Thể lực VĐV Việt Nam chưa chuẩn bị tốt cho các trận đấu đỉnh cao, đặt biệt khi thi đấu trong thời tiết nắng nóng. Có trực tiếp theo dõi các VĐV bỏ cuộc thì thấy rõ điểm yếu này. Huỳnh Chí Khương không đủ sức để đối đầu với Raturandang ( 4/6, 6/3 và 5/3 rồi bỏ cuộc; trong khi bước vào séc 3, chính Raturandang cũng phải nhờ đến sự trợ giúp của nhân viên y tế). Ngô Quang Huy cũng không đủ sức thi đấu với Lê Quốc Khánh (6/7, 7/5, 6/1) và cũng dễ hiểu khi Lê Quốc Khánh tự thua trước Đỗ minh Quân ( 6/1 và bỏ cuộc).
Từ vòng 1/16 các VĐV đều bắt đầu có tiền thưởng (dù thua) nên khi VĐV bỏ cuộc đều có lý do chính đáng của nó. Thông tin VĐV bỏ cuộc tràn lan trên các báo trong giải Tanimex là sự đánh giá chưa thực sự khách quan, thiếu tính xây dựng. Không thể trách BTC về lịch thi đấu vì mỗi VĐV thi đấu 2 trận/ngày (1 trận đơn, 1 trận đôi ) là phù hợp với luật chung của Liên đoàn Quần vợt thế giới. Riêng đối với trường hợp cặp đôi Quân – Khánh được thi đấu chung với nhau vào phút cuối cũng có thể hiểu là do Liên Đoàn Quần vợt Việt Nam muốn cặp VĐV này có thêm cơ hội thiết thực để tập dượt nhằm chuẩn bị cho Sea Games 25.
Nhìn chung trong bối cảnh hiện nay, việc Công ty Tanimex chịu trách nhiệm chính đứng ra tổ chức một sân chơi lớn cho các VĐV Quần vợt Việt Nam là một cố gắng, góp phần vào việc phát triển phong trào chung. Dĩ nhiên thể thao của nước nhà muốn đi lên phải có một quá trình đầu tư mà trong đó nỗ lực tự thân của VĐV và gia đình là chính trong giai đoạn này. Còn nguồn lực xã hội và Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ và định hướng, đề ra những chủ trương phù hợp.
Xuân Nhi - Hoài Bắc