Giải Bóng bàn mừng Xuân Kỷ Sửu - 2009 mở rộng Cúp Toàn Việt lần 3: "Diễn đàn" của các tay vợt một thời vang bóng

Giải đã khai mạc tại NTĐ Phan Đình Phùng, TP.HCM, với sự góp mặt của 120 tay vợt ở 2 lứa tuổi dưới và trên 45 tuổi. Ở nội dung đồng đội, có 24 CLB đến từ nhiều tỉnh, thành, ngành tham dự, trong đó lần đầu tiên có đội Báo Lao Động và Tạp chí Nghề báo cùng tranh tài). Tổng giải thưởng của giải lên đến hơn 80 triệu đồng (30 triệu đồng cho CLB Vô địch đồng đội và 5 triệu đồng cho ngôi Vô địch cá nhân dưới và trên 45 tuổi). Đặc biệt, năm nay có sự tham dự của các tay vợt lẫy lừng một thời như: Trần Tuấn Anh, Lê Huy, Nguyễn Minh Thơ, Nguyễn Minh Hiền, tay vợt Việt kiều Từ Mạnh Trường…

Sau 4 ngày tranh tài, giải đã khép lại hôm 12/1 với ngôi Vô địch thuộc về tay vợt kỳ cựu Trần Châu Thới (Báo Lao Động) sau khi thi đấu xuất thần ở trận chung kết và vượt qua Nguyễn Vinh Hiển (Nghề Báo). Giải Ba thuộc về Trần Chấp Toàn (CLB Thị Nghè). Ở giải lần 2 (18 - 20/1/2008) chỉ có 19 đội tham dự (trước đó, giải lần 1 chỉ có 8 đội), cho thấy lần tổ chức thứ 3 đã đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ của giải đấu này.

Bóng bàn Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua đã có những đóng góp quan trọng cho TTVN tại đấu trường khu vực Đông Nam Á và không ngừng phấn đấu vươn tới đỉnh cao của đấu trường châu lục. NHM Bóng bàn không thể quên những danh thủ, công thủ song toàn đã làm nhiều cây vợt quốc tế phải nể phục. Sau ngày đất nước thống nhất, phong trào vẫn phát triển mạnh trong suốt thời gian dài.

Những danh thủ làm nên những thành tích đáng khâm phục ấy giờ đây có thể đang sinh sống tại Việt Nam hay định cư ở nước ngoài và theo đuổi những lĩnh vực không phải thể thao nhưng vẫn một lòng gửi trọn tình yêu với trái bóng và cây vợt. Chính từ những suy nghĩ đó, ông Tôn Thất Diệp, Giám đốc Công ty Toàn Việt - một cựu tuyển thủ đạt nhiều thành tích trên đấu trường quốc gia cho Bóng bàn TPHCM đã cùng các cộng sự sáng kiến tổ chức giải Bóng bàn này. 

Có thể nói, ý nghĩa của giải đấu đã không dừng lại ở việc phát triển phong trào mà còn cho thấy đây là một mô hình xã hội hóa điển hình cần được nhân rộng. Hơn nữa, ý nghĩa nhân văn cũng được thể hiện rõ nét khi giải đấu thực sự là cơ hội để tôn vinh và luôn mãi nhớ những đóng góp của các cựu danh thủ đối với Bóng bàn Việt Nam trong những năm thập niên 60.

Bắc Nam


 

Ảnh trong bài
  • Giải Bóng bàn mừng Xuân Kỷ Sửu - 2009 mở rộng Cúp Toàn Việt lần 3: "Diễn đàn" của các tay vợt một thời vang bóng