Những bài học từ việc nghiên cứu sự thành công của TTVN

Nghiên cứu sự thành công của TTVN trên con đường hội nhập và phát triển trong khu vực ĐNA đã cho thấy nhiều bài học kinh nghiệp quý giá. Đầu tiên phải nói đến là công tác chuẩn bị, song song là sự đầu tư của Nhà nước dành cho TTVN với chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn hướng tới tổ chức SEA Games 22 (2003) tại Việt Nam.


Vấn đề hội nhập cần có tư duy chiến lược bao quát quy mô cũng như con đường trải qua. Các tiêu chí chứng minh sự phát triển của TTVN có tương quan lôgic nội tại với nhau. Điều đó thể hiện ngay ở số lượng VĐV quy định quy mô tham gia Đại hội, tương đồng với số môn và nội dung thi. Chẳng hạn, Đại hội 15, TTVN 46 VĐV nên chỉ tham gia 8 môn thì sau đó sự tăng lên về số lượng VĐV tham dự cũng là sự tăng lên vế số môn và nội dung thi đấu. Cụ thể trong Đại hội 16 (1991), TTVN có 100 VĐV tham dự 15 môn…, năm 1997 con số đó là 340 VĐV/24 môn. Ổn định từ SEA Games 22, với 32 môn/trên 500 VĐV, tức đã tăng 4 lần về số môn thi đấu so với đại hội lần thứ 15 được tổ chức tại Malaysia mà lần đầu tiên Việt Nam tham dự.

Để có được vị trí toàn đoàn cao thì điều kiện cần là tham gia vào nhiều môn, nhiều nội dung thi đấu còn điều kiện đủ chính là số huy chương đạt được.

Sự tăng lên số môn cũng như nội dung thi đấu trong một số môn có lượng huy chương lớn như: Điền kinh, Bơi, Bắn súng… đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội, điều kiện và khả năng tăng huy chương cùng sự xác lập vị trí Đoàn. Cho nên, sự hội nhập thể thao khu vực đã tác động tích cực lên TTVN làm thay đổi về chất, tương ứng sự thay đổi cơ cấu các môn thể thao đỉnh cao cần phát triển. Nói cách khác, các môn thể thao nhiều nội dung/huy chương đã được chý ý tăng cường đầu tư phát triển. Qua đây, làm tăng số huy chương của Việt Nam qua mỗi kỳ Đại hội Thể thao khu vực.

Như vậy, nếu coi sự tham gia vào Đại hội thể thao khu vực như bước “chạy đà” tham gia vào đấu trường thể thao lớn hơn, và có trình độ chuyên môn cao hơn như châu lục, thế giới và Olympic thì TTVN đã đạt được mục tiêu của mình. Sự phát triển của TTVN hiện nay cho thấy ở các giải châu lục, các VĐV Việt Nam không chỉ tham gia mà còn đạt được thành tích ở các môn Thể hình, Cử tạ, Nhảy cao, Karatedo, Taekwondo…

Tuy nhiên, Đại hội thể thao châu lục hay thế giới khác với khu vực nên đòi hỏi đẳng cấp, trình độ thi đấu của VĐV cao hơn. Vậy để vào đấu trường Olympic, TTVN cần tầm nhìn xa hơn. Như chuẩn bị SEA Games 22 đã có nhiều chương trình đào tạo VĐV gối nhau. Song lại không có chương trình mục tiêu cấp Nhà nước cho sự hội nhập đấu trường châu lục và Olympic. Cùng lúc đó, mục tiêu thứ 2 của SEA Games 22 được Liên đoàn thể thao Đông Nam Á xác định: Đây là bước chuẩn bị cho các giải thể thao của Châu lục và thế giới. Muốn vươn lên cao trong hội nhập phải phân định mục tiêu như kinh nghiệm một số nước Đông Nam Á thực hiện như: đầu tư có chọn lọc về mục tiêu, ưu tiên cho chiến lược hướng đến Olympic thay vì chỉ thấy thành tích ở đấu trường khu vực.

Có thể khẳng định, hội nhập là quá trình đòi hỏi bước đi thích hợp. TTVN trong hội nhập thể thao khu vực có tiến bộ vượt bậc không chỉ là sự thay đổi về chất. Đó là sự thay đổi cơ cấu VĐV rộng mở hơn về nội dung thi và môn thi. Đồng thời, số huy chương cũng được nâng lên nhiều đặc biệt ở các môn thể thao châu lục và Olympic. Từ đây, làm thay đổi vị thế của TTVN trong khu vực và quốc tế.

Để có sự phát triển ổn định, bền vững trên con đường hội nhập quốc tế thì TTVN cần có chiến lược tương ứng khi quan hệ quốc tế sang trang mới: đất nước tham gia tổ chức thương mại thế giới, khối ASEAN nhằm tạo liên kết quốc gia. Như vậy, TTVN khi xác định mục tiêu phấn đầu không thể giới hạn tranh chấp huy chương tại SEA Games. Điều đó có nghĩa các bước phát triển tiếp theo, TTVN cần sự đầu tư lâu dài và khoa học hơn để hướng vào đấu trường châu lục và Olympic.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về bước phát triển của TTVN để qua đó góp phần tìm ra những bài học cần và đủ cho sự phát triển của TTVN trên con đường hội nhập vào thể thao quốc tế với những bước tiến xa hơn và vững vàng hơn trong tương lai.

Linh Giang (tổng hợp)

Ảnh trong bài
  • Những bài học từ việc nghiên cứu sự thành công của TTVN