Cần lắm những "liều thuốc đắng"

Hai chiếc Cúp Vàng Merdeka và AFF Cup 2008 trong năm qua của Bóng đá Việt Nam quả là có ý nghĩa rất lớn, đã khiến cho NHM Bóng đá Việt Nam phần nào quên đi vụ án bán độ tại SEA Games 23 cũng như những vụ việc tiêu cực khác đã từng làm xôn xao làng túc cầu khu vực.

Chiều 7/4 vừa qua, Trưởng Tiểu ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường cho biết, đã hoàn toàn nhất trí với án phạt của CLB T&T.HN đối với thủ môn Hồng Sơn cũng như các cầu thủ Đại Đồng, Xuân Tú và Ngọc Quân. Bên cạnh đó, sau khi cân nhắc các yếu tố công và tội, Tiểu ban Kỷ luật đã quyết định sẽ gửi thông báo tới BTC Quả Bóng Vàng 2008 (QBV), yêu cầu xem xét tư cách QBV của Dương Hồng Sơn. "Trong trường hợp cần thiết, có thể tước danh hiệu QBV" - ông Hường nói. Cũng theo ông Hường; do VFF không tổ chức giải thưởng trên, nên chỉ có thể ra thông báo, việc có tước hay không sẽ do BTC QBV quyết định. 
Hai chiếc Cúp Vàng Merdeka và AFF Cup 2008 trong năm qua của Bóng đá Việt Nam quả là có ý nghĩa rất lớn, đã khiến cho NHM Bóng đá Việt Nam phần nào quên đi vụ án bán độ tại SEA Games 23 cũng như những vụ việc tiêu cực khác đã từng làm xôn xao làng túc cầu khu vực. Nhưng mới đây, hàng loạt sự kiện đáng phê phán, liên quan đến đạo đức cầu thủ cũng như văn hoá cổ vũ của một bộ phận NHM liên tiếp xảy ra và Bóng đá Việt Nam cho thấy, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần hoàn thiện hơn nữa.
Trong vụ việc trên, cầu thủ Sỹ Mạnh, người trực tiếp đánh Hồng Minh và Minh Đức, chỉ bị CLB V.Ninh Bình phạt 2 triệu đồng. Ban Kỷ luật đã quyết định cấm thi đấu hai trận với cầu thủ này. Cũng trong ngày hôm qua, VFF đã quyết định kỷ luật đối với vụ việc các cổ động viên (CĐV) HN.ACB quăng đầu chó xuống sân Hàng Đẫy trong trận đấu giữa đội này với CLB Thể Công ở Cúp quốc gia. Án kỷ luật dành cho HN.ACB là: phạt tiền 20 triệu đồng, đóng cửa sân 1 trận. Cùng với án kỷ luật, VFF đã gửi thông báo tới Sở VH,TT&DL Hà Nội, BTC sân Hàng Đẫy và các đơn vị có liên quan để có biện pháp xử lý. Ngoài ra, còn có thể nhắc tới việc tuyển thủ quốc gia Lê Tấn Tài suýt nữa “đụng độ” với đồng đội bởi những việc không đáng có, cũng là vấn đề đáng để các nhà quản lý phải lưu tâm.
Mới đây, trao đổi với báo giới, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết; ông và cả lãnh đạo Bộ VH,TT&DL đều rất bức xúc khi nhận được những thông tin này: “Tôi cảm thấy tiếc về điều này, vì cả Hồng Sơn và Tấn Tài đều là những cầu thủ có nhiều kinh nghiệm thi đấu, đang để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng NHM. Đây là hành động nông nổi của cá nhân, nhưng rõ ràng, qua sự việc này đủ thấy công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng cho cầu thủ ở các CLB hiện tại rất kém”. 
Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ cũng cho rằng; VFF luôn nhắc nhở CLB phải tăng cường công tác giáo dục văn hóa đối với cầu thủ, tất cả đều cam kết sẽ thực hiện đúng yêu cầu, nhưng khi về CLB lại không làm tốt. Để xảy ra những vụ việc vừa qua, chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là CLB chủ quản. Giáo dục cầu thủ vẫn là điều quan trọng nhất, bởi CLB sẽ mất rất nhiều nếu cầu thủ bị kỷ luật vì xảy ra những vụ ẩu đả, hay xích mích. Về phía VFF sẽ kiên quyết xử lý nghiêm khắc nếu thu thập được chứng cứ, hoặc được CLB chuyển hồ sơ xem xét. 
Chuyện những VĐV trượt dài trên con đường sự nghiệp, nghe ra thật cay đắng và xót xa. Một phút dại dột hay bởi họ đã không được trang bị những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ chính mình trước những cạm bẫy, cám dỗ trong cuộc sống?
Trong bối cảnh toàn ngành thể thao nói chung và Bóng đá nước nhà nói riêng đang chuyển biến mạnh mẽ để băng mình về phía trước với mục tiêu, chiến lược “bơi ra biển châu lục”, thì song song với những liệu pháp chuyên môn đó, công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng cho các VĐV và cầu thủ phải luôn được đặt lên hàng đầu. Ở đâu cũng vậy, luôn có những mối nguy rình rập khi tài năng thiếu đi sự đức độ. Bài học của Văn Quyến, Quốc Vượng… chắc chắn sẽ luôn còn nguyên giá trị. Rất mong những ngôi sao thể thao hãy biết cách gìn giữ, để có được sự phát triển "lành mạnh", xứng đáng với niềm tin của NHM thể thao nước nhà.

Bắc Nam


Ảnh trong bài
  • Cần lắm những "liều thuốc đắng"