5 nghịch lý trước mùa V-League mới

Trong khi đội tuyển đang chuẩn bị vào cuộc sát hạch lớn tại Tiger Cup thì các CLB đang ráo riết chạy đà trước khi bước vào mùa Chuyên nghiệp mới. Cái mùa bóng mà VFF và ban vận động tài trợ vừa thở phào sau khi tìm được nước ngọt (Number One) và bia (Laser) thay cho việc ăn bánh (Kinh Đô) như mùa qua.

 

Trong khi đội tuyển đang chuẩn bị vào cuộc sát hạch lớn tại Tiger Cup thì các CLB đang ráo riết chạy đà trước khi bước vào mùa Chuyên nghiệp mới. Cái mùa bóng mà VFF và ban vận động tài trợ vừa thở phào sau khi tìm được nước ngọt (Number One) và bia (Laser) thay cho việc ăn bánh (Kinh Đô) như mùa qua.

  •  
  • 1- Chiếc áo chuyên nghiệp
 

 

 

Thông báo tuyển cầu thủ năng khiếu của Gạch Đồng Tâm-Long An làm nhiều người trong giới chuyên môn trong làng bóng đá Việt Nam giật mình. Sự giật mình ở đây không liên quan nhiều đến đội bóng này mà chủ yếu lại hướng về nhiều đội bóng khoác lên mình hai chữ chuyên nghiệp nhưng lại không hề muốn phát triển tuyến trẻ.

 

Một HLV chuyên nghiệp chỉ ra hàng loạt những CLB có khuynh hướng ăn xổi với việc tung tiền mua cầu thủ cho từng vụ mùa nhiều hơn là hình thành từng tuyến theo đúng mô hình của CLB chuyên nghiệp.

Như đương kim vô địch Hoàng Anh-Gia Lai chẳng hạn. Tung tiền mua cầu thủ ngoại giá trị cao làm bộ khung ở từng tuyến và cũng không ngần ngại săn hàng nội chất lượng cao. Việc tuyển cầu thủ trẻ duy nhất mà CLB này làm được lại không phải từ cái nền mà Sở TDTT Gia Lai từng làm rất tốt mà là mở một cuộc tuyển quân trên toàn quốc ở lứa tuổi phục vụ cho U-21. Có thể bầu Đức khi thực hiện “chiến lược” của mình đã nhắm đến từng giai đoạn ngắn nhưng rõ ràng với hệ thống ấy thì chưa thể xem là chuyên nghiệp toàn phần được.

Với Đà Nẵng và Bình Dương cũng thế. Họ mới chỉ thể hiện được tính chất mạnh vì gạo, bạo vì tiền chứ chưa cho thấy một lối ra ở tuyến đào tạo dù hàng năm việc ngốn tiền cho cái quỹ đào tạo thật mơ hồ.

Bây giờ thì các đội đang chuẩn bị dậm nhảy vào giải đấu tiếp theo của mùa chuyên nghiệp mới với chiếc áo chuyên nghiệp đã bị khoác lên từ rất lâu.

  •  
  • 2- “Cơ chế thoáng” và nghề giám sát

Ở các nền bóng đá quốc gia, khi tuyến trẻ thất bại thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là ông Trưởng ban đào tạo trẻ. Ở ta, điều ấy lại đang được đánh đồng bởi ông Trưởng ban đào tạo trẻ khi lên tiếng thì lập tức nó liên quan đến hàng loạt các ban khác như Ban tài chính, Ban vận động tài trợ và thậm chí là Ban tổ chức thi đấu.

Cái “cơ chế thoáng” của ta đôi khi lại đi chệch ra cả đường ray và vẫn bị xem là “thoáng”. Chẳng hạn, cứ chuẩn bị đến mùa giải chuyên nghiệp thì hàng loạt các quan chức lại chạy suất giám sát để tìm bổng lộc chính thay vì làm đúng và làm đủ trách nhiệm của mình. Thế mới có chuyện ông Trưởng ban đào tạo trẻ hàng tuần vẫn bay nhảy đến các sân để ghi ghi, chép chép và báo cáo về tình hình, diễn biến trận đấu hơn là làm đúng trách nhiệm của người cầm chịch trong việc đào tạo trẻ.

Và người ta hoàn toàn có thể chỉ ra bao nhiêu người đã tận dụng “cơ chế thoáng” để xin được suất giám sát ngồi mát ăn bát vàng. Cái nghề mà lâu nay giới bóng đá thường nói là được ăn, được nói và được gói mang về còn trách nhiệm thì… đã có trọng tài lãnh.

