Theo bản thuyết minh dự thảo, tính đến thời điểm hiện tại, Leo núi thể thao chỉ có 02 văn bản pháp quy được ban hành đó là: Quyết định số 1581/QĐ-TCTCTT ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Tổng cục TDTT về việc ban hành Luật thi đấu Leo núi Thể thao và Thông tư số 28/2018/TT-BVHTTDL ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Bộ VHTTDL quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Leo núi thể thao. Bên cạnh đó còn có một số sách hướng dẫn kỹ thuật Leo núi thể thao nhằm giảm thiểu những chấn thương có thể xảy ra.
Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại Hội Nghị
Qua khảo sát sơ bộ cho thấy, hiện nay các cơ sở trong nước sử dụng các thiết bị Leo núi thể thao chủ yếu là từ nguồn hàng ngoại nhập (Áo, Ý, Hàn Quốc…) và hầu hết các sản phẩm nhập đều theo các tiêu chuẩn của EN, BS hoặc DIN. Tuy nhiên, khi tham khảo các tiêu chuẩn của BS và DIN cho thấy các tiêu chuẩn của các nước sử dụng BS và DIN đều căn cứ theo tiêu chuẩn EN để xây dựng cho tiêu chuẩn quốc gia mình. Do vậy, việc xác định các tiêu chí kỹ thuật, lấy mẫu thử nghiệm tính an toàn của thiết bị trong điều kiện trang thiết bị đó lưu hành tại điều kiện khí hậu và thể trạng con người Việt Nam để xác định mức độ phù hợp, chuẩn xác của các tiêu chí kỹ thuật trong nội dung dự thảo QCVN làm cơ sở để các cơ quan quản lý kiểm tra, đánh giá cũng như xếp loại các sản phẩm về các thiết bị trang thiết bị sử dụng tại cơ sở tập luyện và thi đấu môn Leo núi thể thao. Từ đó, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng về yếu tố an toàn, hiệu quả và phù hợp với đặc điểm tập luyện, thi đấu.
Bà Phạm Thị Phương Thảo – Phó trưởng ban tiêu chuẩn, Ủy ban tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quốc gia chia sẻ về những thắc mắc của doanh nghiệp
Trên tinh thần cầu thị, cởi mở, Hội nghị đã nhận được nhiều câu hỏi từ các doanh nghiệp, công ty, câu lạc bộ về các quy định, yêu cầu đúng chuẩn đối với trang thiết bị tập luyện và thi đấu môn Leo núi thể thao. Cùng với đó là những quy định trong kiểm định chất lượng, nguồn nhập trang thiết bị, phụ kiện phục vụ cho môn thể thao này.
Bà Phạm Thị Phương Thảo – Phó trưởng ban tiêu chuẩn, Ủy ban tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quốc gia đã có những chia sẻ: Việc xây dựng QCVN làm cơ sở để các cơ quan quản lý, đồng thời là căn cứ xây dựng Thông tư để hướng dẫn cho cá nhân và tổ chức trong quá trình sản xuất và sử dụng, từ đó đảm bảo quyền lợi của người sử dụng về yếu tố an toàn, hiệu quả và phù hợp với đặc điểm tập luyện, thi đấu.
Đối với người tiêu dùng, quy chuẩn này sẽ giúp họ giảm bớt tốn kém về thời gian và tiền bạc khi quyết định lựa chọn sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ; sẽ là công cụ bảo vệ họ khi quyền lợi của họ bị xâm phạm khi mua phải sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ kém chất lượng.
Toàn cảnh Hội nghị
Đối với doanh nghiệp, quy chuẩn không chỉ mang lại các lợi ích nội tại (giảm chi phí sản xuất và nghiên cứu, giảm tỷ lệ sản phẩm phi tiêu chuẩn và mức độ rủi ro, tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin,...) mà còn mang lại những lợi ích về cải thiện mối quan hệ với nhà cung cấp, nâng cao vị thế cạnh tranh, thúc đẩy sự hợp tác, liên kết trong sản xuất - kinh doanh; đảm bảo với khách hàng về sự phù hợp của sản phẩm với yêu cầu chất lượng chấp nhận.
Để đạt được mục đích đặt ra, quá trình xây dựng QCVN về an toàn đối với trang thiết bị sử dụng tại cơ sở tập luyện và thi đấu môn Leo núi thể thao, ban soạn thảo dự thảo cần phải đáp ứng các mục tiêu quản lý như: Đảm bảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, việc xây dựng QCVN cần được chứng nhận và công bố hợp quy và đảm bảo các yêu cầu hài hòa trong khuôn khổ hợp tác quốc tế và khu vực.
Lắng nghe, ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp từ các đại biểu dự họp, Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh khẳng định: tổ soạn thảo sẽ sớm hoàn thiện dự thảo trong thời gian sớm nhất để sớm trình lên Bộ VHTTDL phê duyệt, ban hành. Đáng nói, quy chuẩn này khi áp dụng thực tiễn sẽ góp phần tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý hoạt động về lĩnh vực TDTT.
N. Hương, Ảnh: V. Duy