Chìa khóa ở giữa sân

Khi hình thành thế hệ vàng, những HLV ngoại lão làng như Weigang và A.Riedl luôn chú ý đặc biệt đến chìa khóa khu giữa sân mà nổi bật nhất là tài năng của Nguyễn Hồng Sơn. Bây giờ, ông Tavares không có những quái kiệt ở giữa sân kiểu ấy và đội tuyển buộc phải chuyển theo một hướng đi khác…

Khi hình thành thế hệ vàng, những HLV ngoại lão làng như Weigang và A.Riedl luôn chú ý đặc biệt đến chìa khóa khu giữa sân mà nổi bật nhất là tài năng của Nguyễn Hồng Sơn. Bây giờ, ông Tavares không có những quái kiệt ở giữa sân kiểu ấy và đội tuyển buộc phải chuyển theo một hướng đi khác…

  •  
  • Không có thủ lĩnh
  •  

Nhìn vào đội tuyển Việt Nam, khó có thể tìm ra được thủ lĩnh ở giữa sân như thời thế hệ vàng trước đây. Khu giữa sân bây giờ, Trường Giang, Tài Em, Minh Phương chia đều gánh nặng cho nhau, kể cả khi Huỳnh Đức lùi về rất sâu và chơi như một tiền vệ thứ tư cũng thế. Không ai là thủ lĩnh cả và trách nhiệm bây giờ là trách nhiệm của tất cả.

Để có được một dàn tiền vệ như thế và để thực hiện một lối chơi như vậy, rõ ràng là không hề đơn giản chút nào. Tuy nhiên, ở cấp độ của những con người cho đội tuyển hiện nay thì không thể không tạo ra lối chơi ấy vì bàn tiệc của chúng ta chỉ có bấy nhiêu.

Nhiều HLV khá “dị” với lối chơi không có thủ lĩnh vì nó khó cho ra một mẫu số chung. Tuy nhiên, với lối chơi dựa vào một khối ru-bich ở giữa sân như thế thì yếu tố an toàn lại cao hơn vì nó không lệ thuộc quá nặng vào phong độ và khả năng chuyên môn của một con người.

Thực tế thì cái cách đá không có thủ lĩnh giữa sân của Tavares khó cho đối phương bắt bài hơn. Nó là một cỗ máy chạy đồng bộ và mỗi người có nhiệm vụ phải trợ lực cho nhau. Cái cách xây dựng con người ở giữa sân của ông Tavares khá giống với ông Calisto đã làm ở đội Gạch Đồng Tâm- Long An và ở đội tuyển quốc gia.

Nhưng có một vấn đề mà người ta có quyền lo lắng cho sự đồng bộ và cho một lối chơi tập thể ở giữa sân trải đều trên từng vị trí - đó là nếu họ phải chia việc của mình ra để phục vụ cho những khiếm khuyết ở hai tuyến trên và dưới thì bộ khung trung tuyến sẽ giảm tác dụng rất nhiều. Đơn cử khi Tài Em phải co về quá nhiều ở biên trái để trám cho Đức Thắng (hoặc Quang Trãi) hay Minh Phương làm điều tương tự giúp Văn Đàn (hoặc Huy Hoàng).

Hình ảnh này cũng thường thấy nơi Trường Giang mỗi khi anh lùi về thật sâu để càn quét giúp cho cặp trung vệ. Có lẽ đấy là lý do vì sao mà khi đối đầu với Hàn Quốc, ông Tavares phải sử dung đến hai tiền đạo làm thay cái nhiệm vụ ấy mỗi khi đội tuyển Việt Nam chuyển sang tư thế phòng ngự. Một cách tận dụng sức trẻ cho dù bắt Công Vinh và Văn Quyến phải di chuyển nhiều hơn và phải biết phòng ngự không chuyên. Sự hoán đổi ấy làm đa dạng hơn cho lối chơi của đội tuyển và nó phát huy nhiều hơn khả năng lao lên tuyến trên của Tài Em và Minh Phương…

Trên đây là những gì đã thấy và đang thấy khi bộ khung tuyến giữa của đội tuyển vừa mạnh và vừa ổn định. Phương án hai cho những cuộc xáo trộn ở tuyến hai vẫn còn là vấn đề cần bàn và phải làm nhiều hơn nữa.

Ông Tavares có vẻ an tâm nhiều với bộ khung trung tuyến chơi rất đều đặn trong thời gian qua nhưng để có những con người cho phương án hai thì chưa. Nó vẫn còn là ẩn số cho dù đôi lúc Xuân Thành, Hồng Minh được tung vào nhưng để bắt nhịp với một dàn tiền vệ giữa sân không thủ lĩnh thì chưa.

Ông Tavares đã có những con người thiện chiến cho một trận đấu nhưng để duy trì bộ khung ấy cho cả giải thì cần phải xem lại và khắc phục với nhiều phương án.

Và tất nhiên là trong các phương án ấy bây giờ ông khó có thể quay lại với giải pháp sử dụng thủ lĩnh. Đấy cũng là lý do vì sao mà Hồng Minh có thể làm thủ lĩnh ở Thanh Hóa hay Đà Nẵng nhưng khó có suất chính ở đội tuyển.

Cái cách xây dựng dựa trên con người rất quan trọng và bây giờ thì tìm con người để tiếp tục giữ những phương án ấy còn quan trọng hơn rất nhiều.

-Theo SGGP NET-

Ảnh trong bài
  • Chìa khóa ở giữa sân