Từ Văn Quyến đến Tấn Tài:Hội chứng tâm lý hay nhân cách?

Họ chỉ vừa bước vào tuổi 20, độ tuổi mà ở VN người ta mới chỉ đang tiếp nhận quyền tự chủ của mỗi cá nhân, nhưng đã phải đón nhận những vinh quang bất ngờ đối với chính họ: Văn Quyến trở thành cầu thủ xuất sắc nhất và được coi là ngôi sao số 1 của bóng đá nước nhà, trong khi Tấn Tài chưa hề được chuẩn bị với việc anh được gọi vào đội tuyển. Đó phải chăng là nguồn gốc của vấn đề?

 

Họ chỉ vừa bước vào tuổi 20, độ tuổi mà ở VN người ta mới chỉ đang tiếp nhận quyền tự chủ của mỗi cá nhân, nhưng đã phải đón nhận những vinh quang bất ngờ đối với chính họ: Văn Quyến trở thành cầu thủ xuất sắc nhất và được coi là ngôi sao số 1 của bóng đá nước nhà, trong khi Tấn Tài chưa hề được chuẩn bị với việc anh được gọi vào đội tuyển. Đó phải chăng là nguồn gốc của vấn đề?

Văn Quyến: Từ mặc cảm đến tự tôn và thái độ bất cần 

 

Chúng ta nhắc rất nhiều đến hoàn cảnh gia đình và tuổi thơ của Quyến. Đó chắc chắn là một phần quan trọng hình thành tính cách và lối ứng xử của Quyến.

Cần phải hình dung được những gì mà cậu đã phải đối diện trong suốt thời thơ ấu của mình, nhất là trước những đứa trẻ cùng trang lứa. Những lời chế giễu về hoàn cảnh của cậu trong khi khả năng cậu bị chèn ép giữa chúng bạn chắc chắn là điều đã diễn ra trong phần lớn thời thơ ấu của Quyến, và cậu phải học cách tồn tại trong hoàn cảnh ấy. Theo bạn, có bao nhiêu khả năng cho cách ứng xử của Quyến? Người viết tin rằng biện pháp phớt lờ tất cả là giải pháp hiệu quả nhất, bằng không, cậu phải nổi loạn để chống lại tất cả mọi thứ xung quanh để rồi nhận ra rằng đó là điều không thể, rốt cục vẫn phải trốn tránh theo kiểu bỏ đi bụi đời hay nằm bẹp ở nhà để nghe những lời an ủi của mẹ.

Sự phớt lờ cũng thể hiện bản lĩnh của Quyến, vì nếu chúng ta nhớ lại tuổi thơ của mình thì mới có thể hình dung được điều đó khó như thế nào. Phải có một bản năng sinh tồn, một khát vọng sống mạnh mẽ mới khiến cậu có thể đi qua tuổi thơ của mình theo cách đó. Nhưng khó có thể nói rằng đó là một tính cách mạnh mẽ, đơn giản vì bất kỳ một đứa trẻ nào cũng rất dễ bị tổn thương.

Quyến đã bị tổn thương suốt tuổi thơ của mình, điều đó chắc chắn khiến cậu mặc cảm, và mặc cảm ấy hằn sâu vào tiềm thức của cậu. Chưa có ai giúp cậu vượt qua được trạng thái mặc cảm ấy, cho dù ở SLNA đã có những người cố gắng hiểu và đồng cảm với cậu. Rốt cục thì không thể đòi hỏi tất cả mọi người đều hiểu và đồng cảm với Quyến, nhất là các HLV ngoại, và vấn đề mà chúng ta phải giải quyết là giúp Quyến vượt qua được mặc cảm ấy nếu không muốn Quyến phải tự tìm cách vượt qua bằng những biện pháp hào nhoáng.

Trong khi đó, những biện pháp hào nhoáng lại đến với Quyến quá dễ dàng, từ khi cậu toả sáng ở VCK giải U-16 châu Á rồi SEA Games 22. Cậu được mọi người trọng vọng, có nhiều tiền để tiêu, được tiếp xúc với tầng lớp "elite" (thượng lưu)... và dường như mặc cảm tan biến. Nhưng những biện pháp như thế không chữa được tận gốc "căn bệnh" của cậu, vì mặc cảm của cậu đã đi tận vào tiềm thức và đã định hình tính cách, lối ứng xử của cậu. Bằng chứng: Quyến vẫn phớt lờ mọi thứ xung quanh ngay cả khi mọi người đang tung hô mình, y như cách mà cậu xử lý mọi thứ khi người khác đang chế giễu mình.

Nhiều người sẽ cho rằng sự phớt lờ đó là biểu hiện của "bệnh sao". Nhưng bệnh sao lại là sản phẩm của sự tự tôn thái quá, và đây là điều cực kỳ khó lý giải với trường hợp của Quyến. Rất có thể là hai trạng thái mặc cảm và tự tôn cùng tồn tại trong con người Quyến, khiến bản thân cậu là một sự mâu thuẫn nội tại, còn với mọi người thì cậu là một bí ẩn.

