"Luật hoá" để bảo tồn các môn thể thao dân tộc

Nằm ở địa đầu cực Bắc Việt Nam, Hà Giang là một tỉnh miền núi đa dân tộc (22 dân tộc sinh sống trong đó người H mông chiếm tỷ lệ cao nhất 31% dân số toàn tỉnh) nên phong tục tập quán cũng như các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, để bảo tồn, nhân rộng và có thể đưa vào thi đấu thì cần phải tính đến việc "luật hoá" các môn thể thao này.

Nằm ở địa đầu cực Bắc Việt Nam, Hà Giang là một tỉnh miền núi đa dân tộc (22 dân tộc sinh sống trong đó người H mông chiếm tỷ lệ cao nhất 31% dân số toàn tỉnh) nên phong tục tập quán cũng như các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, để bảo tồn, nhân rộng và có thể đưa vào thi đấu thì cần phải tính đến việc "luật hoá" các môn thể thao này.

Trên cơ sở, nội dung định hướng của Vụ thể thao quần chúng - Uỷ ban TDTT, ngành TDTT Hà Giang đã tiếp tục phát hiện, duy trì và đưa các môn thể thao dân tộc vào chương trình hoạt động hàng năm của Tỉnh. Bắt đầu từ năm 1994, Tỉnh đã tổ chức ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc trên địa bàn các huyện, thị và toàn tỉnh. Trong điều lệ của hội thi, ngoài các hoạt động về văn hoá còn có hoạt động thi đấu của các môn thể thao dân tộc như: Võ dân tộc, Đánh đu, Đẩy gậy, Múa khèn, Tung còn, Kéo co, Bắn nỏ... Các môn này đều có những đặc trưng riêng, không giống với các môn thể thao phổ biến khác về cả hình thức tổ chức và cách thức thi đấu.

Đơn cử như môn Tung còn (thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, lễ hội xuống đồng của người dân nơi đây), sau phần lễ thắp hương cầu mong một mùa màng bội thu, phần hội sẽ diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi và Tung còn là môn nhận được sự quan tâm cổ vũ lớn nhất. Tượng trưng cho thần mặt trời là một cây vầu dài khoảng 20m được chôn xuống đất, phía trên là một vòng tròn dán giấy màu đỏ (gọi là cột còn), quả còn được làm bằng những miếng vải nhiều màu rực rỡ, tượng trưng cho hạt giống cầu may. Quả còn sẽ được ném qua vòng tròn, nếu quả còn nào ném qua được vòng tròn đỏ thì đồng nghĩa với việc hạt giống đó sẽ được chọn cho vụ mùa sắp tới. Hình thức tổ chức là như vậy nhưng để ném tới được vòng tròn "mặt trời", người ném phải xoay người từ 2 - 3 vòng mới có lực để ném lên (kỹ thuật gần giống với môn ném đĩa). Đây là môn đòi hỏi người chơi phải có sức khoẻ, thể lực và độ khéo léo cao. Trước sự phát triển mạnh mẽ của môn thể thao này tại các tỉnh phía Bắc, từ năm 2001, Uỷ ban TDTT đã lượng hoá và quy định cột còn cao 20m và khi thi đấu phải chia bên, mỗi đội có từ 2 đến 4 nguời ném.

Bắn nỏ: Môn thể thao thế mạnh của các tỉnh miền núi phía Bắc (Ảnh:TT)

Song đây chỉ là một trong rất nhiều môn thể thao dân tộc ở Hà Giang nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung đã được "luật hoá" (tính đến nay mới chỉ có các môn: Bắn nỏ, Tung còn, Kéo co, Đẩy gậy, Đua ghe ngo, Vật dân tộc, Vovinam và Võ cổ truyền có luật thi đấu). Theo lời ông Phạm Thế Hải, Phó giám đốc Sở TDTT Hà Giang, người đã có nhiều nghiên cứu về các môn thể thao dân tộc cho biết " Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn hơn 10 môn thể thao dân tộc được người dân yêu thích và thường xuyên tổ chức thi đấu nhưng chưa có luật chơi cụ thể (nếu có thì đó chỉ là những quy định riêng với nhau, chưa có văn bản ban hành) vì thế rất khó tổ chức các giải đấu có quy mô lớn mang tầm cỡ liên tỉnh, cũng như chưa có một thang điểm chuẩn nào để đánh giá "thành tích" của những người chơi (như môn Múa khèn, chơi quay, đánh đu...)

Việc đưa ra điều luật cho các môn thể thao dân tộc tại các tỉnh miền núi phía Bắc là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, kể từ khi một số môn thể thao dân tộc có luật thi đấu riêng, các tỉnh miền núi đã có thêm cơ hội được giao lưu, thi đấu và giành được kết quả nhất định tại các giải đấu quốc gia. Tính đến yếu tố đó, Uỷ ban TDTT đã đưa vào chương trình thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V 6 môn thể thao dân tộc. Đây sẽ là cơ hội tốt để các tỉnh phát triển mạnh hơn nữa về những môn thể thao này, từng bước nâng cao bảng thành tích chung của tỉnh nhà.

Khi được hỏi về giải pháp nhằm thực hiện việc nhân rộng và quảng bá những môn thể thao dân tộc tới đông đảo quần chúng nhân dân trong cả nước, ông Phạm Thế Hải tâm sự với chúng tôi: "Mỗi một vùng, miền đều có những đặc trưng riêng vì thế số lượng các môn thể thao dân tộc của chúng ta là rất nhiều do đó giải pháp tối ưu nhất là luật hoá các môn thể thao này. Có luật, việc tổ chức thi đấu sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn, số lượng các VĐV tham dự sẽ đông hơn và tất yếu mọi người sẽ biết đến nó nhiều hơn. Song muốn thực hiện được việc này thật không đơn giản, theo ý kiến cá nhân tôi, Uỷ ban TDTT nên tổ chức hội thảo về các môn thể thao dân tộc. Từ những buổi hội thảo này, chúng ta sẽ bàn bạc, xem xét những môn đó có thể phát triển, có khả năng luật hoá để đưa vào thi đấu được không. Cụ thể mỗi một vùng miền sẽ có trách nhiệm trình bày về quá trình phát triển cũng như thị phạm động tác để tìm ra đồ hình di chuyển, xây dựng các yêu cầu về mặt kỹ thuật cho từng môn. Hơn nữa, việc luật hoá các môn thể thao dân tộc còn có ý nghĩa lớn trong việc tuyển chọn và huấn luyện các VĐV tham gia thi đấu"

Do những yếu tố khách quan và chủ quan mà một số môn thể thao hiện đại khó phát triển tại các tỉnh miền núi vì vậy việc bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc là vô cùng cần thiết. Việc xây dựng thành công luật thi đấu cho các môn thể thao dân tộc không những tạo đà phát triển cho phong trào thể thao quần chúng mà còn góp phần gắn kết các dân tộc lại với nhau, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho.

NTH

 

Ảnh trong bài
  • "Luật hoá" để bảo tồn các môn thể thao dân tộc