc... đã không còn là chuyện lạ và trở thành mối quan tâm của nhiều người làm công tác tuyển sinh của Nhà trường.
Chuyện sân tập
Nhà tập Bóng bàn của Trường Đại học TDTT I chỉ có tối đa 10 bàn (cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40 đến 60 người tập) lại phải phục vụ sinh viên đang học tập tại trường nên các thí sinh chỉ có thời gian ngoài giờ để ôn luyện. Số lượng thí sinh đến tập quá lớn (trung bình một ngày có khoảng gần 100 thí sinh) nên Nhà tập không thể đáp ứng nhu cầu tập luyện của phần lớn các sỹ tử. Mới tờ mờ sáng mà Nhà tập đã đông nghịt, do vậy để kiếm được chỗ tập quả là điều vô cùng khó khăn. Mỗi môn thể thao có một đặc thù riêng, yêu cầu tập luyện khác nhau, đối với Bóng bàn, không có bàn không thể tập được, vì vậy, với cái giá 20.000 đồng/giờ để thuê dịch vụ bên ngoài nhà trường đã không còn là vấn đề đối với những thí sinh đang có khát khao cháy bỏng được vào trường.
Sự chênh lệch giữa cung - cầu quá lớn, đã giúp nhiều "ông chủ nhỏ" kiếm được một khoản tiền khá lớn từ các dịch vụ cho thuê. Nguyễn Văn An quê ở Thái Bình cho biết: "Em đã lên đây được 2 tuần và khoảng thời gian em được tập với bóng rất ít, chủ yếu là tập thể lực. Do không có bàn để tập nên em và Hùng đã thuê "trọn gói" nhà Chú Thanh (người cho thuê bàn) với giá 20.000 đồng/giờ từ nay cho đến hết kỳ thi. Chiều nào chúng em và một số bạn khác cũng đến đây để tập chứ không vào trường vì biết chắc chắn trong trường không có chỗ để tập".
Với những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có đủ khả năng "trọn gói" nên đành chấp nhận giờ họ nghỉ thì mình tập (thậm chí phải tập ngay sau khi vừa ăn trưa). Nhưng vào những lúc cao điểm, để tìm được một chỗ tập vào giờ nghỉ cũng không mấy dễ dàng.
Tăng giá mùa thi
Mùa thi cũng là mùa bội thu của những dịch vụ phụ như: bán nước, quần áo, dụng cụ thể thao, đồ dùng sinh hoạt... chẳng thế mà, thí sinh đến ôn luyện tại Trường Đại học TDTT I đã nói về những bà chủ quán nước hay chủ cửa hàng quần áo thể thao là "giàu lên trông thấy". Khu làng sinh viên cạnh trường có khả năng đáp ứng đầy đủ, tất cả các mặt hàng từ quần áo cho môn Bơi, Bóng bàn, Bóng đá, Bóng rổ... cho đến các phụ kiện đi kèm như: kính, túi, mũ, vợt, giày... thậm chí cả màn, chiếu và các dịch vụ ăn, uống... Các thí sinh chỉ phải lo học, tập mà không mất nhiều thời gian cho việc sinh hoạt hàng ngày. Vấn đề chỉ là bạn có kinh phí trang trải hay không mà thôi.
Tuy nhiên, giá cả của các loại dịch vụ này không hề rẻ chút nào, thông thường để có một chiếc quần soóc bạn sẽ chỉ mất khoảng 15.000 đồng thì ở đây bạn phải mua nó với giá gấp đôi, gấp ba. Sữa chua, nước ngọt hay trà đá - thứ giải khát phổ biến và thông dụng nhất cũng bị "chém ngọt" với mệnh giá tăng lên gấp vài lần...
Và nghìn lẻ những câu chuyện thuê nhà
Chứng kiến cảnh tượng một thí vừa xuống khỏi xe đã bị một người đàn ông kéo ngay về phía gốc cây để "thoả thuận" thuê nhà trọ, nhiều người tại cổng trường Đại học TDTT không khỏi tỏ thái độ thông cảm cho những thí sinh vừa đến còn "lạ nước lạ cái" song cũng hết sức không đồng tình với kiểu "mời gọi" của những người làm công việc "môi giới".
Với những lời mời thật hấp dẫn: "vào nhà chú mà ở cho đỡ khổ, nhà chú có đầy đủ giường, chiếu, chăn, màn, có nhà vệ sinh khép kín và đặc biệt rất tiện chỗ ăn và đường đến trường. Giá cả lại phải chăng, chỉ 30.000 đồng/ ngày. Cháu muốn ở phòng nào cũng được. Ở ký túc làm gì, thiếu nước rồi trộm cắp... phức tạp lắm" những tưởng dịch vụ cho thuê nhà ở đây tiện lợi, giá rẻ phải chăng? Chúng tôi đã có dịp trao đổi với anh Thực - người có nhà cho thuê. Anh Thực cho biết: "Mùa thi năm nào cũng vậy, số người từ khắp nơi đổ về đây rất đông. Đây chính là thời điểm làm ăn của các gia đình có nhà cho thuê. Các cháu chỉ ở tạm ít bữa nên đông một tí cũng không sao..."
Qua quan sát của chúng tôi, mỗi phòng trọ rộng chừng 15m vuông nhưng chứa khoảng 5 người. Nóng bức, chật chội... thử hỏi việc ôn luyện như vậy liệu có mang lại hiệu quả thiết thực hay không, chưa kể chuyện vô tình nhưng hữu ý nhầm đồ của nhau do khu nhà trọ quá đông cũng khiến các thí sinh giở khóc giở cười. Văn Trường (quê ở Thái Nguyên) tâm sự: "Hôm qua, em vừa mua được cái áo Beckham số 23, mới mặc được một lần, giặt xong thì giờ chẳng thấy đâu. Biết nghi cho ai đây vì nhà trọ em ở có đến 6 Beckham".
Xuân Nhi