Trong những năm gần đây, TTVN đã có những bước phát triển nhanh chóng mang tính đột phát. Từ một nước có kết quả thi đấu đứng ở nhóm cuối bảng xếp hạng so với các nước khác tại SEA Games 15 (1989) đã vươn dần lên nhóm giữa, rồi bứt phá ở SEA Games 22 (2003) giành vị trí đứng đầu và 2 kỳ liên tiếp sau đó là nước đứng vị trí thứ 3. Với thành tích đáng khích lệ đó, TTVN dần mang hình dáng của cường quốc thể thao trong khu vực ĐNA.
Khi đề cập tới trình độ, đẳng cấp thể thao của một quốc gia là nói đến thành tích đạt được của quốc gia đó ở các kỳ Đại hội Thể thao trong khu vực, châu lục hay Olympic. Với thể thao Việt Nam cũng vậy, để đánh giá sự phát triển trên con đường hội nhập, không thể tách rời việc xem xét thành tựu đạt được trong các kỳ Đại hội thể thao thông qua các con số của VĐV Việt Nam đã tham gia thi đấu, thành tích – huy chương và thứ hạng TTVN giành được.
Trong khuôn khổ nghiên cứu, nhóm tác giả đã xem xét sự phát triển của TTVN, giới hạn trong khu vực Đông Nam Á, qua đó làm rõ sự tiến bộ của TTVN trong 20 năm qua, bắt đầu từ SEA Games 15 đến SEA Games 24 (2007).
Sự hội nhập và phát triển của TTVN trên đấu trường quốc tế được thể hiện qua các mặt cụ thể như: số môn và nội dung thi đấu, số lượng VĐV tham gia, số huy chương giành được và thứ tự xếp hạng của đoàn thể thao tại giải đấu có sự tham gia của đoàn TTVN. Tác giả đã tổng hợp và phân tích dữ liệu của 10 kỳ SEA Games có đoàn TTVN tham dự. Qua đó đã thể hiện một bức tranh sinh động, cụ thể về những bước phát triển của TTVN trên các phương diện.
Trong thời kỳ đất nước còn bị chia cắt 2 miền, miền Bắc Việt Nam đã từng tham gia vào Hiệp hội thể thao khu vực. Đến 1985, mười năm khi hai miền Nam - Bắc thống nhất, TTVN mới trở lại đấu trường khu vực sau một thời gian gián đoạn. Với sự chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng, thận trọng cho mỗi bước đi nên kết quả đạt được tương xứng. Từ mốc tham gia SEA Games 15, TTVN đã lớn mạnh không ngừng, thể hiện trước hết ở số VĐV tham gia. Từ chỗ chỉ có 46 VĐV tham dự SEA Games 15 đã tăng lên liên tục và tại SEA Games 24 có đến 597 VĐV. Đây là cơ sở, tiền đề cho việc mở rộng số môn hoặc nội dung thi đấu, tạo cơ hội đạt thành tích toàn đoàn cao hơn. Mặt khác, sự tăng trưởng số VĐV tham dự SEA Games cho thấy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển ổn định, trình độ và công tác huấn luyện, đào tạo VĐV của Việt Nam không ngừng nâng cao.
Cùng với sự tăng số lượng VĐV tham dự là số môn thi đấu nhiều hơn, đa dạng hơn, từ chỗ chỉ tham gia 8 môn ở SEA Games 15 đã tăng lên 32 môn trong các kỳ SEA Games 22, 23 và 24.
Kết quả đề tài nghiên cứu cho thấy: kết quả của sự tăng nhanh số VĐV và số môn thi đấu là sự tăng về số huy chương. Số HCV nhiều nhất TTVN giành được là tại SEA Games 22 (2003) với 156 HCV. Đây là một trong những dấu hiệu nói lên sự thay đổi về chất của TTVN, từ chỗ tham dự để học học đã vươn lên khẳng định vị thế trong khu vực.
Sự lớn mạnh thay đổi về chất của Đoàn TTVN qua 2 kỳ đại hội liên tiếp 23 và 24 - tổ chức tại các quốc gia khác, đã giành vị trí thứ 3, là minh chứng của cường quốc thể thao trong khu vực Đông Nam Á với 11 thành viên.
Tín hiệu lạc quan đối với TTVN còn thể hiện ở số lượng huy chương của môn Điền kinh và Thể dục đã tăng dần qua mỗi Đại hội, báo hiệu sự đổi mới cơ cấu phát triển TDTT ở Việt Nam.
Sự phát triển của thể thao nước nhà còn thể hiện qua khía cạnh khác như lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Đại hội Thể thao khu vực đã được các nước nhiều lần đã từng tổ chức Đại hội trước đó cũng phải khen ngợi, tán dương về quy mô, trình độ tổ chức và đi liền là thành công về chuyên môn thể thao: số môn thể thao được tổ chức, số VĐV tham gia và số HCV TTVN giành được.
Linh Giang (tổng hợp)