Bóng chuyền Việt Nam trước thềm SEA Games 25

Có thể khẳng định, sự chuẩn bị không chỉ bắt đầu trong năm nay mà kể từ lúc kết thúc SEA Games 24 – 2007 tại Thái Lan, cho dù thành tích của BCVN tại kỳ Đại hội này có tốt hơn khi đội tuyển nam Bóng chuyền trong nhà lần đầu tiên sau nhiều năm đã quật ngã đội chủ nhà Thái Lan để giành HCB. Các giới chức có trách nhiệm của BCVN đã phải có những sự tính toán - đặc biệt là về lực lượng, về công tác huấn luyện... Tuy nhiên, hai năm là quãng thời gian không nhiều và chưa đủ để cải thiện những mặt hạn chế, yếu kém vẫn còn hiện hữu của một môn thể thao nào đấy, trong đó có Bóng chuyền.


Bóng chuyền VN đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt lực lượng VĐV kế cận(Ảnh: DThu)

Cũng như các năm diễn ra Đại hội Thể thao khu vực ĐNA (SEA Games) trước đây, tất cả các lịch hoạt động của Bóng chuyền Việt Nam (BCVN) đều tập trung vào mục tiêu giành thành tích tốt nhất cho các ĐTQG nam, nữ Bóng chuyền trong nhà và Bóng chuyền bãi biển (BCBB) tại Đại hội, như các giải đấu trong hệ thống quốc gia kết thúc sớm để dành quỹ thời gian nhiều hơn những đợt tập huấn của các đội tuyển, lịch thi đấu quốc tế của các đội tuyển sẽ được tính toán một cách hợp lý...

Xét về tương quan lực lượng của BCBBVN so với khu vực, HLV trưởng Huỳnh Thanh Sơn cho biết: nếu được tập trung xuyên suốt kể từ bây giờ, đội nam với cặp VĐV chủ lực Phạm Cao Sơn - Nguyễn Minh Thiện (Tân Bình TPHCM) có thể giành HCB, vì ngoài Indonesia cực mạnh, VĐV của các quốc gia còn lại như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam có trình độ khá cân bằng. Tương tự, về phía nữ, ngoài đội Thái Lan luôn thống trị trong khu vực, cặp số 1 VN Phan Thị Cẩm Hồng - Huỳnh Đỗ Hồng Loan (Tân Bình TPHCM) cũng chỉ có thể tranh chấp HCB và HCĐ với các đối thủ đến từ Malaysia và Indonesia. Tuy nhiên, cũng theo ông Huỳnh Thanh Sơn, đấy là chỉ xét về lý thuyết dựa trên năng lực hiện có, còn thực tế lại khó khăn hơn nhiều vì phải phụ thuộc vào sự may rủi khi bốc thăm chia nhánh, bởi mỗi quốc gia được cử đến 2 đội nam, 2 đội nữ nên nếu chẳng may lọt vào nhánh sớm gặp các cặp mạnh nhất của nam hoặc nữ, có khi VN phải…”trắng tay”!.

Trong khi đó, Bóng chuyền trong nhà cũng khó thể “mơ Vàng” nếu nhìn vào thực lực hiện có của BCVN. Đội tuyển nữ sau thời điểm tạm vắng những trụ cột xuất sắc trước đây như: Phạm Thị Kim Huệ (Thông tin Trust Bank), Đặng Thị Hồng (BĐHN), Trần Thị Thu Hiền (Quảng Ninh) nay lại thêm hai chủ công Bùi Thị Huệ, Lê Thị Mười (PV Oil Thái Bình) vừa lập gia đình, thì với những cầu thủ tốt nhất như Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh (Thông tin Trust Bank), Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Đinh Thị Diệu Châu (BĐLA), Nguyễn Thị Xuân (NHCTVN), cùng một số gương mặt trẻ nhiều triển vọng trong thời gian gần đây như: Đào Thị Huyền, Phạm Thị Thu Trang, Tạ Thị Diệu Linh (Thông tin Trust Bank), Đinh Thị Trà Giang (VietSov Petro), Nguyễn Thị Hưong, Nguyễn Thị Hải Đường (Phòng không Không quân)... thì Bóng chuyền Việt Nam cũng không khó để tiếp tục giành…HCB SEA Games 25 sau người Thái.

Chỉ có điều, dường như khoảng cách chênh lệch về trình độ giữa hai phía ngày càng xa hơn, bởi ở Cúp BCVĐ Châu Á lần I hồi tháng 9/2008 tại Bangkok, tuy Việt Nam đạt hạng 6, nhưng ngay sau đó khi ở lại dự tiếp giải Cúp Bóng chuyền Hoàng Hậu Thái Lan, tuyển Việt Nam thua đội hình B của Thái  gồm toàn các cầu thủ trẻ của họ với tỉ số 0 – 3 (theo trọng tài Quốc tế Nguyễn Văn Hùng - TPHCM, người có mặt suốt tại hai giải này, thì trước đó các cầu thủ tuyển A Thái Lan sang thi đấu theo lời mời của một số CLB ở châu Âu).

