Năm 2010 tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước

Có thể nói năm 2009 - 2010 là giai đoạn bản lề để tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2015, đây được coi như giai đoạn quan trọng nhất để xây dựng thành công Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Trong giai đoạn bản lề này được tập trung vào một số mục tiêu như: nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng các cơ quan điện tử.

Theo kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009 - 2010 đã được Chính phủ phê duyệt thì mục tiêu đặt ra đến hết năm 2010, bảo đảm trung bình đạt 60% (năm 2009 là 30%) các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh được đưa lên cổng thông tin điện tử. Đến năm 2010, đảm bảo 80% các trang thông tin điện tử của các cơ quan cấp bộ, các UBND cấp tỉnh có cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho người dân và doanh nghiệp đảm bảo 90% (năm 2009 là 80%) các vụ, văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, kết quả đạt được trong suốt thời gian qua trong công tác triển khai và thực hiện kế hoạch này vẫn còn chậm và gặp không ít những khó khăn, dào cản, vướng mắc ở nhiều mặt như: kinh phí, các thủ tục hành chính, yếu tố con người... Mặc dù, những đơn vị thực hiện cũng như các địa phương trên toàn quốc đã rất cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để công tác triển khai, thực hiện kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử nhưng kết quả đạt được không được như mong muốn.

Các chuyên gia, tổ chức hàng đầu về CNTT đã nhận xét:  hiện nay việc ứng dụng CNTT của các cán bộ đang làm việc trong khối cơ quan nhà nước vẫn còn khiêm tốn, do vậy công tác triển khai công nghệ thông tin còn nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, để khắc phục những hạn chế này trong thời gian tới thì các cơ quan cần đào tạo kỹ năng CNTT cho nhân viên,  đồng thời, bản thân mỗi cán bộ công chức, viên chức có nhận thức đúng đắn, nỗ lực hoàn thiện các kỹ năng, thay đổi tư duy làm việc trong môi trường CNTT. Qua đó, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch phổ cập CNTT cho toàn xã hội. Việc xây dựng một đội ngũ công chức điện tử và công dân điện tử cần phải được tiến hành song song với việc triển khai Chính phủ điện tử. Việc áp dụng thành công CNTT trong quản lý hành chính nhà nước sẽ tạo ra một Chính phủ điện tử với 3 chức năng: Cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ và tương tác với nhân dân để phục vụ tốt hơn.

Ngay từ những ngày đầu triển khai, Chính phủ điện tử đã được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng nhất cần đạt được hiệu quả cao. Cuối tháng 10/2009, Hệ thống CSDL Quốc gia về TTHC (Thủ tục hành chính) đã được công bố. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã cấp phép cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, tạo cơ sở triển khai rộng thương mại điện tử, giao dịch điện tử và Chính phủ điện tử thời gian tới. Nếu ở các giai đoạn đầu của chiến lược phát triển Chính phủ điện tử được thực hiện thành công tập trung vào việc cải cách cách thủ tục hành chính... thì vào giai đoạn cuối của quá trình thực hiện yếu tố con người (trực tiếp là công dân) sẽ là đối tượng trung tâm. Cụ thể như: Chính phủ điện tử sẽ chủ động cung cấp các dịch vụ theo vòng đời của công dân từ lúc ra đời cho tới lúc chết theo cách mà công dân cảm thấy thuận lợi nhất khi truy cập vào mạng Internet. Chính phủ điện tử sẽ chủ động xử lý phản hồi từ công dân về về các vấn đề liên quan đến chính sách, lập pháp, hành pháp, các dịch vụ mà công dân cần.

N. H

Ảnh trong bài
  • Năm 2010 tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước