10 hoạt động tiêu biểu trong năm 2008 của TDTT quần chúng

Một năm là quãng thời gian ngắn của đời người. Và thời gian 1 năm chỉ là một điểm mốc trong lịch sử của cả một đất nước, một dân tộc, song đó cũng được coi là dấu mốc quan trọng để mỗi cơ quan, đơn vị điểm lại các hoạt động của mình thông qua những sự kiện nổi bật trong năm. Hãy cùng Trang tin điện tử TDTT Việt Nam điểm lại và lựa chọn 10 hoạt động tiêu biểu trong lĩnh vực TDTT quần chúng trong năm 2008.

Một năm là quãng thời gian ngắn của đời người. Và thời gian 1 năm chỉ là một điểm mốc trong lịch sử của cả một đất nước, một dân tộc, song đó cũng được coi là dấu mốc quan trọng để mỗi cơ quan, đơn vị điểm lại các hoạt động của mình thông qua những sự kiện nổi bật trong năm. Hãy cùng Trang tin điện tử TDTT Việt Nam điểm lại và lựa chọn 10 hoạt động tiêu biểu trong lĩnh vực TDTT quần chúng trong năm 2008.

Việc thành lập Liên đoàn Vovinam quốc tế đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của môn thể thao dân tộc này (Ảnh: T.Thiện)

5 hoạt động TDTT quần chúng tiêu biểu

Sự kiện đầu tiên được nhắc đến là Liên đoàn Vovinam quốc tế đã chính thức được thành lập tại Việt Nam vào tháng 9/2008. Sau hơn 70 năm hình thành và phát triển, môn võ Vovinam đã được phổ biến ở khắp các châu lục và thế giới, thu hút hàng triệu môn sinh nước ngoài thường xuyên tập luyện. Việc thành lập Liên đoàn Vovinam quốc tế là một yêu cầu cấp thiết nhằm quản lý và phát triển hơn nữa môn thể thao này. Đây chính là cột mốc đánh dấu sự phát triển của môn võ truyền thống Việt Nam trên đấu trường quốc tế, là bệ phóng để Vovinam bay xa hơn nữa.

Đoàn thể thao NKT Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao NKT Đông Nam Á lần thứ 4 (ASEAN PARA Games 4) tổ chức tại Thái Lan và đã giành được 78 HCV, 66 HCB, 43 HCĐ, đứng thứ 3 trong số 11 quốc gia. Thành công này đánh dấu sự tiến bộ không ngừng của Thể thao Việt Nam trên mọi lĩnh vực, cả Thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng. Quan trọng hơn, nó khẳng định sự quan tâm, đầu tư thích đáng của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp TDTT.

Hội khỏe Phù Đổng lần thứ 7 năm 2008 tại Phú Thọ đã thành công rực rỡ. Đây  được coi là ngày hội của thể thao học đường, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban TDTT trước đây (nay là Bộ VH,TT&DL) tổ chức và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của trên 12.000 VĐV, thi đấu tranh 292 bộ huy chương ở 17 môn. Đã có 26 VĐV phá kỷ lục của Hội khoẻ ở 21 nội dung thi đấu của môn Điền kinh và Bơi.

Ngày hội Thể thao, Văn hoá, Du lịch và Hội thi Thể thao gia đình được tổ chức đã tạo ra một phong trào rèn luyện thân thể rộng khắp trong quần chúng nhân dân cả nước. Đặc biệt, Hội thi thể thao gia đình toàn quốc được tổ chức tại Nam Định và Cần Thơ đã thu hút sự tham gia của hơn 400 VĐV, cán bộ, HLV đến từ 42 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Rất nhiều giải vô địch, giải trẻ các môn Thể thao dân tộc như: Vật dân tộc, Võ thuật cổ truyền, Đẩy gậy, Bắn nỏ, Kéo co, Đua Ghe ngo ... đã được tổ chức. Trong đó, giải Kéo co được tổ chức thí điểm theo luật quốc tế tại Hà Nội với sự tham gia của 160 VĐV của 12 đơn vị.

Liên hoan quốc tế Võ thuật cổ truyền Việt Nam được tổ chức tại Bình Định và giải quốc tế Võ thuật cổ truyền Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Tp.HCM đã tạo ra tiếng vang lớn cho Võ thuật cổ truyền Việt Nam, góp phần quảng bá những giá trị và triết lý sống mang đậm tính nhân văn của con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Các giải thể thao quần chúng đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của toàn xã hội
(Ảnh: N.Quang)

5 hoạt động quản lý nhà nước về TDTT quần chúng tiêu biểu

Vụ TDTT quần chúng đã hoàn thành việc xây dựng Đề án phát triển TDTT vùng đồng bào dân tộc thiểu số trình lãnh đạo Bộ. Đề án này tập chung vào 2 mục tiêu chính là tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tham gia các hoạt động TDTT và khôi phục, bảo tồn các trò chơi vận động dân gian, môn thể thao dân tộc. Bên cạnh đó, Đề án còn giúp hình thành các thiết chế quản lý TDTT cấp xã và mô hình cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của mỗi vùng đồng bào dân tộc.

Chương trình phát triển TDTT xã, phường, thị trấn đến năm 2010 tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển sau 3 năm triển khai. Phong trào tập luyện TDTT, rèn luyện thân thể hàng ngày của các tầng lớp nhân dân ở mỗi xã, phường liên tục phát triển. Số lượng người tập TDTT thường xuyên và hộ gia đình thể thao tăng khoảng 1% hàng năm. Hoạt động TDTT ở xã đã gắn liền và phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, thu hút hàng chục triệu người tham gia.

Vụ TDTT quần chúng cũng ban hành các văn bản hướng dẫn tiêu chí đánh giá phong trào TDTT quần chúng ở cơ sở cũng như hướng dẫn tổ chức Đại hội TDTT các cấp và Đại hội TDTT toàn quốc. (Đây sẽ là căn cứ để đánh giá sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng tại mỗi địa phương). Tổng cục TDTT đã dự thảo Thông tư của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc tổ chức và đánh giá phong trào TDTT quần chúng tại địa phương. Bản dự thảo bao gồm 2 phần chính: Tổ chức các hoạt động TDTT quần chúng tại địa phương (các nội dung hoạt động TDTT quần chúng tại địa phương; hình thức tổ chức hoạt động TDTT quần chúng tại địa phương) và đánh giá phong trào TDTT quần chúng tại địa phương trên 2 tiêu chí (Tỷ lệ % người tập TDTT thường xuyên; Tỷ lệ % gia đình thể thao trên tổng số hộ gia đình) cùng trình tự thủ tục kiểm tra, đánh giá và báo cáo thống kê.

Tiếp tục triển khai chương trình phổ cập Bơi phòng chống tai nạn thông qua việc tổ chức 7 lớp HDV. Các lớp tập huấn này đã thu hút 445 học viên khắp cả nước. Tính đến hết năm 2008, đã có 62 tỉnh, thành phố có chương trình nội dung phối hợp và tổ chức các hoạt động về Chương trình Phổ cập bơi và mở lớp tập huấn HDV cứu đuối.

Vụ TDTT quần chúng phối hợp với các Liên đoàn, đơn vị có liên quan soạn thảo, sửa đổi bổ sung Luật Võ thuật cổ truyền, Luật Vovinam, Luật Đẩy gậy và xuất bản một số sách như "Sổ tay cộng tác viên cơ sở", "Phát triển TDTT vùng đồng bào dân tộc " và sách Hướng dẫn viên Bơi lội".

T.Dưong

Ảnh trong bài
  • 10 hoạt động tiêu biểu trong năm 2008 của TDTT quần chúng