Chương trình “Tầm nhìn châu Á”: Cho cá không bằng tặng cần câu!

 

 

Có thể ví cách giúp đỡ này giống như tặng cần câu để mưu sinh chứ không phải tặng cá để sống độ nhật...

Nhà lãnh đạo LĐBĐ châu Á (AFC) trong suốt 26 năm qua - tổng thư ký Peter Velappan - quá thông hiểu bóng đá VN, nơi ông đã đặt chân đến làm việc từ năm 1966. 

Nhận trách nhiệm giám đốc dự án “Tầm nhìn châu Á” cùng 18 cộng sự giàu kinh nghiệm khác của AFC, ông Velappan đã chọn VN là điểm đến thứ ba trong  hành trình công du xây dựng kế hoạch phát triển cho tám nước.

Ông nói: “Bây giờ là thời điểm phải nhìn xa hơn các cuộc thi đấu trong khu vực. AFC cùng cộng tác chặt chẽ với các bạn để đưa bóng đá VN tiến xa hơn ở châu lục. Mục tiêu là trong vòng năm năm tới có mặt ở top 5 châu Á.50 năm trước, với bóng đá châu Á, cái gì cũng dành cho đội tuyển quốc gia, họ thắng thì cả nước vui và thua thì ai cũng buồn. Vậy thì nhầm rồi. Xây nhà phải từ nền chứ không từ nóc. Nếu không có nền tảng phát triển từ các cầu thủ 4 tuổi, 6 tuổi, 14 tuổi, 16 tuổi và được hỗ trợ bởi các lực lượng kinh tế, tiếp thị, y học và các lĩnh vực khác thì đừng nói đến sự phát triển”.

Đoàn “Tầm nhìn châu Á” sẽ tiến hành đánh giá hiện trạng từng quốc gia, đề ra mục tiêu và cách thức thực hiện mục tiêu. Bản kế hoạch phát triển mang tên “Tầm nhìn VN” sẽ ra đời ngay sau cuộc hội thảo này, và ở VN nó bắt đầu được thực hiện từ tháng 11-2004. “Trong quá trình xây dựng có những điều chỉnh, thỏa thuận liên tục để không có chỉnh sửa sau này nữa” - ông Velappan đề nghị.

Thay vì chu cấp toàn bộ kinh phí và khoán trắng việc thực hiện “Tầm nhìn châu Á” cho từng quốc gia, sau đó nhận giải ngân và nghe báo cáo, AFC chi tiền thuê một hội đồng tư vấn gồm 40 nhà tư vấn kinh nghiệm từ các quốc gia, thuê người phụ trách các dự án và cán bộ phát triển, cử các thành viên này vào vai trò đào tạo nhân lực cho các quốc gia, ở từng lĩnh vực.

Ông Valappan nói thêm: “Áo mặc phải vừa người. Tầm nhìn quốc gia này không thể giống quốc gia kia. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ chuyển giao chất xám trong những năm đầu. Sau đó người VN được đào tạo sẽ đào tạo những người khác. Tương lai bóng đá VN phải ở trong tay người VN quyết định”.

Mong cho “Tầm nhìn VN”, tầm nhìn VFF sẽ theo kịp dòng chảy thống nhất của “Tầm nhìn châu Á”, nếu không muốn bị tụt lùi và mang tính hình thức.         

 

 

 

Để nói về sự phát triển các lĩnh vực trong “Tầm nhìn châu Á”, AFC đưa ra sơ đồ đội hình 5-3-2: TM (LĐBĐ quốc gia và CLB), hàng hậu vệ là: tiếp thị, bóng đá trẻ, HLV, trọng tài, y học thể thao; ba tiền vệ là: các giải đấu, bóng đá nữ, bóng đá trong nhà; riêng truyền thông và CĐV được đánh giá cao như cặp tiền đạo. Theo AFC, một nền bóng đá mạnh là 11 yếu tố trong đội hình này phải mạnh, phải chuyên nghiệp và thật sự gắn bó với nhau.

Theo Tuổi trẻ Online

Ảnh trong bài
  • Chương trình “Tầm nhìn châu Á”: Cho cá không bằng tặng cần câu!