Chuyện bên Tây, chuyện bên ta

 

1. Trọng Lộc, thủ lĩnh và là cầu thủ xuất sắc nhất của Sông Đà Nam Định rốt cuộc đã vắng mặt ở trận cầu quan trọng nhất giải U 21 báo Thanh Niên - trận chung kết - do nhận thẻ vàng thứ hai ở trận bán kết trước đó, thiệt là đau.

Cái đau này giống như cái đau của người bỏ công tán tỉnh đến khô nước miếng và làm hết sức để cưới cho được cô gái mình yêu nhưng đến khi đám cưới được tổ chức rình rang thì mình lại... đi công tác ở đâu đó.

 

 
Dĩ nhiên là dù mình vắng mặt trong cái bữa tiệc quan trọng đó thì bạn bè vẫn thay mặt rước cô dâu về giùm mình, nhưng “cưới vợ” như vậy đúng là chẳng khoái chút nào. Nhất là những cầu thủ Nam Định 19 năm nay không cưới được... chiếc Cúp nào, còn với những cầu thủ trẻ như Trọng Lộc thì đây là lần “hôn nhân” đầu tiên với một chức vô địch cấp quốc gia.

Vụ này làm người viết nhớ lại tình cảnh của Pavel Nedved ở Champions League 2002 - 2003. Là linh hồn của Juventus, Nedved dẫn dắt các chú ngựa vằn thành Turin vào tới trận chung kết Champions League năm đó sau khi đá bại “dream team” Real Madrid ở trận bán kết một cách hào hùng.

Nhưng oái oăm thay, chính ở trận kịch chiến đó, Nedved đã nhận thẻ vàng thứ hai để “đi công tác” ngay trong “đám cưới” của mình ít ngày sau đó.

Thậm chí, Nedved còn xui hơn Trọng Lộc khi không có anh Juventus đành chịu thất bại trong trận chung kết nảy lửa trước AC Milan, nghĩa là rốt cuộc hổng cưới được người đẹp nào ráo trọi.

Cũng may mà cuối cùng Pavel Nedved được nhận danh hiệu Quả bóng vàng châu Âu năm đó, mất chì nhưng được chài cũng chưa đến nỗi gọi là mất trắng, nếu không Nedved đã tưởng địa ngục trút xuống đầu mà chẳng hiểu vì sao.

2.
Hổm rày, báo chí tràn ngập bài viết về Phạm Văn Quyến, đọc đến chóng mặt, thậm chí hai trang web lớn nhất nước là Vietnamnet và VnExpress còn mở cuộc thăm dò ý kiến dư luận về việc Quyến bị huấn luyện viên Tavares loại khỏi đội tuyển quốc gia.

Thực ra, việc một cầu thủ trồi sụt phong độ là chuyện bình thường trong bóng đá. Cỡ Rivaldo và Veron mà còn tụt phong độ thê thảm, nói chi cỡ Phạm Văn Quyến nhà mình. Việc một cầu thủ được gọi vào đội tuyển hay bị loại khỏi đội tuyển cũng chẳng phải là chuyện gì đặc biệt.

Siêu sao như Cantona của Pháp hay Trerenkov của Liên Xô trước đây còn không được các huấn luyện viên Aimé Jacquet và Lobanovski trọng dụng, chẳng qua vì các cầu thủ này không phù hợp với sơ đồ chiến thuật của họ.

Đơn giản thế thôi. Đứng ở góc độ chuyên môn mà nói, đó là vấn đề quan điểm: xây dựng đội tuyển trên cơ sở con người hay trên cơ sở chiến thuật.

Nếu xây dựng đội tuyển trên cơ sở chiến thuật, các huấn luyện viên buộc phải hy sinh những cầu thủ không thích hợp với ý tưởng của mình, dù đó có là một siêu sao. Trên thực tế, hầu hết các huấn luyện viên trên thế giới đều nghiêng về quan điểm này.

Chỉ khi nào trong đội tuyển xuất hiện một ngôi sao tầm cỡ như Maradona, Platini hay Zidane, các huấn luyện viên mới dám xây dựng đội tuyển xoay quanh và phục vụ cho một siêu sao. Trong trường hợp đó, tất cả các đường bóng phát động tấn công đều phải qua chân của các “ông chủ” này. Nguyễn Hồng Sơn của Việt Nam một thời cũng mang dáng dấp như vậy.

