Lịch sử Thể dục thể thao Việt Nam, Đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ

Đề tài Nghiên cứu Khoa học “Sơ thảo Lịch sử thể dục thể thao Việt Nam” là một trong những Đề tài được quan tâm trong những năm gần đây. Được khởi đầu từ năm 1999 đến nay, Đề tài đang được gấp rút hoàn thành để chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành TDTT. Để bạn đọc cũng như những người quan tâm đến lĩnh vực thể dục thể thao phần nào hiểu rõ hơn về công việc của những người trong cuộc, phóng viên Trang tin Điện tử - Trung tâm tin học - Uỷ ban Thể dục Thể thao đã có buổi làm việc với Chủ nhiệm Đề tài: ông Nguyễn Văn Hiếu (nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản TDTT)

Đề tài Nghiên cứu Khoa học “Sơ thảo Lịch sử thể dục thể thao Việt Nam” là một trong những Đề tài được quan tâm trong những năm gần đây. Được khởi đầu từ năm 1999 đến nay, Đề tài đang được gấp rút hoàn thành để chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành TDTT. Để bạn đọc cũng như những người quan tâm đến lĩnh vực thể dục thể thao phần nào hiểu rõ hơn về công việc của những người trong cuộc, phóng viên Trang tin Điện tử - Trung tâm tin học - Uỷ ban Thể dục Thể thao đã có buổi làm việc với Chủ nhiệm Đề tài: ông Nguyễn Văn Hiếu (nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản TDTT)


Xin ông cho biết một số nét chính về Đề tài Nghiên cứu Khoa học “Sơ thảo Lịch sử thể thao Việt Nam” 

 

Đề tài “Sơ thảo Lịch sử thể dục thể thao Việt Nam” là một trong những Đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ. Ban đầu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Hà Quang Dự ký Quyết định ngày 22-04-1999 thành lập Ban Nghiên cứu và Biên soạn “Sơ thảo Lịch sử TDTT Việt Nam”. Tuy nhiên do nhu cầu cấp thiết của Đề tài, ngày 16-04-2002, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục Thể thao Nguyễn Danh Thái đã ký Quyết định chuyển Đề tài Nghiên cứu và Biên soạn “Sơ thảo Lịch sử TDTT Việt Nam” thành Đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ. Đồng thời, quyết định thành lập Ban Chủ nhiệm Đề tài gồm 10 thanh viên là những người được đào tạo chuyên sâu về TDTT và có kinh nghiệm về công tác TDTT. Về bố cục, Đề tài được chia làm 3 Phần bao gồm 12 Chương, trong đó mỗi Chương đều có 3 nội dung : Bối cảnh lịch sử, Thực tiễn TDTT – Thành tựu – Di sản và Kết qủa – Bài học. 

 

Vậy cho đến thời điểm này, theo đánh giá của ông tiến độ công việc đã thực hiện đến giai đoạn nào? 

Ngay từ khi mới được thành lập với tư cách là một Ban Nghiên cứu và Biên soạn, chúng tôi đã có bản dự thảo “Đề cương cuốn Sơ thảo Lịch sử TDTT Việt Nam” ngày 19-08-1999 và gửi đến 69 cán bộ lão thành, cán bộ lãnh đạo trong Ngành TDTT cùng một số nhà Sử học danh tiếng để xin ý kiến. Đồng thời cũng tổ chức 7 cuộc họp với các đồng chí lãnh đạo lão thành, các nhà khoa học TDTT hàng đầu và 3 nhà Sử học để thu thập ý kiến đánh giá nhằm hoàn thiện nhanh nhất bản “Sơ thảo Lịch sử TDTT Việt Nam”. 9 cuộc hội thảo với hơn 200 lượt người tham dự đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về TDTT qua các thời kỳ lịch sử. Đến thời điểm này, chúng tôi đã thảo xong nội dung các Chương Phần “TDTT cách mạng”. Dự kiến đến cuối năm 2005, chúng tôi sẽ hoàn thành biên tập tổng thể, đồng bộ các chương này và phần “Mở đầu”, phần “Kết luận”, hệ thống hoá các Phụ lục để trình Hội đồng Nghiệm thu do Uỷ ban Thể dục thể thao thành lập xét duyệt để có thể công bố vào tháng 01/2006. Các phần khác trong Đề tài dự kiến cũng sẽ hoàn thành trong năm 2006. 

 

Với tư cách là Chủ nhiệm Đề tài, theo ông có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình xây dựng Đề tài ? 

Trong quá trình xây dựng Đề tài, chúng tôi đã nhận được nhiều sự ủng hộ của đông đảo cán bộ trong ngành TDTT. Lãnh đạo Uỷ ban TDTT cũng đã tạo điều kiện thuận lợi giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các nhà Sử học và chuyên gia về lịch sử. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi đó, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là các thành viên trong Ban Chủ nhiệm Đề tài đều chưa qua đào tạo chuyên môn Sử học, đồng thời nhiều thành viên đã nghỉ hưu, một số đồng chí lại đang công tác quản lý tại các đơn vị thuộc Uỷ ban TDTT nên không có nhiều thời gian, vật chất để tham gia việc Biên soạn. Vấn đề nữa là lịch sử TDTT Việt Nam đã trải qua một thời gian dài, có rất nhiều nguồn thông tin tư liệu nhưng nhìn nhận. đánh giá thường hay trái ngược nhau. Do đó để đưa ra một kết luận chính thức, chúng tôi cần rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành. 

 

Vâng, xin được hỏi ông câu cuối cùng. Theo quan điểm của ông, ông đánh giá thế nào về Đề tài “Sơ thảo Lịch sử TDTT Việt Nam” và ý nghĩa của Đề tài trong sự nghiệp phát triển TDTT ?

Theo tôi, đây là một Đề tài rất cấp thiết cho Ngành TDTT. Bởi nếu mỗi người công tác trong lĩnh vực thể dục thể thao nếu am hiểu hơn về lịch sử TDTT Việt Nam, biết rõ hơn về sự hình thành và phát triển của TDTT thì sẽ thấy rõ hơn vị trí, trách nhiệm của mình trong công tác cũng như định hướng để phát triển TDTT trong tương lai từ đó có thể công tác tốt hơn. Chúng ta phải biết căn cứ vào những dữ liệu trong lịch sử, để qua đó phân tích, đánh giá và đúc kết những kinh nghiệm nhằm giúp cho nền TDTT Việt Nam ngày càng phát triển. 

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi 

 

 

 V.A

Ảnh trong bài
  • Lịch sử Thể dục thể thao Việt Nam, Đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp Bộ