Bi kịch thương hiệu bóng đá Việt Nam

Bạn cho rằng ai là đội bóng tiền thân của LG.HN.ACB? Bạn phải làm gì để nhớ chính xác những cái tên như ACB.HN rồi LG.ACB.HN rồi LG.HN.ACB? Và có phải là bi kịch của tiếng Việt không khi người ta phải dùng đến 13 âm tiết để gọi tên một đội bóng (Ngân hàng Đông Á Thép Pomina thành phố Hồ Chí Minh)? Đó là chiến thắng của công cuộc xã hội hoá bóng đá hay là bi kịch của thương hiệu trong bóng đá?

 

 

Bạn cho rằng ai là đội bóng tiền thân của LG.HN.ACB? Bạn phải làm gì để nhớ chính xác những cái tên như ACB.HN rồi LG.ACB.HN rồi LG.HN.ACB? Và có phải là bi kịch của tiếng Việt không khi người ta phải dùng đến 13 âm tiết để gọi tên một đội bóng (Ngân hàng Đông Á Thép Pomina thành phố Hồ Chí Minh)? Đó là chiến thắng của công cuộc xã hội hoá bóng đá hay là bi kịch của thương hiệu trong bóng đá?

 

Sự mất gốc hay lối thay tên hỗn loạn

ACB đi tiên phong khi tiếp nhận đội ĐSVN và thay hoàn toàn tên tuổi. Từ một đội bóng ngành (quy mô toàn quốc), đội bóng này chuyển sang sở hữu doanh nghiệp và không có địa phương (nhưng không phải là đội bóng toàn quốc). Sau khi hợp tác với Sở TDTT Hà Nội để được hưởng một số ưu đãi, đội mới gắn thêm tên Hà Nội vào đằng sau thành ACB.HN.

Nhưng cái tên ấy cũng chỉ tồn tại được trong chốc lát, vì một cuộc "hôn nhân" với hãng điện tử LG cho ra đời một cái tên gồm 3 thành tố: LG.ACB Hà Nội. Chỉ sau 1 mùa bóng đội bóng này xuống hạng, ACB nhảy sang tiếp quản đội Hàng không VN (cái tên cũng sống chỉ trong 1 mùa bóng của đội CAHN cũ) để vẫn có tên ở hạng chuyên nghiệp.

Suýt nữa thì tên của họ đã được kể trong mục "chuyện lạ có thật" tầm thế giới trong bóng đá: có một đội bóng xuống hạng nhưng ngay lập tức có một đội khác tồn tại ở hạng đó vẫn với cái tên cũ. Chỉ đến khi LĐBĐ VN điều chỉnh quy chế chuyên nghiệp thì họ buộc phải đổi tên bằng trò đảo trật tự từ: LG Hà Nội ACB ra đời. Nó thừa hưởng vị trí của đội HKVN (CAHN cũ) nhưng không ai hoàn toàn chắc chắn rằng CAHN hay ĐSVN là đội tiền thân của nó (người ta không thật sự thừa nhận rằng đó là một cuộc chuyển giao phiên hiệu mà vẫn rêu rao rằng đó là cuộc sáp nhập của bóng đá Hà Nội để làm lại).

Trên lý thuyết và ở cấp lãnh đạo, có vẻ như đội bóng này "tích hợp" được sự ủng hộ của ngành đường sắt, 2 Sở công an và TDTT HN, 2 doanh nghiệp ACB và LG, nhưng đối với cổ động viên thì họ mất cả phương hướng và niềm tin, mà bằng chứng cuối cùng là số khán giả đến sân Hàng Đẫy xem đội thi đấu xếp cuối cùng trong số 12 đội dự V-League 2004 dù thành tích của họ không đến nỗi nào.

Với 4 lần thay tên và tiếp quản 2 đội bóng khác nhau trong vòng 4 năm, LG.HN.ACB trở thành đội bóng hầu như không còn truyền thống và vì vậy không thể trở thành thương hiệu. Nhưng họ không phải là trường hợp duy nhất. Đội CATP HCM danh tiếng cũng phải thay đổi tên tuổi khi chuyển giao cho Ngân hàng Đông Á, với cái tên đầy đủ là NHĐA TPHCM. Một cuộc "bán tên" tương tự ACB cho Thép Pomina tạo ra một cái tên mới: NHĐA Thép Pomina TPHCM, được báo chí thể thao viết tắt một cách "khêu gợi" là NHĐA.TP (đố bạn "dịch" đúng được từ viết tắt ấy!).

Dù có rất nhiều tiền nhưng khán giả cứ xa lánh họ và rồi đội bóng này đành ngậm ngùi xuống hạng. Cũng ở TP HCM, đã diễn ra trường hợp một đội bóng không cần chiến thắng để thăng hạng hay không trải qua thất bại mà tụt hạng: Đá Mỹ Nghệ và Khách sạn Khải Hoàn đã đổi chỗ cho nhau ở giải hạng nhất và hạng nhì mà không vấp phải sự ngăn cản nào từ LĐBĐ VN.