  •  
  • 3- “Hưởng ứng” cùng đội tuyển quá lâu

Trong khi đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho Tiger Cup thì hầu hết các hoạt động của các CLB cũng bị ngừng lại để… chờ. Vấn đề này ông A.Riedl từng lên tiếng về việc tập trung và chuẩn bị cho đội tuyển quá dài làm ảnh hưởng đến mọi hoạt động của bóng đá Việt Nam và của các CLB.

Sáu tháng chờ đợi đối với các CLB để “hưởng ứng” cùng với đội tuyển (và cũng là để chờ quân) là một quãng thời gian quá dài và đầy ngán ngẩm đối với các CLB và cả những cầu thủ không tham gia đội tuyển. Không đá, thu nhập của họ đương nhiên sẽ bị giảm và tập chay mãi suốt 6 tháng cũng không phải là một phương pháp tốt. Thế nên, các CLB cứ khai sinh ra hàng loạt giải tập huấn và chất lượng của giải này thì ai cũng biết.

Cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và cũng là Giám đốc kỹ thuật Gạch Đồng Tâm-Long An Calisto trong thời gian chờ đợi và “hưởng ứng” đã phải thốt lên: “Làm HLV ở Việt Nam khó thật! Chỉ mỗi việc chờ – đợi – kiên nhẫn và điều chỉnh suốt thời gian dài thôi cũng thấy họ rất giỏi…”.

Từ đây đến Tiger Cup đối với nhiều người là rất ngắn, nhưng với hàng loạt con người sống và thở với bóng đá lại cứ mong, đợi và chờ cho 6 tháng mau qua thôi cũng là một kỳ tích.

  •  
  • 4- “Vua” giải sầu

Nói đến thành công và thất bại của các mùa giải chuyên nghiệp, bao giờ người ta cũng đề cập rất đậm về lực lượng trọng tài. Thế mà thời gian qua, đội ngũ này cứ phải đợi và chờ với một tâm lý bất an: Ai quan hệ tốt và ai may mắn thì được gọi đi làm giải này giải nọ mới có thu nhập.

Thế nên có trọng tài mùa này không tập huấn và cũng không nâng cao tay nghề mà đi học quản lý hành chánh ở địa phương. Có trọng tài năng động hơn với bằng cấp sư phạm thì về xin được dạy thêm… Những ông vua đang phải chống chọi với thu nhập hàng tháng khi bóng không lăn và nói như nhiều người là họ phải cam chịu thất thu và chờ đến mùa giải (cũng bị mang tiếng là mùa gặt).

Nhưng cái lo lớn hơn của các vua là sắp tới ai được kêu, ai được châm chước ngoài danh sách “con ông cháu cha”?

Đấy là lý do vì sao mà chưa vào giải và đang thất thu, không lương nhưng nhiều trọng tài lại tốn khá nhiều tiền gọi di động. Lại có người móc túi bay ra cả Hà Nội để… quan hệ!

  •  
  • 5- Tranh nhau mua “đồ cổ”

Hữu Đang vừa bị Hoàng Anh-Gia Lai kết thúc hợp đồng ở tuổi 34, lập tức được hàng loạt CLB mời chào với giá cao. Trương Văn Dũ vừa được Bình Dương cho nghỉ, lập tức được Tôn Hoa Sen-Cần Thơ mua ngay với giá cao. Tương tự, hàng loạt các cầu thủ đã có ý định treo giày nhưng vì lượng cầu cao, thế là lại xỏ giày đi đánh thuê.

Mặt bằng cầu thủ nội đá V-League rõ ràng là quá hẹp. Cũng chính vì thế mà nhiều khi cầu thủ ở CLB này bị sa thải vì vấn đề đạo đức, lập tức hàng loạt CLB trải thảm đỏ mời về bất kể lý lịch và cái nền đạo đức.

Một HLV từng than thở những biện pháp giáo dục của ông không thể thực hiện được vì sự chụp giựt trong cái mặt bằng cầu thủ nội đang khan hiếm trầm trọng. Những cái giá cao ngất cứ được đẩy ra bất kể “tiền thân” và thế là…


Mùa giải mới đang được chuẩn bị với những chuyển động ngầm và những nỗi lo từ chiếc áo chuyên nghiệp như thế đấy! Những nghịch lý muôn thuở và ai sẽ là người giải quyết để nắn nó vào đúng cái quỹ đạo chuyên nghiệp đúng với cái tên mà người ta mang nó?...

                                                                                                                              -SGGP Net-

Ảnh trong bài
  • 5 nghịch lý trước mùa V-League mới