BĐ VN hoàn toàn có thể bán bản quyền truyền hình!

Mở đầu cuộc hội thảo, đại diện Ban Thông tin Tuyên truyền của LĐBĐVN đã báo cáo những nét cơ bản về chức năng, quy trình, cách thức quản lý truyền thông và khái quát hoạt động của các cơ quan báo in, đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử… trong lĩnh vực truyền thông bóng đá

Mở đầu cuộc hội thảo, đại diện Ban Thông tin Tuyên truyền của LĐBĐVN đã báo cáo những nét cơ bản về chức năng, quy trình, cách thức quản lý truyền thông và khái quát hoạt động của các cơ quan báo in, đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử… trong lĩnh vực truyền thông bóng đá. Cũng theo báo cáo này, LĐBĐVN đang xúc tiến xây dựng mạng quản lý thông tin nội bộ (intranet) và bản tin tiếng Anh theo yêu cầu của AFC (số 1 sẽ ra đời trước Tiger Cup 2004). Bên cạnh những thông tin tĩnh, trang web chính thức của LĐ sẽ được tăng cường những thông tin động như thành lập các forum, thị trường chuyển nhượng…
 
Bà Michelle Chai, người phụ trách cầu thủ Media trong đội hình Tầm nhìn châu Á, cho biết bà đặc biệt có ấn tượng về công tác truyền thông ở Việt Nam bởi rất nhiều tờ báo đã quan tâm đến bóng đá, cập nhật những tin tức nóng nhất về bóng đá. Tuy nhiên, sau khi xem xét thực trạng trang web của VFF, bà Michelle Chai cũng thẳng thắn nhận xét mối liên hệ giữa VFF và người hâm mộ Việt Nam là chưa tốt.

Theo bà, các CLB cũng không tạo ra được con đường chính thống giúp báo chí tiếp cận, mà chủ yếu dựa vào các mối quen biết cá nhân. Ban tổ chức các trận đấu mới chỉ dừng lại ở việc phân phát cho phóng viên danh sách cầu thủ, và như vậy là chưa đủ.
 
Có một câu hỏi lớn mà bà Michelle Chai đưa ra: Việt Nam đã tuyên truyền rất tốt cho bóng đá thế giới, vậy thì tại sao thế giới chưa biết nhiều về bóng đá Việt Nam? Rõ ràng là khâu tuyên truyền bằng tiếng nước ngoài của LĐBĐVN còn rất thiếu khuyết.

Theo gợi ý của Tầm nhìn châu Á, Việt Nam cần cử người liên hệ thường xuyên và trực tiếp với ông Kerry, một trong số những thành viên chịu trách nhiệm về mặt nội dung trang web của AFC.

Ngay trong tuần tới, AFC sẽ tổ chức cuộc hội thảo về truyền thông tại Kuala Lumpur (Malaysia). Bà Michelle Chai đã gợi ý người đại diện của Việt Nam tại hội thảo nên chuẩn bị thật chi tiết để nêu những vấn đề Việt Nam cần, và từ đó AFC mới biết giúp đỡ Việt Nam như thế nào. 

Người phát ngôn của LĐBĐVN đã đề đạt một số nguyện vọng với Ban Thông tin Tuyên truyền Tầm nhìn châu Á như được cung cấp đều đặn thông tin về AFC cũng như các LĐBĐ khác, được hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường chất lượng trang web… và đặc biệt là được tư vấn xây dựng bản quyền truyền hình.
 
Mặc dù chỉ cùng với Chủ tịch LĐBĐVN Mai Liêm Trực tham dự nửa sau cuộc hội thảo nhưng Tổng thư ký AFC Dato Peter Velappan đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực xung quanh vấn đề này: Như các bạn đều biết, bản quyền truyền hình là một nguồn thu lớn của bóng đá. Người ta sẽ phải trả 2,2 tỉ USD nếu muốn truyền hình trực tiếp World Cup 2006 tại Đức. Tuy nhiên, ở Việt Nam và nhiều nước khác, truyền hình là tài sản quốc gia, do đó không có quyền mua bán. Hôm qua, tôi đã nói chuyện với Phó Thủ tướng Vũ Khoan, cần có những điều chỉnh về chế độ tài chính để truyền hình có thể mua bản quyền những trận đấu. Mặt khác, đài truyền hình cũng có những nguồn tài trợ của riêng họ cơ mà….
 
Khi được hỏi về bước đột phá của Việt Nam khi bán bản quyền trận đấu Việt Nam-Hàn Quốc với giá 3000 USD, ông Velappan nói: Đây là bước khởi đầu tốt, nhưng các bạn cần lưu ý khâu tiếp thị để bán bản quyền cả gói chứ không phải từng trận lẻ tẻ. Nếu đá với tuyển Việt Nam, Hàn Quốc hay Nhật Bản hoàn toàn có thể mua bản quyền với cái giá cao hơn thế nhiều.

Ông tiếp tục: AFC rất hy vọng truyền thông sẽ trở thành đối tác của bóng đá tại đất nước của các bạn. Truyền thông có vai trò rất lớn trong việc xuất khẩu cầu thủ Việt Nam ra châu Á và thế giới trong tương lai.
 
Trước khi kết thúc chuyến làm việc tại Việt Nam (ông Velappan sẽ lên đường sang Nhật Bản vào tối nay, sớm hơn 1 ngày so với phái đoàn Tầm nhìn châu Á), Tổng thư ký AFC khuyên LĐBĐVN nên tham khảo kinh nghiệm phát triển bóng đá tại Nhật Bản và hứa sẽ nhanh chóng cử chuyên gia giúp đỡ Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực. Trong vòng 4 tuần nữa, AFC sẽ có báo cáo tổng kết của chương trình Tầm nhìn châu Á. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng Tầm nhìn Việt Nam.

Song song với cuộc thảo luận về truyền thông, cũng trong sáng nay, các đại biểu Tầm nhìn châu Á đã làm việc về vấn đề bóng đá trong trường học. Theo đó, AFC khuyến cáo Bộ Giáo dục – Đào tạo nên sắp xếp thời khoá biểu sao cho học sinh có thêm thời gian chơi bóng đá ngoại khoá. Cùng với thầy dạy văn hoá, các em cũng cần có những HLV bóng đá giỏi chuyên môn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên tăng cường các giải trẻ xen kẽ giữa U11 và U15, bởi từ 11 đến 15 tuổi là một khoảng cách rất xa.

Theo VietnamNet

Ảnh trong bài
  • BĐ VN hoàn toàn có thể bán bản quyền truyền hình!