Lượng đã đổi, còn chất?

Chưa giai đoạn nào bóng đá phía Bắc lại có được nhiều sự quan tâm đầu tư như giai đoạn hiện nay. Lần đầu tiên Hải Phòng được khoác trên mình chiếc áo mới Vạn Hoa, HP.HN cũng lột xác về mọi mặt khi thăng hạng, PJICO SLNA yên tâm về kinh phí hoạt động, LG.HN ACB vẫn sống khoẻ nhờ “bầu sữa của LG và ACB, SĐ.NĐ cũng ổn định với khoản tài trợ của Tổng công ty Sông Đà… Sự thay đổi về lượng (tài chính, mô hình…) liệu có kéo chất (thành tích) lên theo?

Chưa giai đoạn nào bóng đá phía Bắc lại có được nhiều sự quan tâm đầu tư như giai đoạn hiện nay. Lần đầu tiên Hải Phòng được khoác trên mình chiếc áo mới Vạn Hoa, HP.HN cũng lột xác về mọi mặt khi thăng hạng, PJICO SLNA yên tâm về kinh phí hoạt động, LG.HN ACB vẫn sống khoẻ nhờ “bầu sữa của LG và ACB, SĐ.NĐ cũng ổn định với khoản tài trợ của Tổng công ty Sông Đà… Sự thay đổi về lượng (tài chính, mô hình…) liệu có kéo chất (thành tích) lên theo?
 

Thập kỷ 80 của thế kỷ trước, bóng đá phía Bắc với các đại biểu ưu tú như CLB Quân đội, Công nghiệp Hà Nam Ninh, CA Hải Phòng… thường chiếm ưu thế so với các địa phương khác. Thế nhưng ưu thế đó ngày càng phai nhạt, và đến khi bóng đá Việt Nam chuyển mình sang chuyên nghiệp, phía Bắc không còn là “kinh đô” của bóng đá Việt Nam nữa. Dấu ấn duy nhất của bóng đá phía Bắc là chức vô địch V.League 2000/01 của SLNA. Điều này được lý giải bởi nhiều nguyên nhân như sự không thích ứng kịp với cơ chế mới, chậm tận dụng sự ủng hộ của các doanh nghiệp và đặc biệt là cách nghĩ, cách tư duy theo kiểu “đá chỉ để tồn tại” khiến biểu đồ thành tích bóng đá phía Bắc dần đi xuống… Những vấn đề còn tồn đọng của bóng đá phía Bắc đang được các nhà làm bóng đá trẻ “dám” rũ bỏ bằng việc đầu tư mạnh mẽ, thiết lập một cơ chế quản lý, điều hành mới được đánh giá là khá chuyên nghiệp. Quan trọng hơn, mục tiêu của họ trong các cuộc chơi luôn được đẩy lên mức cao hơn trước. Tất cả những điều đó là tín hiệu mừng cho bóng đá phía Bắc nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tương lai của những LG.HN ACB, Hải Phòng, SĐ.NĐ, HP.HN ở V.League 2005.

Với HP.HN, những thương vụ mua sắm trong thời gian vừa qua cộng thêm hàng loạt những động thái được đánh giá là tích cực chuẩn bị cho mùa bóng mới cũng không giúp họ đủ tự tin đề ra mục tiêu quá cao. Có lẽ, với những điều kiện hiện có thì trụ hạng cũng là thành công với HP.HN… Vẫn ổn định về tài chính và không có nhiều thay đổi về lực lượng ngoại, trừ sự ra đi của HLV “du mục” Lê Thuỵ Hải và tiền đạo Achilefu nhưng để có được một phong độ tốt và vị trí thứ 5 như đã từng làm được tại V.League 2004 cũng không hề dễ dàng gì...

Xuôi xuống Hải Phòng, sự có mặt của Vạn Hoa được đánh giá như một luồng gió mới tràn vào bóng đá nơi đây. Lương, thưởng, bộ máy điều hành đều được “nâng cấp”, thuê HLV ngoại, cầu thủ ngoại là những việc làm thể hiện quyết tâm của Vạn Hoa nhưng chừng đó là chưa đủ cho một tương lai sáng sủa của bóng đá đất Cảng. Ai đó đã nhận xét, Hải Phòng muốn thành công thì phải biết cách trị được những cầu thủ vốn gây ra rất nhiều tai tiếng về sinh hoạt - một điều rất khó khăn.

Duy chỉ có SĐ.NĐ và PJICO SLNA là khá ung dung trước mùa giải mới. Xét về lực lượng, cả hai đội bóng này đều có khả năng chơi sòng phẳng với bất kỳ đối thủ nào. Thế nhưng, với SĐ.NĐ thì tham vọng thực của họ lại chính là rào cản cho một mục tiêu cao, còn với PJCO SLNA, những “cơn sóng ngầm” trong giới cầu thủ nếu không được giải quyết triệt để rất có thể sẽ là trở ngại lớn nhất của họ…

Mọi điều kiện về mô hình, cơ chế, tài chính đã được đảm bảo nhưng xem ra nếu không giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại, rất khó để các danh hiệu của mùa bóng 2004 tìm đến với đất Bắc!

-Nguồn Internet-

Ảnh trong bài
  • Lượng đã đổi, còn chất?