3.
Phạm Văn Quyến chưa ở đẳng cấp của Nguyễn Hồng Sơn. Ngay cả trong trường hợp Quyến vẫn giữ được phong độ như ở SEA Games 22, anh cũng không thể trở thành thủ lĩnh của đội tuyển, huống gì hiện nay anh đã đánh mất phong độ vốn có. Vậy việc Quyến rời khỏi đội tuyển xét ra là chuyện bình thường, chẳng có gì đáng để ồn ào.

Nhưng mọi chuyện vẫn cứ ầm ĩ. Ngẫm kỹ, thì ra cũng có cái lý của nó. Vì người bị loại là Phạm Văn Quyến. Nếu cầu thủ bị loại là ai khác, có lẽ dư luận đã không bị khuấy lên. Vì Quyến là Quả bóng vàng Việt Nam 2003. Vì Quyến là đại diện tiêu biểu cho thế hệ vàng sau thế hệ Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Trần Công Minh.

Vì Quyến mang trên người hình ảnh của tương lai bóng đá nước nhà, được người hâm mộ ưu ái, cả ưu đãi, ký thác và gửi gắm bao mơ ước, khát vọng. Tóm lại, vì Quyến đã là người của công chúng. Và tất yếu bị phán xét bởi công chúng.

Người của công chúng (không chỉ trong lãnh vực bóng đá) vinh quang nhưng trách nhiệm xã hội nặng nề, phải biết cách kiểm soát được “con quỷ danh tiếng”. Quyến đã không kiểm soát được, đã để nó cắn mình. Trong trường hợp này, Quyến rất giống David Beckham.

Với bóng đá, Beckham được hâm mộ cực kỳ, cũng như giàu có cực kỳ, và công chúng có quyền muốn nhìn thấy anh sống đúng với danh tiếng của mình. Nghĩa là phải gương mẫu, trên sân bóng cũng như ngoài đời. Khi Beckham lao vào những cuộc phiêu lưu tình ái lăng nhăng hay giở những trò ngu ngốc trên sân bóng, búa rìu dư luận giáng xuống đầu anh nhiều hơn bất cứ một thủ nào khác.

4. Quyến không được như Beckham, lối sinh hoạt ngoài đời cũng không ổn mà lối chơi trên sân cũng có vấn đề. Nhiều người bênh Quyến, cho rằng huấn luyện viên sử dụng anh không đúng chỗ khi xếp anh đá vai hộ công. Bênh kiểu đó bằng mười giết Quyến, vì với những loại “thuốc an thần” kiểu này, Quyến sẽ không có cơ hội để nhìn lại bản thân mình.

 Thực tế, ai cũng thấy trong nhiều trận đấu, ông Tavares đã trả Quyến về với vị trí sở trường của mình. Nhưng Quyến chẳng làm được gì hơn là đem lại nỗi thất vọng sâu xa cho người hâm mộ.

Đó là chưa kể, một tài năng bóng đá thực sự sẽ không gặp vấn đề gì lớn nếu từ tiền đạo cắm chuyển qua đá tiền đạo lùi. Ronaldinho, Raul Gonzales và Wayne Rooney là những ví dụ.

Thực ra vấn đề của Quyến không phải là cắm hay lùi, mà là bản lĩnh, nghị lực, ý thức nghề nghiệp và quan trọng hơn, thái độ đối với cuộc sống. Bốn lần bị loại khỏi đội tuyển quốc gia dưới ba triều huấn luyện viên khác nhau, điều đó không phải là ngẫu nhiên, vì vậy đã không còn là điều bình thường đối với một tuyển thủ. Dự luận ồn lên mấy ngày nay một phần là do vậy.

Tóm lại, theo người viết bài này, loại Quyến khỏi đội tuyển quốc gia trong thời điểm hiện tại là quyết định hoàn toàn chính xác. Dù sao với một cầu thủ thực sự chuyên nghiệp, sự cố đó cũng không phải là trời đã sập xuống đầu.

Với tuổi 20, quỹ thời gian còn khá dài trước mặt, nếu thực sự tỉnh táo và nếu thực sự yêu nghề, Quyến vẫn có cơ hội vươn lên. Lúc đó, mọi người lại đứng về phía Quyến!
 
 -Nguồn Internet-

Ảnh trong bài
  • Chuyện bên Tây, chuyện bên ta