Sức sống từ giải Cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội - Việt Nam Challenge 2009

Giải Cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội - Việt Nam Challenge 2009 đã kết thúc tốt đẹp, không chỉ là cơ hội quý báu để các VĐV học hỏi, nâng cao trình độ mà đây còn là một trong những giải đấu tích điểm, giúp các tay vợt cải thiện vị trí của mình trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông thế giới.

Có lẽ chính bởi thế mà dù tiền thưởng không nhiều, nhưng giải vẫn thu hút đông đảo các tay vợt tên tuổi tham dự: Nguyễn Tiến Minh (Việt Nam, 19 thế giới), Smith Andrew (Anh, 20), Imabeppu Kaori (Nhật, 30), Kurniawan Fernando, Lie Lingga (Indonesia, 24)... Như bất cứ giải đấu thể thao nào trên toàn quốc, đặc biệt là giải quốc tế, sau 5 năm gắn bó với đơn vị TPHCM, giải đấu lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Hà Nội vẫn không tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan giải cũng đã có những dấu ấn đặc biệt. 

Chưa khi nào người ta lại thấy NHM Cầu lông theo dõi một giải đấu đông đúc và hào hứng đến thế. Dù chỉ là những trận đấu vòng loại nhưng NTĐ Trịnh Hoài Đức luôn bị phủ kín bởi những dòng người, thậm chí nhiều khán giả còn phải đứng vì hết ghế. Họ hò reo, cổ vũ không ngớt, nhất là những trận đấu có các VĐV Việt Nam tranh tài. Và có lẽ, đỉnh điểm của nó phải kể đến ngày thi đấu cuối cùng với 5 trận chung kết ở tất cả các nội dung. Bãi để xe của NTĐ không còn chỗ, nhiều người đã phải gửi sang phía sân vận động Hàng Đẫy, có những người đến muộn phải sang tận Phố Cát Linh mới gửi được xe... Vất vả là vậy nhưng với thông tin giải có nhiều tay vợt xuất sắc tham dự, Tiến Minh Việt Nam lại lọt vào chung kết đơn nam nên đã có rất đông cổ động viên đến cổ vũ để được sống và tận hưởng niềm vui chiến thắng. Điều đó vô hình chung cũng đã khiến NTĐ Trịnh Hoài Đức như được tiếp thêm sức sống sau nhiều tháng chỉ tổ chức những giải nhỏ, lẻ.

 

Rất đông khán giả tới NTĐ Trịnh Hoài Đức để cổ vũ cho giải (Ảnh: NTH)


Về công tác tổ chức có lẽ còn nhiều điều phải bàn, song cách thức tổ chức khoa học về lịch thi đấu, Trọng tài điều hành giải cho tới việc bố trí ăn, ở, đón đưa các đoàn tới tham dự đều nhận được những phải hồi rất tốt từ phía các đoàn tham dự. Bên cạnh những ngày thi đấu căng thẳng và kịch tính, các tay vợt cũng đã được gặp gỡ, giao lưu và hiểu thêm về mảnh đất ngàn năm văn hiến với những nét văn hoá độc đáo, rất đặc trưng của Hà Thành, của con người Việt Nam. Tất cả những công việc tưởng chừng như đơn giản, chỉ diễn ra trong 5 ngày ấy đã được UBND TP Hà Nội, Tổng cục TDTT, Liên đoàn Cầu Lông Việt Nam, Nhà tài trợ... chuẩn bị công phu trong suốt một thời gian dài. Đó cũng chính là những nỗ lực nhằm không ngừng nâng cao chất luợng công tác tổ chức, điều hành giải mà các Nhà quản lý hướng tới.

Chất lượng chuyên môn được xem là thành công lớn nhất của giải đấu. Không chỉ bởi sự có mặt của nhiều tay vợt hàng đầu khu vực và châu lục mà hơn hết là trình độ của các tay vợt lọt vào vòng trong đều tương đương nhau nên đã cống hiến cho khán giả những trận cầu cân sức và hấp dẫn. Có những ý kiến cho rằng, giải là ngày hội “ lấy Vàng ta đãi Tây” (4/5 giải Vô địch thuộc về các đội quốc tế) là những đánh giá lệch lạc và mang tính chủ quan. Trước hết phải hiểu rằng đây là giải đấu quốc tế có quy mô lớn, sự tham dự của nhiều tay vợt có trình độ hơn các tay vợt của ta là lẽ đương nhiên và mục đích tổ chức giải là để các tay vợt Việt Nam có thêm cơ hội để học hỏi, trải nghiệm, không phải để giành Vàng.

Trước khi giải đấu diễn ra, giới chuyên môn đã đánh giá Việt Nam chỉ có duy nhất Tiến Minh là có cơ hội để lọt vào vòng trong. Và thực tế đã chứng minh, trong tổng số 16 tay vợt lọt vào chung kết, Việt Nam chỉ có 1 đại diện duy nhất là Tiến Minh ở nội dung đơn nam còn các nội dung khác: đôi nam, đôi nam - nữ, đôi nữ, đơn nữ Việt Nam đều bị loại. Mục tiêu bảo vệ chức Vô địch của Tiến Minh đã thành công và đó là sự thành công về chuyên môn đối với BHL đội tuyển tại giải đấu này. Hơn nữa, huy chương được dải đều cho các quốc gia như: Indonesia, Nhật Bản, Thái Lan... đã phản ảnh đúng về trình độ, nội dung sở trường của các quốc gia này, không rơi vào tình trạng một quốc gia "thâu tóm" tất cả vì không thu hút được các VĐV danh tiếng tham dự như một vài giải đấu khác đã vấp phải.

 

Khu vực để xe của NTĐ đã quá tải (Ảnh: NTH)


Một đánh giá nữa mà giới chuyên môn cho là thành công chính là sự tiến bộ nhanh chóng của các tay vợt trẻ. Nhiều VĐV không tên tuổi, không nằm trong bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông thế giới đã thi đấu thành công và gây được bất ngờ lớn. Ví như trường hợp của Intanon Ratchanok (Thái Lan) khi giành chiến thắng thuyết phục 2-0 (21/18, 21/14) trước Christina Elfira (Indonesia, hạt giống số 3, hạng 53 thế giới) để đăng quang ngôi Vô địch. Hay như các tay vợt của nước chủ nhà, dù bị loại từ vòng đầu nhưng đã thi đấu cố gắng, nỗ lực và tiến bộ. Khoảng cánh về điểm số so với các đối thủ đã được rút ngắn rất nhiều, thậm chí có những séc đã giành được chiến thắng...

Nhìn chung trong bối cảnh hiện nay, khi những khó khăn về kinh tế đang "bủa vây" việc có được Nhà tài trợ (Ciputra) cùng với những nỗ lực của BTC để tổ chức thành công giải đấu đã là một điều đáng biểu dương. Hơn thế nữa, những mục tiêu của Cầu lông Việt Nam trong tương lai còn cần rất nhiều sự ủng hộ từ mọi phía, việc tạo được tiếng vang qua giải đấu này chắc chắn sẽ mở ra cho Cầu lông Việt Nam những cơ hội phát triển và vươn mình mạnh mẽ.


Xuân Nhi

Ảnh trong bài
  • Sức sống từ giải Cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội - Việt Nam Challenge 2009