Đội tuyển nữ Việt Nam: niềm vui và nỗi lo (22/11/2004)

Vô địch giải Than Việt Nam mở rộng lần thứ hai liên tiếp, các cô gái ĐTVN vui ngất trời. Nhưng đằng sau niềm vui ấy là nỗi lo...

Vô địch giải Than Việt Nam mở rộng lần thứ hai liên tiếp, các cô gái ĐTVN vui ngất trời. Nhưng đằng sau niềm vui ấy là nỗi lo...

 

 

Nỗi lo từ hàng thủ

 

Không lo sao được, khi hàng hậu vệ của nhà đương kim vô địch SEA Games chơi như một đội bóng... làng. Từ Vũ Thị Hậu, Phan Thị Anh Đào cho đến Vũ Thị Tân, tất cả đều thể hiện sự hấp tấp, non kém và tâm lý căng thẳng quá mức, mặc dù Tân là cầu thủ đã được trải nghiệm ở SEA Games 22, còn Hậu cũng đã có "thâm niên" đáng kể trong ĐTVN.

Mỗi khi có 1 trong 3 vị trí kể trên tiếp bóng, gần như cả SVĐ Cửa Ông lại phải... nín thở chờ đợi những diễn biến tiếp theo. Một cú khống chế hỏng? Một pha phá bóng rất mạnh lên đằng trước, nhưng bóng lại... rót ngược về phía sau? Một đường chuyền sai địa chỉ? Tất cả đều có thể xảy ra.

Hãy xem cái cách mà Anh Đào đưa bóng như... đặt vào chân tiền đạo Đài Loan cách khu cấm địa của đội nhà chỉ vài mét. Lại nữa, Vũ Thị Hậu - chốt chặn cuối cùng - cũng không ít lần "chói mắt" với những pha bóng bổng, để rồi phá hụt... Những động tác kỹ thuật hết sức cơ bản cũng bị thực hiện sai, chưa nói đến chuyện di chuyển bọc lót ra sao, bẫy việt vị thế nào...

Nếu BHL ĐT bóng đá nữ VN ấp ủ hy vọng thử nghiệm những gương mặt mới ở tuyến phòng ngự cho tương lai, thì có lẽ họ đã thất vọng tràn trề. Vắng mặt các cựu binh như Bích Hạnh (không tham gia giải), Bùi Thị Tuyết, Đào Thị Miện (tăng cường về Than Cửa Ông), án ngữ trước cầu môn của ĐTVN chỉ còn lại một hàng rào mong manh, có cảm giác sẽ bất thình lình gãy vụn.

Gãy vụn mà không cần đối phương phải tấn công. Thực tế là cả giải Than Việt Nam vừa qua, hàng thủ của ĐTVN hầu như chưa có phút nào phải đối diện với những pha hãm thành nguy hiểm. Họ toàn thắng cả 3 trận và không để thủng lưới một lần nào. Đơn giản vì tất cả các đối thủ của họ đều quá yếu. 

 

 

Thế nhưng vẫn không ít lần thủ môn Tuyết Mai phải choáng váng. Xuất phát từ những lỗi lầm ngớ ngẩn của 3 hậu vệ ĐTVN, ngay cả những đội bóng... không biết tấn công như Hongkong cũng có những cơ hội của mình. 

 

 

Nỗi lo từ hàng công

Hàng thủ đã vậy, hàng công cũng không thực sự nổi trội, dù các chân sút ĐTVN đã có tổng cộng 8 bàn thắng tại giải năm nay. Người được đánh giá cao nhất trong số các tiền đạo là Hồng Tiến cũng chỉ thể hiện được phẩm chất thể lực, chứ chưa tinh quái và nhiều "kỹ xảo" như lứa đàn chị Ngọc Mai, Minh Nguyệt. 

So với Hồng Tiến, Tuyết Mai chịu cầm bóng hơn, nhưng cũng tự gây ra nhiều phiền phức hơn trong khâu phát triển tấn công. Khả năng kết thúc của Mai cũng có vấn đề. Và nói chung là cặp tiền đạo này không mấy khi có những pha phối hợp ở đẳng cấp cao.

Điển hình là cuộc chạm trán mang tính chất then chốt với Đài Loan. Suốt 3/4 thời gian có mặt cùng nhau, cả Tiến và Mai đều không hề dứt điểm về phía thủ môn Chen Hui Shan. Những người thay thế họ, Minh Nguyệt (thực chất là tiền vệ) và Lê Thị Oanh chưa đủ thời gian để chứng tỏ được gì.

Trong khi đó, hàng tiền vệ - điểm mạnh nhất của ĐTVN từ trước đến nay - cũng tỏ rõ dấu hiệu chuệch choạc. Dù đây là một tập thể đồng đều nhất, và đã chơi cùng nhau khá lâu nhưng khi BHL đưa ra những điều chỉnh, họ cũng không thích ứng tốt.

Ngoài Kim Hồng rất năng nổ, xông xáo bên hành lang phải - y như cái cách mà cô chơi cho Than Cửa Ông giải năm ngoái - và Kim Chi vẫn thể hiện được cốt cách của người điều tiết nhịp độ tấn công, những người còn lại đều "phập phù" và có dấu hiệu chững lại.

Văn Thị Thanh chỉ xuất sắc khi được bám biên trái sở trường. Khi HLV Mai Đức Chung, rồi trợ lý Vũ Bá Đông xếp cô trám vào giữa ở hai trận đấu cuối cùng, Thanh đã không còn là chính mình. Chuyền hỏng nhiều, sút thiếu uy lực, chỉ còn khả năng thu hút hậu vệ đối phương, để Thanh chơi ở vị trí đó quả là rất phí.

Vũ Thị Hương, người đã tồn tại trong ĐTVN cho đến cận ngày khai mạc SEA Games, dù đã có nhiều tiến bộ trong khâu kiến thiết, nhưng vẫn bộc lộ sự lúng túng mỗi khi bị đối phương tranh chấp. Trong khi Từ Thị Phụ, có bàn thắng quyết định ở trận "chung kết" với Đài Loan, sẽ phù hợp hơn với vai trò "siêu dự bị".

Đây là thực tế, bởi vì để hướng đến SEA Games 23, BHL không thể không gọi lại các cựu binh. Khi ấy, chỉ Văn Thị Thanh, Kim Chi, Kim Hồng, và ở chừng mực nào đó là thủ môn Tuyết Mai, sẽ có được vị trí an toàn. Những cô gái khác đều phải cố gắng vượt bậc thì mới có thêm những hy vọng mới. 

( Theo VietNam Net)

Ảnh trong bài
  •  Đội tuyển nữ Việt Nam: niềm vui và nỗi lo (22/11/2004)