Một số giải pháp phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2010

Để phát huy những thành tích đạt được, phấn đấu tạo ra bước ngoặc quan trọng cho TDTT Thừa Thiên – Huế và trở thành địa phương có phong trào TDTT nằm trong tốp 15 – 20 của quốc gia, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên Huế lần thứ XIII nhiệm kỳ 2005 – 2010, trước hết, Sở TDTT cần phải đầu tư, định hướng phát triển TDTT từ nay đến năm 2010 với việc xây dựng những nhiệm vụ trọng tâm và những mục tiêu giải pháp cơ bản.

Là nơi có phong trào TDTT phát triển tương đối mạnh ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, trong những năm qua, ngành TDTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực, tạo ra được diện mạo mới đối với thể thao của địa phương và đóng góp nhiều thành tích cao cho thể thao quốc gia.

Việc tăng cường sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng, thông qua nhiều cuộc phát động luyện tập TDTT, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Do vậy, hoạt động TDTT quần chúng ngày càng phát triển sâu rộng và có ý nghĩa thiết thực trong nếp sinh hoạt của mọi người dân. Cụ thể số người tập luyện thể thao thường xuyên đã tăng từ 7,2% (1990) lên 19,1% (2005); số gia đình thể thao từ 2,8% (1990) tăng 9,7% (2006); số CLB thể thao từ 120 (1990) tăng lên 372 (2006). Bên cạnh đó Thể thao thành tích cao cũng đã từng bước khẳng định. Hàng năm, ngành TDTT Thừa Thiên Huế đều có các đội tuyển tham gia thi đấu tại các giải trong nước, khu vực, quốc tế và giành được nhiều huy chương các loại. Năm 1990, thể thao thành tích cao đạt được 56 huy chương (12 HCV, 21 HCB, 23 HCĐ), đến năm 2005, số huy chương đạt được đã tăng lên với 119 huy chương (46 HCV, 30 HCB 43 HCĐ); trong đó số huy chương quốc tế là 37 huy chương (27 HCV, 6 HCB, 4 HCĐ).

Phát huy những thành tích đạt được, phấn đấu tạo ra bước ngoặc quan trọng cho TDTT Thừa Thiên – Huế và trở thành địa phương có phong trào TDTT nằm trong tốp 15 – 20 của quốc gia, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên Huế lần thứ XIII nhiệm kỳ 2005 – 2010, trước hết, Sở TDTT cần phải đầu tư, định hướng phát triển TDTT từ nay đến năm 2010 với việc xây dựng những nhiệm vụ trọng tâm và những mục tiêu giải pháp cơ bản.

Đối với TDTT quần chúng, ngành TDTT Thừa Thiên – Huế đang tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hình thành thói quen rèn luyện thân thể hàng ngày cho người dân, nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể chất cho các đối tượng. Duy trì thường xuyên chuyên mục TDTT quần chúng trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, phát thanh, truyền hình tỉnh về nội dung tuyên truyền phổ biến kiến thức, phương pháp tập luyện TDTT; động viên khuyến khích phong trào và hướng dẫn nhu cầu tập luyện của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất cho học sinh trong nhà trường các cấp, lực lượng vũ trang, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số…; phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể thông qua việc thực hiện các chương trình liên tịch để tổ chức nhiều giải thể thao.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT, đa dạng các loại hình tổ chức đơn vị TDTT quần chúng ở cơ sở, bằng cách khuyến khích xây dựng các loại hình tập luyện TDTT như: CLB TDTT đơn môn hoặc đa môn, CLB sức khoẻ ngoài trời, khu vui chơi giải trí thể thao, các CLB thẩm mỹ, các CLB Võ thuật, các Trung tâm Văn hoá - thể thao; khuyến khích và khai thác mọi nguồn đầu tư tự nguyện trong xã hội, trong nhân dân để mở rộng các đơn vị TDTT cơ sở và làm tăng tài sản của TDTT trong xã hội ngoài nguồn vốn của Nhà nước. Vận động các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở TDTT bán công, dân lập, tư nhân hoạt động theo hình thức kinh doanh dịch vụ, cho phép liên doanh với nước ngoài xây dựng các cơ sở thể thao giải trí quy mô lớn để vừa phục vụ, vừa kinh doanh và chịu sự quản lý của Nhà nước...

Đối với thể thao thành tích cao, ngành tập trung đầu tư mạnh cho những môn thể thao mũi nhọn như: Cờ vua, Karatedo, Bóng đá, Điền kinh, Bơi lội. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền cần được đẩy mạnh nhằm khẳng định con đường chuyên nghiệp của thể thao trong nhận thức của người Huế. Đồng thời, Sở TDTT cần thiết xây dựng hệ thống tuyển chọn, đào tạo lực lượng VĐV kế cận một cách khoa học, định hướng qui hoạch quản lý hệ thống tổ chức giảng dạy, huấn luyện các lớp năng khiếu, nghiệp dư trên toàn tỉnh; Tổ chức liên kết phối hợp với các Trung tâm huấn luyện thể thao mạnh của cả nước và quốc tế trong việc đào tạo VĐV cấp cao; Củng cố chất lượng đào tạo VĐV thành tích cao; Đề xuất cơ chế chính sách và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đào tạo huấn luyện VĐV thu hút nhân tài để xây dựng một đội ngũ HLV, VĐV tiên tiến.

Công tác TDTT phải góp phần tích cực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Trước hết là góp phần nâng cao sức khoẻ rèn luyện ý chí, giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống và đẩy lùi các tệ nạn xã hội ở từng địa phương. Ngành TDTT Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2010 đạt tỷ lệ 24 - 25,5 % dân số tập luyện TDTT thường xuyên, tỷ lệ 12 - 14% số gia đình thể thao, 80 - 90% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định,

Để thực hiện mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngành TDTT tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực để xây dựng phong trào vững mạnh, từng bước hoàn thiện công tác quy hoạch sự nghiệp TDTT, định hướng đến năm 2020 nhằm đưa thể thao Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển bền vững, phấn đấu là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực Miền Trung. .

Kim Phụng 

 

Ảnh trong bài
  • Một số giải pháp phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2010