TDTT quần chúng Quảng Ninh vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2010

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Uỷ ban TDTT đầu tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Mi - Giám đốc Sở TDTT Quảng Ninh cho biết: đạt được kết quả trên là do trong những năm gần đây, Sở TDTT đã thực hiện nhiều chính sách đối với các đối tượng tham gia tập luyện, với xã hội hoá hay với cán bộ, nhân tài TDTT...

Quảng Ninh là một tỉnh có nền công nghiệp phát triển, với những trung tâm công nghiệp sản xuất than, đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng và điện lực với số lượng công nhân rất lớn (khoảng trên 200.000 người). Do vậy, nhu cầu tập luyện và hưởng thụ TDTT trong mọi tầng lớp nhân dân ở đây là rất cao. Hơn nữa, Quảng Ninh còn là trung tâm dịch vụ, du lịch, một trong những cửa mở của đất nước, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc nên nền kinh tế nơi đây phát triển rất mạnh. Đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển TDTT. Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng kinh tế ấy thì TTTTC ở Quảng Ninh thực sự phát triển chưa xứng tầm. Mà ngược lại, nền tảng cho TTTTC là TDTT quần chúng lại phát triển mạnh mẽ.

Theo thống kê của Sở TDTT Quảng Ninh, hầu hết các mục tiêu đề ra trong quy hoạch đến năm 2010 (được phê duyệt năm 1999) đạt được đều đã bằng, thậm chí vượt xa ngay tại thời điểm năm 2005 (tức đạt chỉ tiêu của 5 năm sau). Đây quả thực là điều hết sức đáng mừng. Theo quy hoạch đó, chỉ tiêu số người TLTDTTTX đến năm 2010 là 17-18%, trong khi đó đến năm 2005, chỉ tiêu này đã đạt tới 20% (vượt 9%); chỉ tiêu Gia đình thể thao cũng vượt cao hơn tới 5,5% (năm 2005 đạt 20 % so với quy hoạch cũ đặt ra 11%). Ngoài ra, các chỉ tiêu về số trường có hoạt động ngoại khoá (15%) cả ở 4 cấp (Tiểu học - 100%, Trung học cơ sở - 46%, PTTH - 95%, Cao đẳng và Đại học - 100%), số môn thể thao quần chúng (25 môn) đều đạt chỉ tiêu đề ra của năm 2010.

Tương tự, các chỉ tiêu khác về đào tạo cán bộ Đại học TDTT tại chức; đào tạo HDV, VĐV, trọng tài các môn; xây dựng lực lượng VĐV cấp cao và năng khiếu đều vượt cao so với chỉ tiêu đã đề ra. Trong các mục tiêu Sở TDTT Quảng Ninh thống kê, duy chỉ có mục tiêu đào tạo VĐV năng khiếu là đạt 84% của quy hoạch. Điều đó cho thấy TTTTC chưa phát triển mạnh mẽ như TDTT quần chúng.

Có thể nói, Quảng Ninh là một tỉnh có phong trào TDTT quần chúng mạnh, phát triển rộng rãi với các nội dung phong phú, phục vụ các đối tượng dân cư trên địa bàn. Điều đó được chứng minh bằng việc có rất nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra và vượt chỉ tiêu bình quân của toàn quốc. Tính đến thời điểm này, trên toàn tỉnh đã có 5 liên đoàn, gần 1.000 CLB thể thao các loại hoạt động thường xuyên. Hàng năm, Sở TDTT tỉnh tổ chức 370 giải thể thao từ cơ sở với 30 môn và phân môn, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tham gia thi đấu. Mặc dù đạt được nhiều thành tích nhưng phong trào TDTT quần chúng vẫn chưa phát triển đồng đều, chủ yếu tập trung ở thành phố, thị xã và trong ngành than; tại các địa phương vùng sâu vùng xa và hải đảo vẫn còn nhiều hạn chế.

Thế nhưng, ngược lại, TTTTC lại có phần không tương xứng với tiềm năng vốn có với nền kinh tế của tỉnh và nền tảng vững chắc là TDTT quần chúng được phát triển sâu rộng. TTTTC ở Quảng Ninh phát triển chưa ổn định, thành tích còn thấp do chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt đối với một số môn thể thao trọng điểm. Điều đó cũng một phần do hệ thống đào tạo VĐV trẻ của Quảng Ninh chưa có khâu đột phá, thiếu tính chuyên nghiệp. Ngoài ra, kế hoạch đào tạo dài hạn cho TTTTC vẫn bị tồn đọng, số HLV giỏi lại không nhiều hay việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV chưa được áp dụng hiệu quả cũng là nguyên nhân dẫn đến hoạt động TTTTC còn hạn chế.

Với sự quan tâm, đầu tư của của tỉnh Quảng Ninh và ngành TDTT Quảng Ninh cũng như tập thể đội tuyển tỉnh nhà, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V, Quảng Ninh đã đạt kết quả khả quan với 9 HCV, 5 HCB, 8 HCĐ, đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng, tăng 6 bậc so với Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV (3 HCV, 2 HCB, 10 HCĐ).

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Uỷ ban TDTT đầu tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Mi - Giám đốc Sở TDTT Quảng Ninh cho biết: đạt được kết quả trên là do trong những năm gần đây, Sở TDTT đã thực hiện nhiều chính sách đối với các đối tượng tham gia tập luyện, với xã hội hoá hay với cán bộ, nhân tài TDTT... Đề cập trong Quy hoạch phát triển TDTT Quảng Ninh đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020, Sở TDTT đã đặt giải pháp đầu tiên là cơ chế chính sách trong phần những giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch. Theo đó, các cơ chế, chính sách sẽ được xây dựng với: hoạt động và hưởng thụ TDTT của nhân dân vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số; xã hội hoá các hoạt động TDTT, khuyến khích hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực TDTT, dịch vụ TDTT; cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp; khen thưởng thoả đáng để động viên các hoạt động của ngành TDTT...

Thiết nghĩ, đây là một quan điểm, một cách làm khá táo bạo và được ứng dụng có hiệu quả trong thực tế phát triển TDTT Quảng Ninh. Có thể coi đó là một trong những đòn bẩy để phát triển TDTT mà chúng ta - những người làm công tác quản lý thể thao cần tham khảo học tập. Hy vọng, với các giải pháp Sở TDTT đưa ra cùng sự quan tâm, đầu tư đúng mức của các cấp chính quyền, song song với sự phát triển của TDTT quần chúng, TTTTC Quảng Ninh sớm đạt được những bước tiến nhảy vọt.

Ngọc Khánh

Ảnh trong bài
  • TDTT quần chúng Quảng Ninh vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2010