Sáng kiến nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua việc khuyến khích người dân tăng cường tham gia các hoạt động thể thao cộng đồng, đào tạo các cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực thể thao và y tế, tăng cường năng lực cho các tổ chức và cơ quan, đồng thời thực hiện các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi nhằm xây dựng thói quen rèn luyện thể chất, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm.
Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Trần Văn Mạnh phát biểu tại Hội thảo
Tại Việt Nam, dự án bước đầu sẽ được triển khai tại tỉnh Nghệ An, hướng đến mục tiêu góp phần giảm tình trạng thiếu vận động thể chất và tăng cường sự tham gia vào các chương trình thể thao cộng đồng, qua đó nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân trong cộng đồng. PATH sẽ tiên phong triển khai sáng kiến này, bắt đầu từ các chương trình thí điểm tại 10 trường học trọng điểm ở Nghệ An. PATH sẽ tổ chức các chương trình và sự kiện cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của hoạt động thể chất; Đồng thời, phát huy những thành công của các dự án trước đó, PATH sẽ áp dụng các phương pháp sáng tạo để thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Được sự ủng hộ của Cục TDTT và Ủy ban Olympic Việt Nam, sáng kiến đặt mục tiêu trở thành một mô hình thành công. Những bài học kinh nghiệm và mô hình hiệu quả sẽ được nhân rộng, triển khai tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua hoạt động thể thao.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Trần Văn Mạnh nhấn mạnh: Dự án không chỉ là một sáng kiến thể thao thông thường, mà còn mang đến những giá trị thiết thực nhằm nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, sự phát triển thể thao kết hợp với việc tăng cường ý thức bảo vệ sức khỏe là những nỗ lực quan trọng nhất để phát triển nguồn nhân lực nói chung, thể thao bền vững nói riêng".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, ông Alejandro Calvente, Quản lý Olympism365 - đại diện từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), cho biết: “Việt Nam sẽ trở thành một điển hình tiêu biểu trong việc triển khai sáng kiến này. Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại kinh nghiệm thiết thực về cách kết hợp giữa thể thao và y tế để nhân rộng và duy trì các chương trình thể thao và hoạt động thể chất dựa vào cộng đồng, góp phần đạt được mục tiêu toàn cầu là giảm 15% tình trạng thiếu vận động thể chất vào năm 2030.
Các hoạt động thử nghiệm sẽ được triển khai, cung cấp dữ liệu thực chứng cần thiết, các thực hành hiệu quả và bài học kinh nghiệm để nhân rộng sáng kiến này. Dự án được phát triển dựa trên Chiến lược Olympism365 của IOC và Kế hoạch Hành động toàn cầu về hoạt động thể chất 2018–2030 (GAPPA) của WHO, đồng thời cũng được triển khai tại Nepal, Tanzania, Ghana và Peru”.
Tiến sĩ Angela Pratt, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: năm 2024, tỷ lệ thiếu vận động thể chất trên toàn cầu vẫn ở mức đáng báo động, với 31% người trưởng thành không tham gia vận động thể chất đủ, tương đương 1,8 tỷ người trên thế giới. WHO dự báo nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, tỷ lệ này có thể tăng đến 35% vào năm 2030, cụ thể hơn là 38% ở nữ giới và 32% ở nam giới. Việt Nam cũng đang chứng kiến thực trạng đáng lo ngại không kém. Thống kê từ một khảo sát gần đây cho thấy khoảng 25% người trưởng thành ở Việt Nam không tham gia vận động đủ.
Tình trạng ít vận động còn thể hiện rõ hơn ở nhóm thanh thiếu niên trên thế giới và tại Việt Nam. Trên thế giới, 81% thanh thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi không vận động đủ . Riêng tại Việt Nam, chỉ 1 trong 4 thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi đạt mục tiêu vận động ít nhất một giờ mỗi ngày. Xu hướng này không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cá nhân mà còn gia tăng áp lực lên hệ thống y tế, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch và ung thư.
“Những con số đáng báo động trên, đặc biệt là ở nhóm thanh thiếu niên, cho thấy sự cấp thiết của việc hợp tác hiệu quả và đầu tư chiến lược vào các chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động thể chất thường xuyên, an toàn và thú vị cho nhóm này. Dù còn nhiều thách thức, nhưng đây cũng là động lực thúc đẩy hành động. Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến này, kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các bên liên quan và cam kết hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo sự thành công và hiệu quả của dự án.”, Tiến sĩ Angela Pratt khẳng định.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động Dự án
Trong năm 2025 và những năm tới, PATH sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác, chính phủ và cộng đồng địa phương để phát triển một mô hình bền vững, giúp tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức ngày càng lớn từ các bệnh không lây nhiễm.”
Sáng kiến “Hợp tác Thể thao vì Sức khỏe cộng đồng” tăng cường hợp tác giữa lĩnh vực thể thao và y tế thông qua các chương trình thể thao cộng đồng, được đồng xây dựng và triển khai bởi các bên liên quan trong cả hai lĩnh vực. Mục tiêu của sáng kiến là khuyến khích sự tham gia tích cực vào các hoạt động thể thao quần chúng một cách có tổ chức, qua đó nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho cộng đồng. Sáng kiến do Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng và được triển khai bởi PATH. Thông qua chương trình Olympism365, IOC cùng với WHO và PATH hỗ trợ thực hiện các dự án thể thao cộng đồng tiêu biểu, với sự tham gia của các cơ quan y tế và thể thao của các quốc gia. Hiện tại, sáng kiến được triển khai tại Ghana, Peru, Tanzania, Nepal, Việt Nam và sẽ mở rộng sang các quốc gia khác trong tương lai.
Tại Việt Nam, sáng kiến sẽ được thực hiện tại tỉnh Nghệ An từ năm 2024 đến 2026, với mục tiêu giảm 15% tình trạng thiếu vận động và cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần trong cộng đồng.
Sáng kiến được triển khai thông qua bốn nhóm hoạt động chính:
• Truyền thông và nâng cao nhận thức
• Tăng cường năng lực cho các chuyên gia trong lĩnh vực thể thao và y tế
• Tổ chức và thúc đẩy các hoạt động thể chất tại trường học và cộng đồng
• Phát triển, chia sẻ và nhân rộng các mô hình thể thao hiệu quả, phù hợp và bền vững cho thanh thiếu niên.
|
A.T, ảnh BTC