Bóng đá Việt Nam học hỏi được gì?

Những kinh nghiệm tiếp thị - tài chính của bóng đá Singapore rất hữu dụng, nhưng dường như chưa được Ban Tiếp thị - Tài trợ LĐBĐVN quan tâm đúng mức... Bài học từ Singapore

Những kinh nghiệm tiếp thị - tài chính của bóng đá Singapore rất hữu dụng, nhưng dường như chưa được Ban Tiếp thị - Tài trợ LĐBĐVN quan tâm đúng mức... 

 

Bài học từ Singapore

Trong buổi bế mạc Hội thảo Cộng đồng - Thống nhất do FIFA phối hợp với LĐBĐVN tổ chức chiều nay, ông Winston Lee (Giám đốc Tiếp thị - Tài chính LĐBĐ Singapore) đã nêu lên nhiều kinh nghiệm tổ chức các giải đấu cũng như các "cách kiếm tiền" khác nhờ bóng đá. Singapore chỉ có 3 triệu dân và không có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng sự phát triển đúng hướng của công tác tiếp thị - tài trợ và quảng bá thương hiệu đã giúp họ đưa S-League trở thành giải đấu số 1 ĐNÁ.

Theo ông Lee, những người làm bóng đá Singapore luôn tâm niệm khẩu hiệu: "S-League là của khán giả"! Bóng đá trở thành một ngành giải trí và mỗi trận đấu ngoài 90 phút trên sân còn nhiều khoảnh khắc ngoài sân cỏ. Do đó, giữ liên hệ với khán giả là điều vô cùng quan trọng.

Để thu hút người hâm mộ đến sân và tránh sức hút từ các giải bóng đá châu Âu, S-League đã được chuyển sang thi đấu vào ngày thứ Sáu. Theo sự bầu chọn của khán giả, BTC lập hẳn ra một đội hình các ngôi sao S-League. Tất cả những ai ủng hộ cho S-League bằng cách thường xuyên đến sân xem bóng đá đều được biểu dương vào cuối mùa giải.

Một điều đặc biệt là S-League có sự góp mặt của 2 đội khách mời quốc tế: Abirex Niigata của Nhật Bản và Sinchi TV của Trung Quốc. Một mũi tên trúng ba cái đích: tăng chất lượng chuyên môn của các CLB trong nước (nhờ cọ xát với đối thủ nước ngoài), kéo thêm những nhà tài trợ khác (như Abirex Niigata đến Singapore cùng nhãn hiệu Sony) và quảng bá hình ảnh của giải đấu. Với cách làm đó, giá trị thương mại của S-League sẽ tăng dần lên. 

 

Việt Nam học hỏi được gì?

Bài học của bóng đá Singapore có nhiều nét hết sức thú vị và bổ ích đối với một nền bóng đá đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, những gì mà đại diện của VFF "bộc bạch" về công tác tiếp thị - tài trợ và makerting của chúng ta lại làm cho nhiều người không khỏi... hụt hẫng.Trong buổi làm việc xoay quanh vấn đề khó khăn nhất của LĐBĐVN này, ông Trưởng ban Tiếp thị - Tài trợ Nguyễn Quốc Kỳ lại không xuất hiện. Thay vào đó là bản báo cáo dài dằng dặc mà ông bàn giao cho cấp dưới trước khi đi công tác. Bản báo cáo này toàn hàm chứa các nội dung... chưa đọc cũng biết.

Và thế là thực trạng của hoạt động tiếp thị - tài trợ, cái mà nhiều người quan tâm nhất vẫn... nằm trong bóng tối. Những nét chung chung và "lý thuyết suông" ấy dường như chẳng thuyết phục được ai. Thêm vào đó, chiến lược của VFD về thị trường tài trợ của bóng đá Việt Nam do Giám đốc Hoàng Hải Đường trình bày vô tình lại "phơi" ra tất cả những bất cập, yếu kém của VFF.

Có lẽ chính vì LĐBĐVN vẫn còn "loanh quanh" với công tác tiếp thị - tài trợ nên đại diện của FIFA về vấn đề này, ông J. Nepfer cũng không thể đưa ra những đánh giá chính xác của mình. Cho đến tận khi Hội thảo kết thúc, ông vẫn "khất" việc nêu ý kiến đóng góp, mặc dù được đích thân Chủ tịch Mai Liêm Trực đề nghị, và bản thân bài phát biểu của ông trong ngày làm việc trước đó còn được các nhà tài trợ nhiệt liệt hoan nghênh vì những nét mới mẻ, thiết thực. 

Tuy vậy, 3 ngày làm việc của Hội thảo cộng đồng thống nhất - FIFA cũng đem lại nhiều điều hữu dụng cho bóng đá Việt Nam, như Tầm nhìn châu Á đã làm được cách đây 2 tháng. Hoàn toàn có thể áp dụng các lý thuyết này để xây dựng một nền bóng đá chuyên nghiệp ở nước ta. 

Chủ tịch Mai Liêm Trực đã tổng kết cuộc Hội thảo một cách đầy hình ảnh: "Xin cảm ơn FIFA đã mang đến Việt Nam một đội tuyển mạnh để giúp đỡ đội tuyển LĐBĐVN, vốn đang trên con đường chuyên nghiệp hoá. Chúng tôi thực sự cầu thị và hy vọng những gì mà FIFA mang lại qua cuộc hội thảo sẽ giúp chúng tôi học hỏi và áp dụng trong quá trình phát triển bóng đá Việt Nam để đáp ứng được yêu cầu của người hâm mộ cả nước"!

Nguồn Internet

Ảnh trong bài
  • Bóng đá Việt Nam học hỏi được gì?