Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả

Trong khuôn khổ chuyến công tác các tỉnh miền Nam, ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam đã đến Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia (Trung tâm HLTTQG) cơ sở Múi Né, Tp Hồ Chí Minh và Cần Thơ để nắm bắt về tình hình hoạt động, kiểm tra cơ sở vật chất, động viên tinh thần Ban huấn luyện và các vận động viên đội tuyển quốc gia. Nhân dịp này, Trang tin TDTT Việt Nam (www.tdtt.gov.vn) đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Nguyễn Hồng Minh

Xin ông cho biết đánh giá của mình về Trung tâm HLTTQG sau chuyến đi thăm lần này?

Vừa qua, theo Quyết định số 619 của Bộ VHTTDL về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Cục TDTT Việt Nam đã có những sắp xếp và thay đổi phù hợp từ ngày 11/3/2025. Đáng chú ý là sự sắp xếp của các Trung tâm HLTTQG. Nếu như trước đây, Cục TDTT Việt Nam quản lý 4 Trung tâm HLTTQG gồm: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, thì nay đã được sắp xếp thành 3 Trung tâm huấn luyện: Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao quốc gia, Trung tâm HLTTQG và Trung tâm Huấn luyện vận động viên trẻ quốc gia.

Tại khu vực phía Nam, Trung tâm HLTTQG (trước là Trung tâm HLTTQG TPHCM và Trung tâm HLTTQG Cần Thơ) nay sẽ bao gồm Ban Quản lý cơ sở Cần Thơ, Ban quản lý cơ sở Mũi Né, Ban quản lý cơ sở Đà Lạt. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Trung tâm cũng nhanh chóng tìm ra cách quản lý, vận hành chuyên nghiệp và khoa học.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những thay đổi này?

Trung tâm HLTTQG đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ các đội tuyển. Với số lượng 57 đội tuyển gồm: 32 đội tuyển, 25 đội tuyển trẻ, khối lượng công việc rất lớn. Song các đội tuyển vẫn duy trì thành tích tốt. Các môn như: muay, thể dục, khiêu vũ, cử tạ, xe đạp đều xây dựng kế hoạch quản lý các đội tuyển rất tốt.

Do đặc thù quản lý nhiều cơ sở, xa cách về địa lý, lãnh đạo Trung tâm đã thực hiện cải cách tổ chức. Xây dựng các bộ quy tắc, quy chế, số hóa hồ sơ VĐV, yêu cầu thực hiện nhật ký từng VĐV, từng môn thể thao quan ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là trung tâm đầu tiên thực hiện hoạt động này, ứng dụng  khoa học công nghệ một cách hợp lý, hiện đại và hiệu quả.

Bên cạnh đó các chính sách về tiền lương, công, ăn, y tế, phục hồi thể lực, chữa trị chấn thương đảm bảo tiêu chuẩn tốt nhất. Theo tôi được biết và báo cáo, Trung tâm thường xuyên phối hợp với Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Trung tâm phòng chống Doping Việt Nam, Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viên Quân dân y miền Đông, Bệnh viện Quân Y 120, Trung tâm Hồi phục chấn thương RTD Rehab nhằm đảm bảo tốt công tác khám chữa bệnh, điều trị chấn thương, phục hồi chức năng và phòng, chống Doping trong thể thao. Có thể đánh giá  đây là Trung tâm đi đầu trong lĩnh vực chăm sóc y tế cho các VĐV.

Đâu là những khó khăn của Trung tâm, thưa ông?

Trung tâm gồm 4 cơ sở, nhưng thực sự khó khăn về cơ sở vật chất. Cụ thể là Trung tâm ở Tp Hồ Chí Minh thì các sân tập luyện, nhà thi đấu, nhiều cơ sở vật chất dùng chung với Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh; cơ sở ở Đà Lạt thì mới chỉ có duy nhất một nhà thi đấu, chưa có sân tập luyện, nhà lưu trú cho VĐV; Cơ sở ở Cần Thơ và Mũi Né cũng còn nhiều thiếu thốn. Nhiều đội tuyển của Trung tâm cơ sở Cần Thơ chưa có cơ sở vật chất phải liên kết với các địa phương để tập luyện, nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý và phục vụ các đội tuyển. 

Với số lượng các cơ sở phải quản lý nhiều và xa cách về địa lý thì nhân sự hiện nay của Trung tâm là không đủ. Bên cạnh đó, kinh phí để quản lý các đội tuyển, các cơ sở còn thiếu nhiều. Ví dụ BHL muốn thay đổi địa bàn tập luyện, muốn đi từ Tp Hồ Chí Minh lên Đà Lạt hay Mũi Né sẽ mất thời gian di chuyển và tốn kém về kinh phí. Bên cạnh đó, việc mua sắm các thiết bị mới còn thiếu...

Tuy vậy, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Ban giám đốc Trung tâm, những lãnh đạo trẻ, có cách nghĩ sáng tạo, cách làm hiệu quả, khoa học.

Tôi mong muốn các thành viên Ban Giám đốc cùng tập thể người lao động sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đưa Trung tâm trở thành đơn vị vững mạnh, đóng góp cho sự phát triển chung của ngành TDTT Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đổi mới sáng tạo, hoà nhịp với bước chuyển mình của cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ông có đánh giá như thế nào về VĐV và các đội tuyển đang tập huấn tại Trung tâm ở cả 4 cơ sở?

Với số lượng 57 đội tuyển, Trung tâm có khối lượng công việc quản lý rất lớn, song tôi thấy các VĐV được chăm sóc chu đáo. Các BHL quản lý rất sâu sát, thường xuyên đánh giá thành tích của các VĐV. Tuy nhiên, để tăng cường thành tích, tôi mong muốn công tác đánh giá hiệu quả tập huấn chặt chẽ hơn, điều chỉnh, thay đổi cách tiếp cận, thay đổi cách quản lý, khoa học hơn, hiệu quả hơn. 

Cần xây dựng kế hoạch dài hạn cho từng VĐV trọng tâm, trọng điểm. Những VĐV đã giành thành tích cao của SEA Games thì phải đột phá ở ASIAD, Olympic. BHL cần mạnh dạn đề xuất chuyên gia, bởi VĐV tài năng là tài sản quốc gia, phải được chăm sóc, phát huy và đưa lên đỉnh cao. Bên cạnh đó, cần nắm bắt kịp thời mọi thông tin của các VĐV của mình, nhất là các VĐV đỉnh cao (thường họ là những người rất cá tính nên cần có sự hiểu rõ về tâm lý, tư tưởng). Tôi cũng mong các HLV đốc thúc các VĐV chăm chỉ học văn hóa, đủ điều kiện để tốt nghiệp PTTH, sẵn sàng tham gia học Đại học, đảm bảo tương lai cho các VĐV của mình.

Bài, ảnh Nam Hồng

Ảnh trong bài
  • Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả