Cờ Vua Thừa Thiên Huế: Không “thực” vẫn vực được “đạo” ?!

Để tham dự giải Cờ Vua các nhóm tuổi Đông Nam Á mở rộng lần X-2009, mỗi VĐV phải đóng 160 USD lệ phí. Do điều kiện kinh phí hạn hẹp, một số VĐV “đàn anh, đàn chị” của đoàn Thừa Thiên Huế chấp nhận “nhường cơm, sẻ áo” cho “đàn em” nhằm giúp lứa kế cận góp một phần sức vào thành công chung cũng như có điều kiện cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm tại giải đấu mang tầm quốc tế được tổ chức trên chính quê hương của mình.

Để đứng trên bục vinh quan (Như Ý, đứng thứ 2 từ trái qua phải) cùng đồng đội phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách (Ảnh: Võ Nhân)

Bề nổi

Với tư cách là địa phương đăng cai giải Cờ Vua các nhóm tuổi Đông Nam Á mở rộng lần X-2009, Thừa Thiên Huế đã để lại trong mắt bạn bè quốc tế khá nhiều điểm nhấn. Đó là sự chu đáo trong công tác tổ chức, chuẩn bị đón tiếp; là tính hiếu khách, thân thiện của người dân xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt, những tiết mục văn hoá, văn nghệ trong buổi khai mạc và bế mạc được tổ chức ấn tượng và hoành tráng nhất từ trước đến nay. Đây cũng chính là cảm tưởng chung của nhiều VĐV tham dự giải.

Khách quan mà nói, trong những ngày diễn ra giải, khó có thể tìm được lời phàn nàn từ phía các VĐV về công tác tổ chức, trang thiết bị, địa điểm thi đấu… Đây là điều đáng mừng. Bởi, đó sẽ là tiền đề cũng như khẳng định được năng lực để Thừa Thiên Huế tiến tới đăng cai, tổ chức những giải đấu mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, góp phần không nhỏ trong việc phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh nhà cũng như quảng bá văn hoá và phát triển du lịch.

Thành công nối tiếp thành công, kết thúc giải Cờ Vua các nhóm tuổi Đông Nam Á mở rộng lần X-2009, đoàn Thừa Thiên Huế đã đóng góp tới 12 HCV trong tổng số 80 HCV đoàn Thể thao Việt Nam giành được. Nổi bật và đáng tự hào nhất là việc sau khi vô địch nội dung cờ tiêu chuẩn (U20), nữ kỳ thủ Như Ý đã góp phần làm rạng danh tỉnh nhà khi được Liên đoàn Cờ Thế giới phong tặng danh hiệu Kiện tướng Quốc tế và được Tổng cục TDTT đài thọ toàn bộ chi phí tại giải Vô địch Châu Á tổ chức tại Ấn Độ vào tháng 8 tới.

Được biết, ngoài Bảo Trâm được phong tặng danh hiệu Đại Kiện tướng Quốc tế thì Cờ Vua Huế đã có 3 kỳ thủ được phong tặng danh hiệu Kiện tướng Quốc tế, đó là: Thuận Hoá, Thanh Khiết, Thanh Sơn và nay có thêm Như Ý.

…và phần chìm của tảng băng

Tại giải này, đoàn Hà Nội giành được 35 HCV, còn thành phố Hồ Chí Minh là 33 HCV. Hai đoàn nói trên có một điểm chung, đó là số lượng đăng ký thi đấu đông và số HCV đều rơi vào các lứa tuổi nhi đồng. Trong khi đó, mang tiếng là địa phương đăng cai nhưng số VĐV thi đấu của Huế chỉ vỏn vẹn 13 VĐV. Và điều đáng nói, trong số 12 HCV mà đoàn Thừa Thiên Huế giành được, Như Ý và Kim Phụng đã đóng góp tới 10 HCV. Một mặt, số HCV nói trên phần nào khẳng định được thực lực của hai nữ kỳ thủ xứ Huế trên trường Quốc tế, nhưng mặt khác điều đó cũng nói lên rằng, phải chăng, lực lượng kế cận của Cờ Vua Huế quá thiếu và yếu so với tỉnh, thành bạn.

Trao đổi với báo giới, HLV Bảo Tài - Trưởng bộ môn Cờ Thừa Thiên Huế cho rằng, kinh phí chính là bài toán nan giải. Mang danh là VĐV cấp I, là Kiện tướng Quốc gia, Quốc tế nhưng chế độ dành cho Bảo Trâm, Như Ý chí có 12.000 đồng/ngày, lương cũng chỉ 600.000 đồng/tháng. Chế độ cho những VĐV còn lại chỉ ở mức dưới 10.000 đồng/ngày. Chế độ đãi ngộ thấp như vậy nên khó có phụ huynh nào muốn con em của họ gắn bó với nghiệp Cờ Vua.

HLV Bảo Tài tâm sự: “Nếu được đầu tư hơn, tôi tin thực lực và lực lượng kế cận của Cờ Vua Huế không hề kém Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh và nếu được thi đấu các giải quốc tế nhiều hơn, danh hiệu của Như Ý phải là Đại Kiện tướng Quốc tế”.

Theo quy định của Liên đoàn Cờ Quốc tế, mỗi VĐV tham dự giải quốc tế phải đóng 160 USD (khoảng 3 triệu đồng). Đó quả là một số tiền không nhỏ. Và với số tiền 29 triệu đồng “khoán” chia đều cho 13 VĐV, nếu muốn thi đấu, đóng góp thành tích cho tỉnh nhà cũng như có cơ hội cọ xát tại các giải đấu lớn, các VĐV Thừa Thiên Huế phải đóng thêm một người 1 triệu đồng... Và như vậy, trong những ngày đấu trí căng thẳng, VĐV Huế chấp nhận khá nhiều thiệt thòi so với các đoàn bạn khi hành trang lận lưng chỉ là…niềm tin.

Vẫn biết, vì màu cờ sắc áo, đôi lúc VĐV phải biết hi sinh, chấp nhận đánh đổi rất nhiều. Nhưng điều này không có nghĩa: không “thực” vẫn luôn vực được “đạo”.

Võ Nhân


Ảnh trong bài
  • Cờ Vua Thừa Thiên Huế: Không “thực” vẫn vực được “đạo” ?!