Khả năng khác là Quyến đã biến đổi quá nhanh từ trạng thái mặc cảm sang trạng thái tự tôn nên dễ gây ra "nhầm lẫn" về hai trạng thái này trong lối ứng xử của cậu. Trong cả hai trường hợp, Quyến đều gặp khó khăn trong ứng xử xã hội, đặc biệt khi mà cậu đã là người của công chúng.

 

Tấn Tài: Từ mặc cảm đến hèn nhát và sự thoái thác

Không có bất thường nào được phát hiện trong tuổi thơ của Tấn Tài. Nhưng có một điều tương đối bất thường trong con đường trở thành cầu thủ và nhất là con đường vào đội tuyển của cầu thủ này: không được đào tạo cơ bản. Việc Tài tiến thẳng từ bóng đá học đường lên hạng Nhì đã là một bước tiến khá nhanh, nhưng khi từ hạng Nhì tiến thẳng lên đội tuyển thì càng là chuyện lạ. Chỉ 2 năm từ cầu thủ chân đất thành tuyển thủ quốc gia thật sự là điều không dễ đón nhận với một chàng trai chỉ mới ở tuổi 20.

  Tấn Tài chưa sẵn sàng để đón nhận. Anh thể hiện sự mặc cảm to lớn trước các đồng đội khi anh xa lánh

 
và liên tục đòi về. Không thuyết phục khi nói rằng anh xin về bằng được là để đá VCK giải U-21, bởi về bất cứ phương diện nào thì các trận đấu ở giải U-21 cũng không giá trị bằng các buổi tập ở đội tuyển. Sự khác biệt chính là khi về đá giải U-21, mặc cảm tự ti của Tài tan biến và anh lại thể hiện mình là một cầu thủ giỏi ở lứa tuổi ấy.

Khác với Quyến, giấu mặc cảm của mình trong tiềm thức mà không trốn tránh cuộc sống bằng cách thể hiện sự phớt lờ mọi thứ, Tài quá yếu đuối để tiếp tục cuộc chơi mà anh cảm thấy quá sức mình. Anh không nhận được sự khích lệ cần thiết để vượt qua mặc cảm đó, hoặc anh không thật sự muốn vượt qua, thể hiện ở thái độ thiếu thiện chí.

Nhưng trốn tránh bằng được một cách hèn nhát (chắc việc anh quỳ lạy hay khóc lóc không phải là việc người ta vu khống cho anh) thì không chỉ là vấn đề tâm lý mà thuộc phạm trù nhân cách. Rõ ràng là anh không được giáo dục và cũng không tự nhận thức được phải đối diện với những tình huống kiểu ấy như thế nào cho xứng đáng với một con người và một người đàn ông.

 

Giáo dục nhân cách, ứng xử và chuyên gia tâm lý

Hầu hết các đội bóng Việt Nam chỉ lo dạy cầu thủ về chuyên môn và những mẹo vặt trong thi đấu, ứng xử. Những đội bóng, những ông thầy "có trách nhiệm" hơn thì hay lấy những mớ giáo điều ra để rao giảng cho cầu thủ mà không tự mình thực hiện. Nếu họ nói về mình như một tấm gương thì cũng chỉ nói "ngày xưa" chứ không nói đến chính họ ngày nay có thật sự là một tấm gương hay không.

Nhân cách không phải là sự rập khuôn những giáo điều (không cờ bạc, rượu chè, trai gái...). Những phẩm giá như lòng tự trọng, sự liêm sỉ và ý thức tôn trọng người khác quan trọng hơn những giáo điều như vậy.

Nhưng từ nhận thức đến hành động (thể hiện qua ứng xử) là một khoảng cách. Cũng cần phải có sự giáo dục cần thiết về nghệ thuật ứng xử đề san lấp khoảng cách ấy. Đối với những con người của công chúng như các ngôi sao bóng đá, nghệ thuật ứng xử càng là điều quan trọng.

Giáo dục nhân cách giúp cho cầu thủ tự đứng vững được trước những tình huống có vấn đề, nhưng chúng ta không thể đòi hỏi các cầu thủ có thể đứng vững được trước mọi tình huống, do khả năng nhận thức và bản lĩnh của từng người là có hạn. Trong những tình huống khó khăn đó, họ cần có sự trợ giúp về tâm lý, tinh thần từ các chuyên gia tâm lý, nếu không phải là các bác sỹ tâm lý được đào tạo bài bản thì cũng là từ những người "tâm lý", kiểu như cựu Giám đốc điều hành SLNA Nguyễn Hồng Thanh đối với Văn Quyến.

Và nói chung, cần phải hạn chế đặt các cầu thủ vào trạng thái bị sốc về tâm lý (kể cả là vinh quang đến quá nhanh) để họ trưởng thành dần dần cả về tinh thần thì mới có khả năng tự đứng vững sau những thành công chuyên môn.

Nói cách khác, chúng ta phải có trách nhiệm hạn chế đốt cháy giai đoạn như trường hợp của Tấn Tài vừa qua.

-Nguồn Internet-

Ảnh trong bài
  • Từ Văn Quyến đến Tấn Tài:Hội chứng tâm lý hay nhân cách?