Đội bóng của thành phố Hải Phòng là một trường hợp khác. Mùa 2001-02 họ vẫn mang tên CAHP, mùa 2003 chỉ còn cái tên Hải Phòng ngắn gọn nhưng đó là khi đội chơi ở giải hạng nhất. Sau đó 1 mùa, khi họ chơi ở giải chuyên nghiệp, tên đầy đủ của đội là Thép Việt Úc Hải Phòng. Nhưng mùa giải 2005 tới họ sẽ mang tên Lifan Hải Phòng. 4 tên trong 4 mùa bóng, và không biết sẽ còn bao nhiêu "tiền tố" nữa cho cái tên Hải Phòng vì doanh nghiệp chủ quản Vạn Hoa không tự đứng tên mà sử dụng chính sách bán tên để kiếm tiền.

 

Những cái tên dài ngoằng

Cái tên "Ngân hàng Đông Á Thép Pomina thành phố Hồ Chí Minh" được phát âm trong tiếng Việt gồm tới 13 âm tiết và gồm tới 6 từ, 1 kỷ lục trong bóng đá VN và có thể mang tầm thế giới!

Kém hơn đôi chút, LG Hà Nội ACB cũng bao gồm 3 từ và phải sử dụng đến 7 âm tiết để phát âm. Tương tự là trường hợp của Pjico SLNA. Trường hợp 6 âm tiết (nhưng có tới 4 từ) là Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn. Nhiều nhất là thành phần 5 âm tiết: Gạch Đồng Tâm Long An, Ngói Đồng Tâm Long An, Tôn Hoa Sen Cần Thơ, và mùa trước là Thép Việt Úc Hải Phòng, đều gồm 3 từ.

Điều khác biệt là trên thế giới, một đội bóng có thể có tên đầy đủ khá dài nhưng trong giao tiếp họ được gọi bằng một cái tên ngắn gọn, thường tối đa là 2 từ hoặc thành tố (FC Barcelona, Real Madrid, Manchester United, Ajax Amsterdam, Bayern Munich, AC Milan, Inter Milan, Arsenal, Juventus, Liverpool, Monaco...). Trong khi đó, các đội bóng VN luôn đòi hỏi được gọi tên một cách đầy đủ, thậm chí khi một tờ báo nào đó không gọi đủ tên (thường là phần tên của nhà tài trợ mua tên) thì có ngay đại diện của nhà tài trợ đến tận toà soạn báo đó để yêu cầu viết đầy đủ tên!

Việc viết đầy đủ tên có thể giúp phơi tên nhà tài trợ trên mặt báo, nhưng đòi hỏi đó thể hiện sự thiếu hiểu biết đối với quá trình đọc. Qúa trình đọc thường được thực hiện bằng việc lướt mắt để nhận dạng các nhóm ký tự đủ để độc giả nhận ra từ có ý nghĩa trong câu văn và đoạn văn chứ không phải là quá trình đọc từng từ và nhận dạng từng chữ cái. Hơn thế, các tên dài thường được các báo làm cho ngắn gọn bằng việc viết tắt, thành ra tên những nhà tài trợ ghép tên có thể bị triệt tiêu (kiểu như NHĐA.TP).

 

Cần những chế tài và ý thức xây dựng thương hiệu bóng đá

Có thể việc bán tên giúp đội bóng kiếm tiền nhanh chóng và hiệu quả nhưng việc thiếu nguyên tắc trong ghép tên và đổi tên khiến cho khán giả xa dần đội bóng vì họ cảm thấy phai nhạt ý thức về bản sắc. Không có điều đó sẽ không có sự gắn bó lâu dài giữa cổ động viên và đội bóng, bởi sự gắn kết về tình cảm giữa cổ động viên với cầu thủ không giúp gì cho việc xây dựng lực lượng cổ động viên trung thành.

 

Để những cái tên đi vào lòng người để trở thành thương hiệu, không chỉ đội bóng phải thành công trên sân cỏ mà bản thân cái tên ấy cũng cần phải dễ đi vào lòng người. Trước hết, nó phải ổn định. Sau nữa, nó phải ngắn gọn.

Vì vậy, nên chăng LĐBĐ VN cần quy định mỗi đội bóng cần có phần tên gốc không thay đổi mỗi khi chuyển giao cơ quan chủ quản. Trong trường hợp chuyển giao và thay đổi tên ghép, cái tên ấy cần phải đi cùng với đội trong một thời gian tối thiểu nào đó (4 hay 5 năm chẳng hạn). Và trong điều kiện của bóng đá VN vẫn cần đến việc ghép tên, cũng cần có quy định giới hạn âm tiết cho việc ghép tên, tốt nhất là tên ghép chỉ nên dừng ở mức 2 âm tiết.

Tổng thư ký LĐBĐ VN Phạm Ngọc Viễn hoàn toàn có lý khi phát biểu trong lễ ra mắt CLB Tôn Hoa Sen Cần Thơ rằng trong tương lai tên đội bóng chỉ nên dừng lại ở mức 4 âm tiết, chỉ có điều ông đã không phát biểu điều đó đúng chỗ.

Nhưng trước hết, chính các CLB tự ý thức về việc xây dựng tên đội bóng của mình thành một thương hiệu bóng đá.

VietNamNet

Ảnh trong bài
  • Bi kịch thương hiệu bóng đá Việt Nam