|
Ông Lê Tiến Đạt - Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học TDTT Đà Nẵng (Ảnh: Thu Thanh) |
PV: Xin ông cho biết những nét khái quát về kết quả kỳ thi tuyển sinh Đại học của trường Đại học TDTT Đà Nẵng năm 2009?
Ông Lê Tấn Đạt: Trong kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2009, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng có 3.929 hồ sơ đăng ký dự thi và có 2.318 thí sinh dự thi đạt (59%). Kết quả đã có 789 thí sinh trúng tuyển, trong đó 04 thí sinh được tuyển thẳng. Kỳ thi tuyển sinh năm 2009 của Trường Đại học TDTT Đà Nẵng được tổ chức nghiêm túc, an toàn, không xảy ra các vi phạm về quy chế. Thành công của kỳ thi là nhờ sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch cùng sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của các ban ngành, sự thống nhất trong hành động, quyết tâm cao trong toàn thể cán bộ, viên chức nhà trường và sự giúp đỡ của các Trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng.
PV: Những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh năm nay là gì thưa ông ?
Ông Lê Tấn Đạt: Kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng hệ chính quy năm 2010 là năm thứ 9 thực hiện đề án cải tiến công tác tuyển sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (1/2002). Kỳ thi tuyển sinh năm nay vẫn giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” như các năm trước. Đối với Trường Đại học TDTT Đà Nẵng, kỳ thi tuyển sinh năm 2010 nhìn chung không có gì thay đổi so với những năm trước. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ thi tuyển sinh năm 2010 có một số điểm mới, đó là:
Về đối tượng dự thi: thí sinh đã tốt nghiệp THPT theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề (tốt nghiệp trung cấp nghề phải là người đã tốt nghiệp trung học cơ sở, học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hoá THPT đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Quy định về số thí sinh và số cán bộ coi thi cho mỗi phòng thi: Mỗi phòng thi theo danh sách chỉ xếp tối đa không quá 40 thí sinh (Nhà trường chỉ xếp tối đa 25 thí sinh) và phải có hai cán bộ coi thi. Những phòng thi lớn cần sắp xếp cho phù hợp với số lượng qui định trên.
Lệ phí đăng ký thi và lệ phí thi thí sinh phải nộp ngay khi đăng ký hồ sơ. Do vậy, số lượng thí sinh đăng ký dự thi ảo sẽ giảm, từ đó giúp nhà trường dự báo được số lượng thí sinh đến dự thi và chuẩn bị số lượng phòng thi, cơ sở vật chất sát với thực tế hơn các năm trước.
PV: Để chuẩn bị cho kỳ thi Đại học năm 2010, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Tấn Đạt: Thực tế, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh năm 2010 của Trường Đại học TDTT Đà Nẵng đã được triển khai từ đầu năm. Nhà trường đã gửi thông báo tuyển sinh Đại học và xét tuyển Cao đẳng TDTT đến các Sở Giáo dục & Đào tạo, các Sở VH,TT&DL cũng như các trường THPT trên toàn quốc, đồng thời thông báo tuyển sinh qua các phương tiện thông tin đại chúng và trên Website của Trường. Hội đồng tuyển sinh nhà trường và các Ban giúp việc cho Hội đồng tuyển sinh đã được thành lập theo đúng quy chế. Cùng với đó, kế hoạch tuyển sinh được triển khai theo đúng lịch trình như kế hoạch của Bộ Giáo dục v& Đào tạo.
Kỳ thi năm nay, Hội đồng tuyển sinh của Trường đã nhận được 2.261 hồ sơ đăng ký dự thi ở 13 chuyên ngành gồm:Điền kinh, Thể dục, Bơi lội, Bóng đá, Cầu lông, Bóng rổ, Bóng bàn, Bóng chuyền, Bóng ném, Cờ Vua, Võ thuật, Quần vợt và Thể thao giải trí. Dự kiến, Nhà trường tuyển chọn gần 800 sinh viên (360 hệ Đại học và xét tuyển Cao đẳng là 380 sinh viên).
Trường Đại học TDTT Đà Nẵng cũng đã bố trí 92 phòng thi ở 4 địa điểm gần khu vực trường gồm: Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm, Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh và Trường Đại học TDTT Đà Nẵng. Tại các địa điểm thi, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho kỳ thi đáp ứng yêu cầu theo quy định. Ngoài ra, Nhà trường cũng đã sửa chữa và trang bị lại các vật dụng ở ký túc xá để sẵn sàng đón tiếp các thí sinh về dự thi...
Hội đồng tuyển sinh nhà trường cũng đã chuẩn bị 193 cán bộ coi thi và phục vụ kỳ thi tuyển sinh năm 2010, để đảm bảo tốt cho công tác coi thi nhà trường còn sử dụng hơn 100 sinh viên năm cuối tham gia làm nhiệm vụ kỳ thi. Bên cạnh đó, các bước chỉ đạo về công tác chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức thi, thành lập Hội đồng in, sao đề thi... đã được phân công cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo kỳ thi một cách chặt chẽ, an toàn. Ngoài ra, Hội đồng tuyển sinh đã xây dựng phương án tổ chức tập huấn cho cán bộ coi thi tại các điểm thi theo phương án đổi mới, đặc biệt là quy trình thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân trưởng điểm thi và các lực lượng tham gia kỳ thi. Cung cấp đầy đủ và thống nhất mẫu biên bản cho từng loại cán bộ tham gia coi thi, trích in quy định về kỷ luật phòng thi, dán phòng thi…
Nhà trường cũng đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan trên địa bàn các điểm thi như: Công an, Điện lực, Bưu điện, Y tế, Giao thông - Vận tải đã sẵn sàng vào cuộc đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho kỳ thi.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi Đại học năm 2010 của Nhà trường đã hoàn tất và sẵn sàng. Điều này đã được Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Trần Quang Quý đánh giá cao tại đợt kiểm tra công tác chuẩn bị cho tuyển sinh năm 2010 của Bộ Giáo dục & Đào tạo vào ngày 28/6 vừa qua.
PV: Cuối cùng, ông có thể đưa ra một vài lưu ý đối với thí sinh tại kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2010?
Ông Lê Tấn Đạt: Do đặc thủ của các Trường Đại học TDTT là thí sinh phải dự thi năng khiếu, như mọi năm, Trường Đại học TDTT Đà Nẵng sẽ tổ chức thi các nội dung năng khiếu ngoài trời. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, khả năng trong những ngày tới vẫn còn nắng nóng gay gắt tại khu vực miền Trung. Do vậy, thí sinh cần sắp xếp thời gian học tập, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và có chế độ ăn uống hợp lý để bảo đảm về cả thể chất và tinh thần khi bước vào kỳ thi.
Dũng Linh Thực hiện