Bóng bàn Việt Nam - tìm nguồn xã hội hóa để tiến xa hơn

Trong vài năm trở lại đây, Bóng bàn Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ tại đấu trường SEA Games và các giải đấu khu vực. Tuy nhiên, khi bước ra đấu trường châu lục (ASIAD) hay các giải đấu vòng loại Olympic, các tay vợt Việt Nam vẫn chưa thể tạo được đột phá chuyên môn và vẫn còn những khoảng cách nhất định về thành tích.

Xác định được trình độ ở thời điểm hiện tại cũng như tiềm năng phát triển, trong thời gian qua, các nhà quản lý bộ môn, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam vẫn đang nỗ lực tìm hướng đi mới. Trong đó, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng thêm nguồn kinh phí đầu tư cho công tác đào tạo trẻ hay tăng cường cơ hội cọ xát, học hỏi, nâng cao trình độ cho VĐV đỉnh cao thông qua các chuyến tập huấn và thi đấu quốc tế được tổ chức trong nước và nước ngoài.

Ghi nhận thành tích ở đấu trường khu vực

Nhìn vào các giải đấu khu vực diễn ra gần đây, các VĐV Bóng bàn Việt Nam tham dự có trình độ chuyên môn khá tốt, đủ năng lực để cạnh tranh sòng phẳng với những tay vợt mạnh trong khu vực. Hay ngay cả tuyến VĐV trẻ cũng đang dần khẳng định được vị thế và tạo được dấu ấn tốt về thành tích ở các giải đấu, nhóm các lứa tuổi trẻ khác nhau.

Tuyển trẻ Bóng bàn Việt Nam thi đấu ấn tượng tại giải trẻ Đông Nam Á (Ảnh VTTF)

Minh chứng gần nhất là tại giải vô địch Bóng bàn trẻ Đông Nam Á 2024 vừa qua, các tay vợt Việt Nam đã giành quyền tham dự giải vô địch trẻ châu Á 2024. Đây là thành tích tốt nhất từ trước đến nay của Bóng bàn trẻ Việt Nam. Trong đó, VĐV trẻ Duy Phong đã xuất sắc giành HCV đơn nam U19 khi giành chiến thắng thuyết phục trước tay vợt Nicholas Tan của Singapore. Tấm HCV của Duy Phong đã góp phần tạo nên cái kết rực rỡ cho Bóng bàn Việt Nam tại giải năm nay với thành tích tốt hơn năm ngoái cả về số lượng và chất lượng khi giành được 3 HCV, 3 HCB, 4 HCĐ.

Đối với nhóm VĐV đỉnh cao (thuộc đội tuyển quốc gia), sau tấm HCV đáng nhớ tại SEA Games 32 của cặp đôi Mai Ngọc và Anh Hoàng, các tay vợt Việt Nam liên tiếp chơi ấn tượng ở các giải trong nước và quốc tế. Ở vòng loại Olympic môn Bóng bàn khu vực Đông Nam Á (diễn ra từ ngày 8 -10/5 vừa qua) tại Thái Lan, dẫu không giành vé chính thức dự Olympic Paris 2024, song VĐV Nguyễn Khoa Diệu Khánh đã lọt vào chung kết nội dung đơn nữ. Đây là thành tích rất đáng ghi nhận của các tay vợt nữ Việt Nam ở đấu trường quốc tế. Trong khi đó, ở nội dung dành cho nam VĐV Đinh Anh Hoàng cũng đã tiến vào bán kết, nhưng thua đối thủ Thái Lan và dừng bước.

Các VĐV của tuyển Bóng bàn Việt Nam (đội tuyển cũng như đội tuyển trẻ) chủ yếu tập luyện trong nước, mật độ thi đấu quốc tế và tập huấn tại nước ngoài chưa nhiều so với các quốc gia cùng khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, nhưng đã cho thấy rõ sự tiến bộ về chuyên môn và đang ngày càng khẳng định được vị thế trong khu vực. Nếu có sự đầu tư mạnh mẽ hơn và được sự đồng hành, quan tâm từ các nhà tài trợ, mạnh thường quân, chắc chắn Bóng bàn Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn trong tương lai.

Tìm nguồn đầu tư từ xã hội hóa 

Để vươn tầm châu lục và xa hơn là có thể giành suất dự Olympic, không chỉ ở môn Bóng bàn và ở nhiều môn Thể thao khác rất cần những cơ hội thi đấu cọ xát quốc tế, xây dựng tuyến lực lượng bài bản...

Ông Phan Anh Tuấn - Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cho biết: tại vòng loại Olympic và ASIAD 19 (2023), Bóng bàn Việt Nam đều có VĐV vào đến bán kết và chung kết. Do đó, mục tiêu giành huy chương tại đấu trường châu Á trong không phải là quá tầm.

Đội tuyển Bóng bàn Việt Nam tham dự vòng loại Olympic Paris 2024 khu vực Đông Nam Á (Ảnh: VTTF)

Thời gian tới, ban huấn luyện sẽ cho các vận động viên thi đấu các giải Pro Tour (giải đấu tính điểm trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng bàn thế giới) để tăng cường cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn. Việc thi đấu nhiều giải quốc tế sẽ giúp các tuyển thủ tích lũy điểm số trên bảng xếp hạng và thuận lợi hơn ở các kỳ giải quốc tế trong việc bốc thăm, chọn hạt giống.

Chia sẻ về vấn đề này, HLV đội tuyển Bóng bàn quốc gia Đoàn Kiến Quốc cho rằng: do nguồn kinh phí nhà nước đầu tư cho bộ môn còn khá hạn hẹp, Bóng bàn Việt Nam cần mạnh dạn tìm kiếm nhiều nguồn lực đầu tư hơn nữa để VĐV có thêm cơ hội tham gia thi đấu tại các giải quốc tế.

Để Bóng bàn Việt Nam ngày càng phát triển, ngoài những giải pháp thiết thực, trong đó không ngừng nỗ lực tìm nguồn kinh phí xã hội hóa, xây dựng quỹ tài trợ, giúp các VĐV, nhất là những VĐV tiềm năng tăng cơ hội thi đấu quốc tế là mục tiêu mà Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đang hướng tới.

BK

Ảnh trong bài
  • Bóng bàn Việt Nam - tìm nguồn xã hội hóa để tiến xa hơn
  • Bóng bàn Việt Nam - tìm nguồn xã hội hóa để tiến xa hơn