Cần nâng cao chất lượng đội ngũ HLV Bóng đã nữ

Qua 10 ngày làm việc, được đi thực tế tại nhiều CLB, tiếp xúc với nhiều Nhà quản lý, HLV, cầu thủ... bà Monika Staab - chuyên gia tư vấn phát triển Bóng đá nữ của FIFA đã chỉ ra nhiều tiềm năng cũng như một số vấn đề là rào cản cho sự phát triển của Bóng đá nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Bà đánh giá cao về sự nhiệt huyết, tình yêu nghề của những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Bởi với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay (tình hình chung trên toàn thế giới), chế độ cho đội ngũ HLV, VĐV... còn chưa thoả đáng nhưng họ đã hết mình cống hiến cho sự phát triển của Bóng đá nước nhà nói chung và Bóng đã nữ nói riêng. Bà cho biết: Trong số các quốc gia mà bà đã tới khảo sát, Việt Nam là nước đầu tư nhiều nhất cho Bóng đá nữ.

Các cầu thủ của Việt Nam không phải vừa tập vừa làm như các quốc gia khác mà được tập luyện 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó lại nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các Nhà tài trợ, có sân chơi với nhiều giải đấu hấp dẫn nên trình độ cũng ngày một nâng cao. Vì thế, vị trí thứ 30 của Bóng đá nữ Việt Nam trên bảng xếp hạng của FIFA thật chưa xứng đáng cho những gì họ đã bỏ ra. Và bà tin tưởng Bóng Đá nữ Việt Nam có thể đạt được mục tiêu top 20 trong bảng xếp hạng vài năm tới.

Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của Bóng đá nữ Việt Nam. Trước hết là tình trạng khan hiếm cầu thủ. Đây là một thực tế mà theo bà rất khó để giải quyết triệt để, vì quan niệm con gái chơi Bóng đá còn rất nặng nề, đặc biệt ở những nước Phương Đông. Chính vì vậy mà ở Việt Nam các cầu thủ nữ được tiếp xúc với Bóng đá rất muộn (khoảng 15-16 tuổi), thay vì từ 5-6 tuổi như quy trình đào tạo VĐV Bóng đá nữ hiện nay. Nhiều quốc gia đã đưa môn Bóng đá vào trong trường học để phát triển phong trào, đó là một giải pháp hay và thực tế đã khẳng định tính hiệu quả của nó nên bà Monika cho rằng Việt Nam cũng nên lưu ý tới giải pháp này.


Bà Monika trao đổi với báo giới (Ảnh:Minh Đăng)

Trong khi, các giải đấu chính là "linh hồn" cho sự phát triển thì hệ thống giải đấu ở Việt Nam dành cho Bóng đá nữ còn ít, cơ hội cọ xát quốc tế càng ít hơn; số lượng các đội tham dự có hạn nên chưa tạo ra nhiều cơ hội cho các cầu thủ được so tài. Thay vì 2 vòng đấu như giải quốc gia hiện nay đang áp dụng, bà Monika cho rằng Việt Nam nên tăng lên 3 vòng cho giải đấu này, như vậy đòi hỏi các cầu thủ sẽ phải nỗ lực hơn và có thêm những trải nghiệm.

Trong những rào cản phát triển Bóng đá nữ tại Việt Nam, bà Monika đặc biệt nhấn mạnh tới phương pháp huấn luyện của các HLV. Qua quan sát, tìm hiểu bà thấy trong bài tập của các cầu thủ nữ còn rất ít những tình huống thực tế. Nếu buổi tập diễn ra giống như một trận thi đấu chắc chắn sẽ có nhiều áp lực, căng thẳng, đòi hỏi mỗi cầu thủ phải xử lý tình huống nhanh nhạy hơn nên hiệu quả đạt được sẽ cao hơn.

Ngoài ra, bà Monika cũng lưu tâm tới hệ thống cơ sở vật chất cho việc phát triển Bóng đá nữ, sự chênh lệch giữa Bóng đá nam và nữ, mối quan hệ giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam với cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội... để không ngừng nâng cao chất lượng của Bóng đã nữ Việt Nam.

Về phía FIFA, bà Monika khẳng định sẽ còn nhiều chuyến làm việc như thế này tại Việt Nam để phát triển nền Bóng đá của đất nước mà hơn 80 triệu dân đều dành tình yêu cho môn thể thao này; Tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam về công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ HLV.

Để đạt được mục tiêu top 20 trên bảng xếp hạng của FIFA, VFF đã và đang từng bước thực hiện các biện pháp mà một trong số đó là phấn đấu có 8 CLB tham dự giải Vô địch quốc gia; tổ chức các festival Bóng đá nữ nhằm phát hiện các tài năng Bóng đá trẻ cho đội tuyển; đầu tư, xây dựng 2 trung tâm Bóng đá nữ tại Hà Nội và TP.HCM để phát triển Bóng đá nữ.

Xuân Nhi

Ảnh trong bài
  • Cần nâng cao chất lượng đội ngũ HLV Bóng đã nữ