Kabaddi - môn thể thao hấp dẫn

Đại hội thể thao Châu Á trong nhà lần thứ III (AIG III) do Việt Nam đăng cai sẽ diễn ra từ 30/10 - 7/11 tại 6 địa điểm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Ninh. Bên cạnh những môn thể thao quen thuộc như: Điền kinh, Pencak Silat, Cầu mây, Bơi... trong tổng số 20 thi đấu chính thức (1 môn biểu diễn) tại Đại hội lần này còn có một số môn khá mới mẻ, trong đó có Kabaddi. Để giúp bạn đọc có thể mường tượng và hiểu hơn về môn thể thao mới mẻ này, dưới đây là những giới thiệu hết sức khái quát với những nét cơ bản về Kabaddi...

Kabaddi thông thường

Kabaddi là một môn thể thao thi đấu với 07 VĐV ở mỗi bên, chơi trong thời gian 40 phút với 5 phút nghỉ giải lao ở giữa (20 – 5 – 20). Ý tưởng của trò chơi là ghi điểm bằng cách tấn công vào sân của đối phương và chạm vào càng nhiều đối thủ càng tốt mà không bị bắt. Người tấn công vừa hô Kabaddi!!! Kabaddi!!! Kabaddi!!! vừa tấn công sang sân đối phương và cố gắng chạm vào đối phương gần nhất với mình, trong khi 7 đối phương lại cố bắt giữ người tấn công. Kabaddi là trận đấu của 1 người chống lại 7 người. Những VĐV ở phía bên kia được gọi là “phòng thủ” (Antis), VĐV của bên tấn công được gọi là “người tấn công” (Raider). Tấn công trong Kabaddi được gọi là “Raid”. Người phòng thủ mà bị người tấn công chạm vào trong khi tấn công sẽ bị loại (Out) nếu họ không bắt được người tấn công trước khi người tấn công quay trở về sân nhà. Các VĐV bị out chỉ được trở lại trận đấu nếu đội của họ ghi được điểm chống lại đội kia khi đến lượt tấn công hoặc nếu các VĐV còn lại bắt giữ được người tấn công của đội bạn. Kabaddi có nguồn gốc từ thời xa xưa dưới các dạng khác nhau.

Kabaddi hiện đại, phổ biến ở các nước Nam Á từ năm 1930 theo các cách thức khác nhau. Liên đoàn Kabaddi Nghiệp dư Châu Á (AAKF) được thành lập vào năm 1978. Giải Vô địch Kabaddi Châu Á lần thứ I được tổ chức vào năm 1980 và được đưa vào chương trình biểu diễn trong Á vận hội lần thứ 9 tại New Delhi năm 1982. Kabaddi đã được đưa vào nội dung thi đấu của Liên đoàn Nam Á từ năm 1984 tại Dacca, Bangladesh. Kabaddi được đưa vào Á Vận hội lần thứ 11 tại Bắc Kinh năm 1980, Hirosima năm 1984, Bangkok năm 1998, Busan năm 2002 và Doha năm 2006 như một môn thể thao bình thường. Liên đoàn Kabaddi quốc tế (IKF) được thành lập năm 2004. Giải Vô địch nữ Châu Á lần thứ nhất đã diễn ra tại Hyderabad năm 2005 và Kabaddi nữ lần đầu tiên được đưa vào Giải thi đấu Nam Á tổ chức tại Colombo, Sri Lanka năm 2006. Cup thế giới lần thứ 2 được tổ chức lại Ấn Độ năm 2007.

Thi đấu Kabaddi luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả
(Ảnh: Internet)

Kabaddi trong nhà

Kabaddi trong nhà là một dạng mới của Kabaddi thông thường, đã được đưa thành môn thi đấu chính tại Á vận hội trong nhà lần thứ II tổ chức tại Macao năm 2007 dành cho nam giới. Kabaddi trong nhà được chơi trên thảm với mỗi đội gồm 7 VĐV: 5 VĐV chính thức và hai VĐV dự bị. Sân chơi có kích thước 11 x 9m, được vạch giữa chia làm hai nửa bằng nhau. Với Kabaddi trong nhà thì không có vạch cản (baulk line) hay vạch thưởng (bonus line). Thời gian diễn ra trận đấu là 2 hiệp mỗi hiệp 15 phút với 5 phút nghỉ giải lao [15 – 5 – 15].

Mỗi đợt tấn công có hiệu quả chỉ kéo dài 30 giây và nếu người tấn công trở về mà không ghi điểm, thì đội phòng thủ sẽ ghi được 01 điểm. Kabaddi trong nhà không áp dụng luật VĐV ra sân và trở lại sân như trong Kabaddi thông thường.

Kabaddi bãi biển

Kabaddi bãi biển là một dạng khác của Kabaddi đã được đưa thành một nội dung chính trong Á vận hội bãi biển lần thứ I tại Bali năm 2008 (dành cho cả nam và nữ). Kabaddi bãi biển được chơi trên cát, ngoài trời với 6 người mỗi bên gồm 4 VĐV chính thức và 2 VĐV dự bị. Sân chơi có kích thước 11 x 7m dành cho nam và 10 x 6m dành cho nữ được vạch giữa chia làm hai nửa bằng nhau. Thời gian diễn ra trận đấu là hai hiệp mỗi hiệp 15 phút và 5 phút nghỉ giải lao [15 – 5 – 15].

Kabaddi bãi biển không áp dụng luật ra sân và trở lại sân như Kabaddi thông thường.  Không có vạch cản (baulk line), vạch thưởng (bonus line) và hành lang như Kabaddi bãi biển. Kabaddi bãi biển trở nên phổ biến vì dễ chơi, hấp dẫn và không đòi hỏi trang thiết bị (được chơi trên bãi biển tự nhiên ngoài trời - PV). Kabaddi thông thường, Kabaddi trong sân và Kabaddi bãi biển có luật chơi khác nhau, yêu cầu hậu cần khác nhau, yêu cầu sân bãi khác nhau và số lượng người chơi cũng khác nhau. Tuy nhiên, điểm giống nhau của chúng là sức thu hút cộng đồng bởi tất cả các dạng Kabaddi này đều đòi hỏi kỹ năng, sự thôi thúc và lòng can đảm. Tất cả những dạng Kabaddi này đều chịu sự chỉ đạo của Liên đoàn Kabaddi Nghiệp dư châu Á (AAKF) và Liên đoàn Kabaddi thế giới (IKF).

N. Cường    

Ảnh trong bài
  • Kabaddi - môn thể thao hấp dẫn