Trong khi đó, sau khi xuất sắc vượt qua Thái Lan tại SEA Games 24 – 2007, có thể thấy đội tuyển nam Việt Nam hiện nay có vẻ…yếu hơn, bởi ngoài chủ công số 1 Ngô Văn Kiều (Sanest Khánh Hòa) ngày càng tỏa sáng bên cạnh một Nguyễn Hữu Hà (Tràng An Ninh Bình), Nguyễn Trường Giang (Bến Tre), Lê Long Giang (Tập đoàn Dầu khí QGVN) vẫn duy trì phong độ tốt, thì do đã lớn tuổi nên hầu hết các tuyển thủ còn lại như: Phạm Minh Dũng (SN 1980), Nguyện Duy Quang (1981), Phạm Văn Thành (1982) của Thể Công, Huỳnh Văn Tuấn (HLLA, 1980) đều đang có biểu hiện sang phía bên kia triền dốc.

Phía sau thế hệ tuyển thủ có thâm niên gần chục năm trong đội tuyển này hiện chỉ có vài gương mặt trẻ triển vọng tốt như: Lê Quang Khánh, Phạm Hữu Trường (HLLA), Nguyễn Hoàng Thương (Vĩnh Long, đã đầu quân cho Thép Việt TPHCM), Trần Kim Long (Thép Việt TPHCM), Giang Văn Đức (TANB)... nhưng số này lại chưa từng được vào đội tuyển bao giờ!. Tuyển nam Việt Nam sẽ tiếp tục đương đầu với Thái Lan nhưng chưa chắc sẽ giành phần thắng như kỳ SEA Games trước. Bởi hiện tại, người Thái không chỉ tiếp tục đầu tư cho Bóng chuyền nữ vươn lên tầm thế giới mà đội tuyển nam của họ cũng bắt đầu chuyển từ lối chơi biến hóa của các cầu thủ tầm thấp, sức bật cực tốt trước đây như: Wanchai Tabwises (Thép Việt TPHCM, cao 1,84m) sang lối chơi có tính kỷ luật cao, sử dụng dần lứa cầu thủ có chiều cao, thể hình rất tốt, điển hình như Kitsada (Thép Việt TPHCM năm 2006, cao 1,97m), Kittikuwn Somporn (QK9, 1,94m), Ponsakorn Nimawan (Bến Tre, 1,92m) và một số cầu thủ trẻ của Không lực Hoàng gia Thái Lan (đều cao khoảng 1,95m - 1,97m)...  mà ngay cả đối với ĐKVĐ SEA Games 24 là Indonesia.

Ông Huỳnh Thúc Phong – HLV trưởng S. KH nhắc lại một chi tiết ở trận CK hồi 2 năm trước trên đất Thái: “Cặp cầu thủ khổng lồ lại có sức bật rất tốt Yoko (cao 1,98m) và Affan (cao 1,97m) là hai khắc tinh của Ngô Văn Kiều (cao 1,96m) khi họ “bịt kín” mỗi khi anh ấy có bóng. Điều thú vị ít ai biết là sau kỳ SEA Games này, vì “ghét” Affan cứ “đeo bám”, cản trở mình nên chính Kiều đề nghị lãnh đạo CLB S. KH hợp đồng với…Affan về để “bịt” các cầu thủ ở các CLB khác của VN”.

Còn Ngô Văn Kiều?. qua thời gian thi đấu cho CLB Samato Group (ĐKVĐ Indonesia), anh cho biết: “Các cầu thủ BC Indonesia chẳng những có ưu thế về chiều cao, sức bật mà còn tổ chức phòng thủ trên lưới rất chặt chẽ. Tôi luôn gặp khó khăn trước dàn chắn của họ”.

Rõ ràng, trong thời điểm “Tre đã…già, mà măng lại còn non” như hiện nay của BCVN, nếu không xây dựng được một lối chơi hợp lý, nhằm khai thác tối đa hiệu quả thi đấu của chừng ấy cầu thủ lớn tuổi xoay quanh một số “ngôi sao“ như Ngô Văn Kiều hay Nguyễn Hữu Hà, tuyển nam Việt Nam sẽ sớm bị bắt bài và khi ấy, khó khăn gấp bội phần tại kỳ SEA Games 25 là điều có thể thấy trước.

Ước mơ giành HCV của BCVN tại SEA Games 25 tới chính vì thế mà khó có thể trở thành hiện thực, điều mà cả ngay sau khi được tín nhiệm bầu vào vị trí Tổng Thư ký LĐBCVN nhiệm kỳ mới hồi trung tuần tháng 12/2008, Tiến sĩ Trần Đức Phấn cũng đã khẳng định: “ Trong Đại hội, nguyên TTK Hà Mạnh Thư đặt mục tiêu đoạt HCV của BCVN vào năm 2011, song thực tế với lực lượng hiện có của cả BC trong nhà và BCBB, liệu ta có thể đạt nổi chỉ trong vòng 2 năm nữa hay không?. Tuy mục tiêu chung là phải làm hơn khóa trước nhưng có kinh phí mới chỉ là điều kiện cần, chúng ta phải tập trung lực lượng tốt nhất, thuê chuyên gia giỏi thì ít nhất là phải hết nhiệm kỳ này mới đạt được mục tiêu đoạt HCV ĐNA”. 

Thanh Tùng (Sở VH,TT&DL Bến Tre)
 


Ảnh trong bài
  • Bóng chuyền Việt Nam trước thềm SEA Games 25